MasterCard vướng vào vụ kiện lớn nhất lịch sử nước Anh
"Người tiêu dùng không hề hay biết về mức độ của các khoản phí", công ty luật Quinn Emanuel cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản. "Tất cả người tiêu dùng ở Vương quốc Anh đã bị mất tiền".
- 09-09-2016Lập 2 triệu tài khoản và thẻ tín dụng khống, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị phạt nặng
- 20-12-201340 triệu khách siêu thị Target bị ăn trộm thông tin thẻ tín dụng
- 21-07-20135 loại thẻ tín dụng dành riêng cho giới siêu giàu
Nhà phát hành thẻ MasterCard đang đối mặt với một vụ kiện khổng lồ trong đó hãng bị tố đã lừa gạt người dân Anh quốc khi thu phí giao dịch cao bất hợp pháp trong hơn một thập kỷ.
Theo CNN, đơn kiện – mà nơi được phát động đầu tiên là ở Anh – đã được nộp lên tòa án vào hôm thứ năm vừa qua. Trong đó tuyên bố MasterCard (MA) nên trả 14 tỷ bảng (tức 18,6 tỷ USD) cho hàng triệu người dân Anh sử dụng thẻ bởi đã áp đặt phí giao dịch cao bất hợp pháp từ năm 1992 đến 2008.
Danh tính của người đâm lá đơn dài 600 trang lên tòa án Luân Đôn hôm qua là vị luật sư Walter Merricks, từng đứng đầu Financial Ombudsman Service, cơ quan thuộc chính quyền Anh chuyên giải quyết tranh cãi giữa các định chế dịch vụ tài chính và khách hàng.
"Loại phí này gần như là một loại thuế vô hình", ông Walter Merricks cho biết. "MasterCard đã cư xử đáng hổ thẹn. Họ không dám thừa nhận rằng mình đang tính phí sai, qua đó gây tổn hại đến người tiêu dùng Anh quốc".
Đáp lại, MasterCard khẳng định không làm gì sai. "Chúng tôi tiếp tục kiên quyết không đồng ý với các cơ sở trong nhận định của đơn kiện và chúng tôi có ý định phản đối tới cùng", tập đoàn cung cấp dịch vụ thanh toán lớn thứ hai thế giới tuyên bố.
Vụ kiện manh nha sau khi cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu nhận thấy vào năm 2014, phí giao dịch tại các cửa hàng trong phạm vi EU là quá đắt.
"Người tiêu dùng không hề hay biết về mức độ của các khoản phí", công ty luật Quinn Emanuel cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản. "Tất cả người tiêu dùng ở Vương quốc Anh đã bị mất tiền".
Công ty luật lập luận mức phí cao chót vót của MasterCard so với các loại thẻ thanh toán khác đã buộc các nhà bán lẻ phải tăng giá bán trên diện rộng và người mua hàng là bên cuối cùng phải chịu thiệt. Ước tính 46 triệu người đã bị ảnh hưởng.
Đây là vụ kiện đòi bồi thường có giá trị lớn nhất lịch sử nước Anh và dựa theo các điều khoản trong một đạo luật của nước Anh, người tiêu dùng sẽ tự động là một phần của tranh chấp, trừ khi họ không muốn tham gia.
Bất kỳ người nào sống tại Anh, sử dụng thẻ tín dụng, tiền mặt hoặc séc và đã trên 16 tuổi trong giai đoạn được đưa ra trong vụ kiện đều tự động là một phần của yêu cầu bồi thường. Nếu 14 tỷ bảng Anh được chia đều với số lượng người đủ điều kiện (ước tính là 46 triệu người), mỗi người sẽ nhận khoảng 300 bảng.
Một luật sư làm việc tại Quinn Emanuel thậm chí còn vạch ra cách thức móc túi của MasterCard. Từ năm 1992 – 2008, hãng đã áp mức phí hơn 1% giá trị giao dịch mỗi khi khách hàng thanh toán quốc tế bằng các loại thẻ tại cửa hàng.
Hai năm về trước, Liên minh châu Âu quy định giới hạn mức phí đối với các nhà bán lẻ là 0,2% đối với thẻ ghi nợ và 0,3% cho thẻ tín dụng.