Mất cân bằng cơ cấu lao động - Nguyên nhân chính làm gia tăng thất nghiệp
Các chuyên gia lao động khẳng định, về lâu dài mất cân bằng cơ cấu lao động là nguyên nhân chính làm gia tăng thất nghiệp.
- 19-06-2017Tăng lương tối thiểu, lao động Việt thấp thỏm lo thất nghiệp
- 31-05-2017Vì sao cử nhân vẫn thất nghiệp cao?
- 23-05-2017Hàng loạt nhân viên bán lẻ ở Mỹ nguy cơ thất nghiệp vì… robot
- 23-05-2017Đề nghị Quốc hội kỳ này chưa bàn về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Năm nay có hơn 866.000 thí sinh tham gia thi THPT quốc gia . Theo thống kê, có tới 70% thí sinh năm nay đăng ký nguyện vọng được học đại học. Với tâm lý muốn có bằng cấp, cộng thêm với việc năm nay lần đầu tiên thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường nghề sẽ khó có cơ hội giành học sinh với các trường thuộc hệ thống giáo dục đại học.
Chỉ tiêu năm nay của Bộ GDDT dành cho các trường đại học là tới hơn 400.000 sinh viên. Nếu tất cả chỉ tiêu này được tuyển đủ thì cứ 2 thí sinh THPT quốc gia, sẽ có 1 em vào đại học.
Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy, thị trường lao động Việt Nam là thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều, đặc biệt quan hệ cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề đang diễn ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Số cử nhân ra trường ngày càng lớn nhưng tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức lớn nhất.
Theo số liệu của Bản tin thị trường lao động trong quý I/2017, số người có trình độ trung cấp và cao đẳng tìm được việc làm là 51,7%; trong khi đó, chỉ có gần 16% người có trình độ đại học trở lên tìm được việc làm, thấp hơn số lao động phổ thông là 19,1%.
Một vấn đề mà Bộ LĐTBXH đang tập trung giải quyết trong năm nay là phải đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động có trình độ đại học. Nhân lực đào tạo vượt quá nhu cầu của thị trường lao động đang tạo ra những hệ lụy và sự lãng phí. Các chuyên gia lao động khẳng định: Về lâu dài mất cân bằng cơ cấu lao động là nguyên nhân chính làm gia tăng thất nghiệp.
Năm ngoái, các trường đại học tuyển sinh gần 1,75 triệu thí sinh trong khi các trường cao đẳng, trung cấp chỉ tuyển trên 764.000 thí sinh. Như vậy, hơn 3 năm nữa, sẽ có một lực lượng lao động ra trường, trong đó cứ 2 cử nhân mới có 1 lao động qua đào tạo. Và nếu đầu vào đào tạo không có sự điều chỉnh từ năm nay thì thị trường lao động Việt Nam sẽ tiếp tục mất cân bằng và kéo dài lãng phí nhân lực.
VTV1