MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mastercard và Visa sắp có đối thủ thực sự ở châu Âu

05-07-2020 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Một nhóm 16 ngân hàng từ các quốc gia thuộc khu vực đồng euro cho biết họ sẽ thiết lập một hệ thống thanh toán "thực sự châu Âu" được thiết kế để số hóa hoàn toàn một khu vực có phân nửa giao dịch bán lẻ vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.

Hệ thống mới này được gọi là "Sáng kiến ​​thanh toán châu Âu", hay EPI, dự kiến ​​sẽ hoạt động vào năm 2022 và sẽ thách thức sự thống trị thị trường của các công ty thanh toán có trụ sở tại Mỹ như Mastercard và Visa.

"Nó nhằm mục đích củng cố châu Âu, làm cho khu vực này trở nên độc lập và mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ thực hiện nó một cách tập thể, bằng cách tập hợp các nguồn lực của chúng tôi. Đối với những hệ thống phân phối, giá ở mỗi ngân hàng sẽ khác nhau, nhưng cơ sở hạ tầng sẽ là toàn châu Âu", Thierry Laborde, phó giám đốc điều hành của BNP Paribas, ngân hàng tham gia dự án, cho biết.

Laborde nói thêm rằng sự đổi mới lớn từ dự án này sẽ là người dân và doanh nghiệp sẽ có thể thực hiện thanh toán trên khắp châu Âu bất kỳ lúc nào, và bằng số điện thoại của người thụ hưởng.

Thẻ được cung cấp cho người tiêu dùng và nhà bán lẻ trên khắp châu Âu sẽ bao gồm nhiều loại giao dịch khác nhau, như tại cửa hàng, trực tuyến, rút ​​tiền mặt và ngang hàng (peer-to-peer).

Những tên tuổi lớn khác trong ngành ngân hàng tham gia vào dự án này gồm BBVA, Commerzbank, Deutsche Bank, Santander, ING Group, UniCredit và Societe Generale.

Với chi phí dự kiến ​​lên đến vài tỷ euro, mục đích của dự án này là tìm cách kiểm soát ít nhất 60% thanh toán điện tử ở châu Âu.

"Mục tiêu của EPI, là cung cấp một giải pháp thanh toán kỹ thuật số có thể được sử dụng ở bất cứ đâu ở châu Âu và thay thế cho tình hình ‘phân mảnh’ vẫn còn tồn tại. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp thanh toán kỹ thuật số thống nhất ở châu Âu, do có ít người sử dụng tiền mặt hơn trong đại dịch", các ngân hàng cho biết trong một tuyên bố.

Ngân hàng Trung ương châu Âu, hay ECB, lưu ý rằng trong những năm gần đây, đã có sự "tiến bộ đáng kể" để hướng tới việc phát triển một thị trường thanh toán châu Âu an toàn, hiệu quả và hợp nhất. Tuy nhiên, thị trường lại "phân mảnh" rất cao trong cách mọi người thực sự trả tiền.

Ngoài ra, ECB cho biết, hiện vẫn còn 10 quốc gia châu Âu có các chương trình thẻ riêng của họ không chấp nhận thẻ từ các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU).

"Sáng kiến ​​thanh toán châu Âu sẽ phải giải quyết sự phân mảnh trong thanh toán bán lẻ ở châu Âu cũng như sẽ bao gồm tất cả các nước khu vực đồng euro, và cuối cùng là toàn bộ EU. Việc triển khai có hiệu quả và số lượng người tham gia ngày càng tăng có khả năng giúp cho các nhà cung cấp châu Âu tăng cường vai trò của mình", ông Fabio Panetta, thành viên ban điều hành ECB, cho biết.

Ủy ban Châu Âu, chi nhánh điều hành của EU, ca ngợi quyết định đưa ra hệ thống thanh toán thống nhất trên toàn châu Âu của các ngân hàng, vì lâu nay họ đã ủng hộ một chương trình như thế để cạnh tranh với các công ty thanh toán không đến từ châu Âu.

"Ủy ban sẽ hỗ trợ đầy đủ cho sáng kiến ​​thanh toán trên toàn châu Âu như một dự án mới, đầy tham vọng. Ủy ban tin rằng công dân và doanh nghiệp EU nên được hưởng lợi từ các giải pháp thanh toán nhanh chóng, hiệu quả và đáng tin cậy. Sáng kiến ​​thanh toán của châu Âu, sẽ là một bước quan trọng và quyết định theo hướng đó", cơ quan này cho biết.

Valdis Dombrovskis, một phó chủ tịch điều hành trong Ủy ban, cho biết: "Tôi hy vọng các ngân hàng từ các nước khác, những fintech châu Âu sáng tạo và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán châu Âu khác sẽ tham gia cùng với 16 thành viên đầu tiên, mang chuyên môn và tài sản của riêng họ đến dự án đột phá này, làm cho nó thậm chí còn sáng tạo hơn và cạnh tranh hơn ở cấp độ toàn cầu".

Lê Thanh Hải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên