Mất cả bố lẫn mẹ, nữ sinh 10x vượt nỗi đau, trúng học bổng xịn
Không có trở ngại nào là không thể vượt qua khi bạn có một ước mơ đáng để theo đuổi.
- 26-10-2023Thủ khoa Đại học Ngoại thương chia sẻ bí quyết chiếm trọn học bổng của trường
- 23-10-2023Nối dài hành trình tốt đời đẹp đạo: Vingroup trao học bổng, tặng điểm trường ước mơ, khánh thành những cây cầu yêu thương!
- 19-10-2023Vượt nghịch cảnh, thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân được ví như 'thợ săn học bổng'
- 29-09-2023Thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội 10 kỳ đều đạt học bổng hạng A
3 năm trước, nếu nhắc đến hai tiếng "đại học", với Cà Thị Cúc (sinh năm 2002, tên thường gọi: Mai Cúc) chắc hẳn là một giấc mơ nào đó quá xa tầm với. Cúc sinh ra trong gia đình làm nông ở một ngôi làng hẻo lánh tại tỉnh Sơn La, gia đình em thuộc hộ cận nghèo của xã, nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Xuất phát điểm khiêm tốn được Cúc gói gọn lại trong một câu: "Ở bản em, được đi học chính là một sự may mắn". Mỗi ngày, Cúc thức dậy từ 4 giờ sáng để ôn bài, sau đó mới đi bộ trên con đường đất hơn hai cây số băng qua nghĩa trang để đến trường. Em hầu như chẳng bao giờ ăn sáng, chỉ thi thoảng mới có nắm cơm nguội gói theo. Thời điểm đó, những bạn tầm tuổi học đại học phải lấy chồng hoặc đi làm xa kiếm tiền trang trải cuộc sống. Anh trai cả của Cúc cũng đi làm kiếm tiền tự lo cho bản thân và trả nợ cho gia đình.
Để có thể chinh phục những cột mốc cao hơn trong việc học, theo Cúc, bạn trẻ phải có tinh thần hiếu học và được khai mở tư duy, nỗ lực gấp nhiều lần. Và con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cúc là người thứ 3 được tiếp tục học đại học ở khu vực bản lân cận của em. Chị gái Cúc cũng đang theo đuổi con đường học vấn lâu dài, là sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Trong suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, thành tích học tập của Cúc luôn giữ ở mức khá giỏi. Em cũng là người luôn dẫn đầu trong các phòng trào trường lớp và được thầy cô bạn bè rất yêu mến.
Giờ đây, Cúc đang đứng trước một chương mới trong cuộc đời và sẵn sàng tung bay khi em vừa giành được Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT Việt Nam. Mai Cúc, cô gái mang tên một loài hoa dại có thể nói đã đi từ vực sâu mất mát đến đỉnh cao học tập, nhắc nhở chúng ta rằng không có trở ngại nào là không thể vượt qua khi bạn có một ước mơ đáng để theo đuổi.
Biến cố ập đến
Cả Cúc và chị gái đều có niềm khao khát mãnh liệt được theo đuổi lâu dài việc học. Bố mẹ em cũng luôn mong muốn con mình sẽ được bay cao bay xa nên vẫn cố gắng vay ngân hàng để thực hiện mơ ước thiêng liêng đó.
Nhưng hy vọng vào tương lai của cô gái dân tộc Thái đã tan vỡ khi cha mẹ em bất ngờ lần lượt qua đời giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. "Ngày 1/4/2020, mẹ em không may qua đời vì một cơn đột quỵ. Hơn 3 tháng sau, ngày 15/7/2020, bố em cũng bị đột quỵ và ra đi do bệnh nặng", Cúc chia sẻ.
Lúc đó, chị của Cúc đang học năm nhất đại học. Để cháu gái được tiếp tục hành trình, dì và cậu của Cúc đã đứng ra hỗ trợ kinh tế.
Đối với Cúc, một nữ sinh lớp 12 đang ấp ủ những hy họng thì việc được đi học là vô cùng khó. Thứ nhất là em không đủ kinh tế để có thể tự theo học. Thứ 2 là em sẽ không có đủ can đảm để dám theo đuổi thứ mình vẫn hoài mơ ước (vì em từng là người rất tiêu cực và suy nghĩ rằng mình không xứng đáng có được những điều tốt đẹp như các bạn). Em cũng chới với không biết hướng đi nào sẽ tốt hơn cho mình.
Đúng vào thời điểm bấp bênh của cuộc đời, cô gái nhỏ biết đến Trường đào tạo nghề KOTO, doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam hoạt động với sứ mệnh giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trở thành những người có học vấn và tự tin. Hành trình này đã mở ra cơ hội cho Cúc được nói tiếng Anh dù trước đó, em chưa bao giờ nghĩ mình có thể đứng trước một người nước ngoài và giao tiếp với họ. Từ một cô bé nhút nhát không biết ngoại ngữ, tập bập bõm nói vài từ ngày nào giờ Cúc đã có thể tự tin giao tiếp tự nhiên với người bản xứ.
Ngoài ra, em còn được tham gia chạy dự án coffee shop ở trường. Lần đầu tiên em biết để vận hành được một mô hình kinh doanh cần phải làm những công việc gì và cần phải làm thế nào để tiếp tục phát triển mô hình đó. Có rất nhiều bài học em đã học hỏi được qua những thách thức như thế.
Sau 18 tháng theo học nghề, Cúc được nhận vào thực tập 6 tháng tại khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Phú Quốc với vị trí phục vụ nhà hàng.
Viết tiếp ước mơ vào đại học
Có công việc, tuy nhiên, sâu thẳm trong tâm trí, ước mơ đại học của Cúc chưa bao giờ tắt. Cúc mong muốn tiếp tục học lên cao để có thể quay lại nơi mình sinh ra, giúp các em nhỏ trong bản có thêm động lực đi học và truyền cảm hứng cho bản làng về tầm quan trọng của giáo dục. Em cũng bắt đầu tìm kiếm những cơ hội học bổng của những trường đại học.
Nhờ được giới thiệu, Cúc biết đến học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT. Giây phút tìm thấy thông tin về chương trình Thiết kế ứng dụng sáng tạo, Cúc quyết định sẽ nắm lấy cơ hội quý báu này để viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình.
Để không tự ti bỏ cuộc giữa chừng, ngay từ lúc bắt đầu làm hồ sơ xin học bổng, Cúc tự nói với bản thân: Cơ hội đến với mình không hề nhiều, vậy tại sao mình không đặt niềm tin vào chính mình rằng mình sẽ lấy được học bổng lần này. Ngày nào thức dậy em cũng nói trước gương: "I can do it". Ngoài ra em còn được động viên và hỗ trợ tinh thần từ anh Jimmy và những anh chị đi trước mang lại cho em nhiều niềm hy vọng và khát khao ngày càng lớn.
"Em không quá tự tin mình sẽ có cơ hội 100% chiến thắng, nhưng em đặt hết niềm tin vào bản thân mình. Bằng tất cả những tâm huyết và sự nỗ lực, quyết tâm, em đã thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, thoát ra khỏi suy nghĩ em không làm được đâu", Cúc chia sẻ.
Giây phút nhận tin đỗ học bổng, Cúc chỉ biết nhìn lên trời và thốt lên: "Bố mẹ ơi, có đang nhìn thấy con không, con đã làm được rồi này. Con biết bố mẹ cũng sẽ tự hào về con lắm", cô gái nhỏ hồi tưởng lại, đôi mắt lấp lánh ngập tràn niềm vui.
Đánh giá về thế mạnh hồ sơ của mình, Cúc cho rằng, quan trọng nhất là perosnal statement (bài luận cá nhân) và thứ 2 là thư giới thiệu từ nhà trường và nơi em làm việc.
Có người từng cho Cúc lời khuyên rằng, bài personal statement phải "thét ra ngọn lửa" trong em, những khát khao mong muốn của em. Sau khi đã chỉnh sửa trong 3 tuần, Cúc đã có được bài personal statement hoàn chỉnh mà em cảm nhận rằng đây là tất cả những gì em muốn nói ra về bản thân và khát khao mãnh liệt của mình.
Cúc thừa nhận, mình rất may mắn khi nhận được nhiều sự động viên, giúp đỡ trong quá trình làm hồ sơ. Có những việc, Cúc có thể nói ra thành lời nhưng một số điều em chỉ có thể cảm nhận và thầm biết ơn. Em hiểu và biết rằng mình nên làm gì và quyết định như thế nào qua những lời khuyên chân thành.
Chọn chương trình Thiết kế ứng dụng sáng tạo, Cúc mong muốn được mang bản sắc của dân tộc mình ra ngoài thế giới qua những hình họa, thiết kế dự án, mang một làn gió mới đến với ngành Thiết kế đồ họa ở Việt Nam và thậm chí là vươn ra ngoài thế giới.
Từ hành trình của mình, Cúc chia sẻ, với các bạn muốn bứt phá để vươn lên trên con đường học tập, việc đầu tiên là phải tin vào chính mình. Bạn tin bạn làm được thì trên đời này không có một sự cản trở nào là khó khăn không vượt qua.
Hoàn cảnh gia đình và những điều không may cũng chỉ là những thử thách để thật sự xem các bạn có dám vượt qua khỏi vùng an toàn của mình không thôi. Khi các bạn đã dũng cảm đứng lên thì chắc chắn phía sau đó không bao giờ là sự thất vọng.
Hãy chuẩn bị cho mình những thói quen hoặc kiến thức mà bạn cảm thấy rằng sau này mình sẽ cần đến. Ví dụ như dành thời gian để tự học Tiếng Anh hoặc một loại ngôn ngữ mới, hay nghiên cứu một chuyên môn mà mình cảm thấy yêu thích; dành thời gian đọc sách để mở mang trí tuệ, và hãy mở rộng các mối quan hệ của mình ra ngoài xã hội nhiều hơn nữa,…
Những điều này với Cúc chưa bao giờ mình cảm thấy lãng phí hay dư thừa, em chỉ cảm giác như thời gian là không bao giờ đủ để học hỏi. Kiên nhẫn chính là chìa khóa để mình có thể mở ra cánh cổng mới và lớn hơn cho chính mình.
Phụ nữ số