Mất bao nhiêu tiền để có quốc tịch Mỹ?
Chương trình EB-5 bắt đầu hoạt động từ năm 1990, là một phần của đạo luật nhập cư với mục đích thúc đẩy tăng trưởng trên thị trường việc làm nói riêng và nền kinh tế nói chung. Từ đó đến nay, EB-5 đã đem về cho nước Mỹ 15,5 tỷ USD tiền đầu tư và tạo ra 84.400 việc làm.
- 23-08-2016Mua bán quốc tịch - Ngành kinh doanh ngày càng sôi động
- 19-07-2016Nhập quốc tịch Malta: Phải là siêu giàu?
- 19-07-2016Malta - quốc đảo tràn ngập ánh mặt trời ở Địa Trung Hải
Từ tầng 36 của tòa nhà văn phòng nằm ở trung tâm thành phố Miami, Ronald Fieldstone có được bức ảnh 360 độ trọn vẹn về làn sóng xây dựng bùng nổ mà anh là một trong những người góp tay thổi bùng lên làn sóng ấy.
Một dự án đường sắt cao tốc đang được tiến hành, nối thành phố này với Orlando – nơi có trung tâm vui chơi giải trí Disney World. Ở phía Đông là dự án cải tạo khách sạn Langford và ở phía Bắc là công trường Paramount Miami Worldcenter – tổ hợp chung cư và trung tâm thương mại cao 60 tầng đang trong quá trình đào móng.
Một phần nguồn vốn tài trợ cho các dự án này đến từ chương trình đầu tư EB-5. Trong chương trình này, nhà đầu tư rót tiền cho các dự án ở Mỹ để đổi lấy quốc tịch Mỹ. Với một khoản đầu tư 500.000 USD cho 1 dự án sẽ tạo ra ít nhất 10 việc làm ở vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao, một người nước ngoài sẽ nhận được thẻ xanh cho phép họ sống và làm việc vĩnh viễn ở Mỹ.
Miami là “thỏi nam châm” thu hút các gia đình giàu có đến từ Venezuela, Brazil và Argentina. Thành phố này cũng đang sử dụng chương trình EB-5 như một công cụ để thu hút dòng tiền mặt dồi dào từ Trung Quốc với tham vọng biến thành một trung tâm dịch vụ ngân hàng quốc tế có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Miami cũng đang thuyết phục các hãng hàng không Trung Quốc triển khai các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến Miami.
Hàng trăm triệu USD thu hút được từ nhà đầu tư nước ngoài đã được đổ vào các siêu dự án ở New York và California, trong đó có dự án quy mô 12,7 triệu foot vuông ở Manhattan. Giờ đây Florida muốn có miếng bánh to hơn.
Từ nhiều thập kỷ nay, văn phòng luật của Fieldstone chuyên xử lý các công việc liên quan đến doanh nghiệp, nhưng mấy năm trở lại đây ông dành tới một nửa thời gian để xử lý các vụ liên quan đến EB-5. “Tỷ lệ thành công thực sự cao nếu đi theo chương trình đầu tư EB-5. Phía Nam Florida là một nơi đặc biệt với những thứ mà bạn không bao giờ có thể tìm thấy ở nơi khác: khí hậu ôn hòa dễ chịu, những bãi biển tuyệt đẹp và vị trí đi lại thuận tiện. Tôi nghĩ người Trung Quốc coi đây là thành phố cửa ngõ”, ông nói.
Chương trình EB-5 bắt đầu hoạt động từ năm 1990, là một phần của đạo luật nhập cư với mục đích thúc đẩy tăng trưởng trên thị trường việc làm nói riêng và nền kinh tế nói chung. Từ đó đến nay, EB-5 đã đem về cho nước Mỹ 15,5 tỷ USD tiền đầu tư và tạo ra 84.400 việc làm, theo Cục nhập cảnh Mỹ là cơ quan giám sát chương trình này.
Người nộp đơn sẽ phải đầu tư 1 triệu USD nếu đầu tư vào ngành tạo ra việc làm hoặc 500.000 USD nếu đầu tư vào dự án nằm ở vùng kinh tế khó khăn. Sau 5 năm, nhà đầu tư nhận được thẻ xanh và nếu may mắn họ còn được lấy lại cả tiền gốc và lãi.
Các nước khác cũng có chương trình nhập cư dành cho nhà đầu tư với nhiều mức độ khác nhau. Pháp yêu cầu khoản đầu tư 10 triệu euro cho dự án tạo ra 50 việc làm. Còn Malta bán hộ chiếu EU với giá 650.000 euro và đã khiến Ủy ban châu Âu giận dữ. Để có hộ chiếu Anh bạn phải đầu tư 2 triệu euro trái phiếu Chính phủ.
Chương trình EB-5 gần như đã bị “vứt xó” cho tới khi khủng hoảng tài chính 2008 khiến các công ty bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Năm 2014, Canada quyết định dừng chương trình cấp hộ chiếu đầu tư vốn được giới nhà giàu Trung Quốc rất ưa chuộng. Sự kiện này cũng khiến EB-5 trở nên hấp dẫn.
Mỗi năm Mỹ chỉ cấp visa cho tối đa là 10.000 trường hợp. Năm 2014, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ dùng hết số lượng này. Các nhà đầu tư Trung Quốc là nhóm mua nhiều nhất, chiếm tới 86% số visa được cấp trong năm ngoái. Đến nay số đơn xếp hàng đã kéo dài tới mức người mới sẽ phải chờ đợi tới 18 tháng để hồ sơ của họ được động đến.
Dù chương trình EB-5 còn gây nhiều tranh cãi, quan điểm của Miami là dòng vốn sẽ giúp nâng cao vị thế của thành phố trên trường quốc tế và giúp thu hút nhiều hơn các công ty nước ngoài đến đây kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp Miami đã tới trung Quốc để quảng bá Miami là nơi tốt nhất để họ cất giữ tiền mặt. 5 năm trước, các công ty bất động sản Miami đã bắt đầu nỗ lực lôi kéo người mua từ Trung Quốc nhưng giờ đây EB-5 là cách phổ biến nhất.
Năm ngoái bộ phận marketing cho dự án Paramount Miami Worldcenter đã bắt đầu đi tìm các cư dân đến từ Trung Quốc. Họ thuê cả một chuyên gia phong thủy để thiết kế tòa nhà sao cho hài hòa 5 yếu tố Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Các ghế ngồi được bố trí đối diện với cửa ra vào và rất nhiều cây xanh được bố trí trong khu vực chỗ ngồi. Ngoài ra còn có cả lò sưởi.
Đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, yếu tố quan trọng khiến họ muốn có được chiếc thẻ xanh là cơ hội giáo dục tuyệt vời cho con cái và đảm bảo sự an toàn trong bối cảnh chính trường Trung Quốc có nhiều biến động.
Ngoài Trung Quốc, Miami còn để mắt tới thị trường Mỹ Latinh, nơi những nước như Venezuela và Brazil bị ảnh hưởng nặng nề bởi thị trường hàng hóa ảm đạm.
Tuy nhiên việc lạm dụng EB-5 đã gây ra nhiều tranh cãi. Những ý kiến chỉ trích cho rằng có nhiều trường hợp lừa đảo và đặc biệt EB-5 có thể trở thành công cụ rửa tiền. Canada đã chấm dứt chương trình tương tự trong khi Australia bổ sung thêm các điều kiện sau khi nhận thấy lợi ích kinh tế từ việc bán quốc tịch qua kênh đầu tư là không lớn.
Một số nhà làm luật Mỹ cho rằng việc đánh đổi visa lấy tiền mặt từ giới siêu giàu và sau đó phần lớn số tiền ấy lại được đổ vào những vùng giàu có là một tín hiệu xấu. Ban đầu chương trình EB-5 được thiết kế với mục đích giúp đỡ những khu vực còn nghèo so với mức trung bình cả nước.
Đến cuối tháng 9, Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc có nên gia hạn chương trình này hay không. Kể cả những người ủng hộ như ông Fieldstone cũng cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế lừa đảo và bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.