“Mất hàng là khi bán cổ phiếu”
Ông Quan Đức Hoàng (phải) và ông Nguyễn Thế Minh
Chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên chọn danh mục đầu tư mà mình cảm thấy an tâm với nó, đi một con đường 5,7,10 năm. Hoặc có thể đầu tư vào một quỹ hoặc phân bổ vào nhiều loại quỹ đầu tư.
Tại talkshow do báo Đầu tư tổ chức mới đây, đề cập về tiềm năng tăng trưởng ngành năng lượng tái tạo, ông Quan Đức Hoàng, giám đốc Green Fund cho biết, ở góc độ là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ nghiên cứu thị trường này khá kỹ.
Vị này cho biết, Công ty quản lý quỹ Amber đã thành lập quỹ xanh và điện tái tạo đầu tiên của Việt Nam. Quỹ này chủ yếu đầu tư 85% đầu tư vào ngành điện tái tạo. Còn các phần khác sẽ trích tối đa 15% quỹ sẽ đầu tư vào ngành nông nghiệp xanh để hỗ trợ người dân ngành nông nghiệp.
Kế hoạch của Việt Nam đến 2030 là 130Kw và đến 2050 dự kiến là 300Kw. Sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo mỗi năm trung bình từ 12-15%. Điện tái tạo năm 2017 cung cấp khoảng 6% trong tổng số điện của thị trường Việt Nam và đến 2020 là khoảng 10%, kế hoạch đến 2030 sẽ được 21%.
"Trong vòng 8 năm nữa sẽ phát triển gấp đôi nên Amber rất quan tâm đến lĩnh vực này và các doanh nghiệp niêm yết ngành. Quỹ chúng tôi không chỉ đầu tư vào các mã trên sàn, chúng tôi tập trung tạo dựng những doanh nghiệp mạnh hơn để đưa lên sàn niêm yết. Tôi nghĩ rằng ngành năng lượng tái tạo với đà phát triển như vậy thì tiềm năng là rất lớn", ông Hoàng chia sẻ.
Khi được hỏi về danh mục đầu tư, ông Quan Đức Hoàng, Giám đốc Green Fund cho biết, nguyên tắc của ngành quản lý quỹ là chỉ công số danh mục sau 3 tháng khi đã đầu tư để tránh cạnh tranh và sẽ được công bố theo quy định của UBCK.
"Chúng tôi quan tâm đến nhóm ngành số một là ngành điện tái tạo, tiếp theo là nhóm ngành sản xuất và logistics, liên quan đến sản phẩm cơ bản cần thiết", ông Hoàng cho biết.
Vị này cũng đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư riêng lẻ nên đặt cho mình những chỉ tiêu khi đầu tư.
"Chúng tôi quan tâm đến những cổ phiếu có P/E dưới 10 hoặc dưới 5. Tính trên 3 thị trường thì hiện có khoảng 509 công ty có mức P/E dưới 10. Nếu sàng lọc tiếp P/E dưới 5 thì có khoảng 109 công ty và nếu bỏ thị trường UpCOM còn khoảng 255 công ty và những công ty đầu tư được chỉ còn khoảng 42 công ty. Những công việc như vậy chúng tôi phải làm thường xuyên", ông Hoàng chia sẻ.
Ngoài ra, quỹ cũng quan tâm đến market cap, xét hạn mức market cap hoặc vốn của công ty phải trên 400 tỷ mới tham gia đầu tư nên danh sách của quỹ còn rất nhỏ.
Đề cập tới tiềm năng tăng trưởng của ngành năng lượng tái tạo, Giám đốc phân tích của Yuanta Nguyễn Thế Minh cho rằng, yếu tố lãi suất và lạm phát sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 nên dòng tiền sẽ không còn rẻ và tìm đến nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ cao, trong đó có nhóm cổ phiếu ngành điện.
Theo chuyên gia này, năm 2020-2021 nhóm ngành điện gặp khó khăn nhưng năm 2022 nhóm cổ phiếu ngành năng lượng được kỳ vọng là nhóm cổ phiếu phòng thủ và mang lại lợi suất tốt cho năm 2022. Đặc biệt, việc Việt Nam mới triển khai thực hiện cam kết COP26 sẽ giúp doanh nghiệp tái tạo hưởng lợi.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, có 2 mục tiêu chính để xây dựng nên danh mục đầu tư là tăng trưởng của doanh nghiệp và yếu tố dòng tiền.
Các nhóm ngành được khuyến nghị chú ý trong tháng 6, đầu tiên là hóa chất như dầu, phân bón; tiếp theo là bán lẻ; điện và sản xuất điện; và cuối cùng là nhóm logistics.
Bình luận về BCG, hiện nằm trong Top 5 doanh nghiệp mảng năng lượng tái tạo, ông Minh cho biết đã theo dõi BCG từ 2019 và Yuanta cũng là CTCK đầu tiên ra báo cáo phân tích BCG.
Trong những năm trước, nguồn thu chính của BCG chủ yếu hợp đồng tư vấn, đóng vai trò như công ty chứng khoán, nhưng đến năm 2019 BCG đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là mảng năng lượng. Hiện nay, BCG đã có kinh nghiệm và có thể đi đấu thầu tại các dự án lớn mảng tái tạo năng lượng.
"Đến năm 2022, nguồn thu chính của BCG đến từ 2 mảng là bất động sản và mảng tái tạo năng lượng. Như vậy, dòng tiền của BCG sẽ đều hơn trong những giai đoạn tới bởi BCG đã đạt mức tăng trưởng vốn hóa và đã dấn thân vào các mảng kinh doanh ổn định", ông Minh cho biết.
Về định giá cổ phiếu, trước đợt sụt giảm của thị trường, P/E BCG gần 20 và hiện là dưới 10, là mức định giá thấp đối với doanh nghiệp có dòng tiền ổn định và rủi ro đòn bẩy giảm đáng kể.
Khi nhà đầu tư đã tìm thấy cổ phiếu chiến lược thì làm thế nào để tránh bị mất hàng?
Ông Quan Đức Hoàng cho rằng, đa phần nhà đầu tư cá nhân thường quên cách quản trị rủi ro của bản thân. Ví dụ như các quỹ phải tuân thủ theo những chỉ tiêu đã đặt ra từ đầu, với cam kết với các nhà đầu tư từ trước, đến mức bao nhiêu thì phải cắt lỗ.
Vị này khuyên nhà đầu tư nên phân bổ vào những quỹ đầu tư. Các quỹ thường có phần tiền mặt để dự phòng cho những cơ hội thị trường xuống. Thứ hai là các nhà đầu tư chuyên nghiệp có đội phân tích và theo dõi thị trường rất sát sao nên định vị được khi nào nên bán và khi nào nên chuẩn bị tiền.
"Mất hàng thật ra là khi mình bán cổ phiếu còn nếu chúng ta đã thật sự chọn một công ty mà muốn giữ lâu dài thì khi thị trường khó khăn là lúc để bình tâm suy nghĩ lại, xem xét lại hạn mức rủi ro của bản thân, xem mình nên đầu tư tiếp hay như thế nào, hay mình đã tính sai chỗ nào", ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, nhà đầu tư nên chọn danh mục đầu tư mà mình cảm thấy an tâm, đi một con đường 5,7,10 năm. Hoặc có thể đầu tư vào một quỹ hoặc phân bổ vào nhiều loại quỹ đầu tư. Ngoài ra có thể dành một phần tiền có thể để trading.
"Thị trường Việt Nam vẫn là thị trường cơ hội vậy nên lý thuyết của những nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ mang tính lý thuyết. Mỗi người sẽ biết cân nhắc về lượng tiền và rủi ro để đầu tư nên tôi khuyên các bạn phải thận trọng. Nếu các bạn kiếm được nhiều tiền hơn từ các công việc khác thì hãy để người chuyên nghiệp làm hộ cho mình và mình trả phí quản lý. Phí quản lý hiện nay của tất cả các quỹ hầu như là 1,5-2% một năm. Tôi nghĩ là đó là phương án tốt nhất", ông Hoàng cho biết.
Nhịp Sống Kinh Doanh