Mặt hàng được một quốc gia xuất sang Nga tăng phi mã tới 543%: Vì sao lại như vậy?
Theo Reuters, những thay đổi mang tới vận may cho các nhà sản xuất Trung Quốc đang tới.
- 13-07-2023Ấn Độ cân nhắc cấm xuất khẩu, giá mặt hàng Việt Nam bán ra nhiều bậc nhất thế giới có khả năng tăng phi mã
- 21-06-2023Những mặt hàng này “đắt như tôm tươi” khi châu Á trải qua đợt sóng nhiệt tồi tệ
- 17-06-2023Một mặt hàng Nga xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới
Nga trở thành thị trường xuất khẩu xe số 1 của Trung Quốc
Theo hãng thông tấn RBC (Nga), kim ngạch xuất khẩu xe ô tô con (xe con) từ Trung Quốc sang Nga trong nửa đầu năm 2023 đã lên tới 4,6 tỷ USD, gấp 6,4 lần (543%) so với nửa đầu năm 2022 (715 triệu USD).
Chỉ tính riêng trong tháng 6/2023, tổng giá trị các lô hàng xe Trung Quốc xuất sang Nga đã lên tới 1,03 tỷ USD – cao nhất kể từ đầu năm nay (Trong tháng 5, con số này là 809 triệu USD).
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tính từ tháng 1 – tháng 6/2023, nước này đã xuất khẩu sang Nga 325.800 ô tô và các phương tiện khác chuyên chở người, gấp 5 lần so với giai đoạn từ tháng 1 – tháng 6/2022 (64.600 chiếc).
Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc đã xuất 287.000 phương tiện (bao gồm cả xe tải và xe buýt sang Nga), đưa Nga trở thành thị trường xuất khẩu xe lớn nhất của Trung Quốc (Mexico giữ vị trí thứ hai với 159.000 chiếc).
Khách hàng tham quan mẫu xe của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Jetour tại đại lý Keyauto ở Lyubertsy, Vùng Moscow, Nga ngày 12/7/2023. Ảnh: Reuters
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết thêm rằng, trước khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt vào Nga năm 2021, xuất khẩu ô tô Trung Quốc sang Nga cả năm mới đạt 1,5 tỷ USD. Khi đó, ô tô Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% tổng số xe con nhập khẩu vào Nga nhưng hiện tại, con số này đã lên tới 70%.
Ngoài những con số này, các công ty Trung Quốc cũng đang tăng doanh số bán hàng bằng cách lắp ráp xe ngay tại các nhà máy cũ do nhiều thương hiệu nước ngoài bỏ lại ở Nga. Reuters cho biết, 6 nhà máy tại Nga, trước đây thuộc sở hữu của các nhà sản xuất châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, hiện đang sản xuất các mẫu xe của Trung Quốc hoặc có kế hoạch làm điều đó. Theo tính toán của Reuters, 6 nhà máy này có công suất hàng năm khoảng 6.000 xe.
Vì sao có sự thay đổi này?
RBC cho biết, do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, lượng sản xuất xe con ở Nga trong năm 2022 đã giảm 67%. Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng phần lớn là do khối lượng lắp ráp theo hợp đồng giảm sau khi các hãng nước ngoài rời đi (trong năm 2021, sản lượng lắp ráp ô tô nước ngoài chiếm tới 70% tổng sản lượng ô tô cả nước của Nga).
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Nga ước tính, việc sản xuất các xe ô tô mang thương hiệu Nga đã giảm khoảng 40%, chủ yếu là do vấn đề về nguồn cung linh kiện. Các thương hiệu nước ngoài lo ngại việc phải ngừng sản xuất tại Nga, trong khi lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng khiến việc Nga nhập khẩu ô tô từ châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm mạnh.
Về phần mình, tờ Global Times (Trung Quốc) cho rằng ô tô do Trung Quốc sản xuất đang có chỗ đứng rộng hơn và vững chắc hơn ở Nga bởi đã nâng cao được tính cạnh tranh. Bắc Kinh đang và sẽ thực hiện nhiều biện pháp hơn để khuyến khích xuất khẩu xe, chú trọng nâng cao chất lượng và khuyến khích các nhà sản xuất ô tô hợp tác với nhiều tổ chức tài chính trong/ngoài nước.
Các mẫu xe của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Jetour tại đại lý Keyauto ở Lyubertsy, Vùng Moscow. Ảnh: Reuters
Xu Haidong – Phó kỹ sư trưởng của CAAM cho biết, các phương tiện do Trung Quốc sản xuất đã trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu do có công tác kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, dây chuyền công nghệ tinh vi và dịch vụ bảo trì tiên tiến.
Đồng quan điểm trên, ông Cui Dongshu, tổng thư ký Hiệp hội xe ô tô du lịch Trung Quốc (CPCA) nói với Global Times: “Động thái rút lui của các thương hiệu ô tô phương Tây ra khỏi thị trường Nga đã để lại khoảng trống thuận lợi cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, ô tô Trung Quốc đã nâng cao tính cạnh tranh. Sự kết hợp của hai yếu tố này đã khiến ngày càng nhiều ô tô Trung Quốc được xuất sang Nga”.
Ông Cui đồng thời dự đoán xuất khẩu xe của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể trong tháng 7 do tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc trên thị trường ngoại hối thuận lợi cho xuất khẩu.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã trích dẫn ước tính của các chuyên gia tại Otkritie Auto - đơn vị kinh doanh ô tô của Ngân hàng Otkritie (Nga) cho biết, doanh số bán ô tô Trung Quốc tại Nga dự kiến sẽ đạt 380.000 cho tới 400.000 chiếc vào cuối năm 2023.
Theo ước tính của Otkritie Auto, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện có gần 1.500 đại lý ở Nga (chiếm 46% tổng số đại lý ô tô tại nước này).
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Avtodom – tập đoàn đã mua công ty con của Mercedes-Benz (MBGn.DE) ở Nga - đang đàm phán với một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc về việc lắp ráp mẫu ô tô cao cấp của Trung Quốc tại nhà máy cũ ở Moscow. Dự kiến, thông tin về đối tác sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Hãng tin Anh nhận định, đó là sự thay đổi mang tới vận may cho các nhà sản xuất Trung Quốc ở Nga. Việc sản xuất xe Trung Quốc chỉ mới bắt đầu ở Nga vào năm 2019, sau sự ra mắt của công ty ô tô Trung Quốc Great Wall Motor (601633.SS).
Dữ liệu bán hàng tháng 6 từ Autostat cho biết, 6 trong số 10 thương hiệu hàng đầu theo thị phần ở Nga đang là các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, ví dụ như Haval, Chery và Geely (0175.HK).
Phụ nữ số