MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Mặt hàng phổ biến’, đồng giá 6.800 đồng nhưng có thể đem về hàng trăm triệu đồng/tháng: Người Trung Quốc đổ xô đi đầu tư, thậm chí bỏ cả việc để ‘nhảy vào thị trường’

21-02-2024 - 09:30 AM | Tài chính quốc tế

‘Mặt hàng phổ biến’, đồng giá 6.800 đồng nhưng có thể đem về hàng trăm triệu đồng/tháng: Người Trung Quốc đổ xô đi đầu tư, thậm chí bỏ cả việc để ‘nhảy vào thị trường’

Sự bùng nổ của các cửa hàng này phần lớn là do tình hình kinh tế hiện tại cũng như sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc.

Từ các thành phố và thị trấn nhỏ ở tỉnh Sơn Đông đến các con hẻm ở đô thị phía tây nam Trùng Khánh, các tiệm “bánh mì 2 nhân dân tệ (xấp xỉ 6.800 đồng)” đang trở thành xu hướng tại Trung Quốc.

Bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, một số bài đăng trên mạng xã hội cho thấy đã có những cá nhân tuyên bố nghỉ việc để mở tiệm bánh mì. Họ chia sẻ mình đã kiếm được thu nhập “khấm khá” dù vốn đầu tư không hề lớn.

Trong số đó, có một người mẹ trẻ tuổi và một cô gái ở độ tuổi 20 đã kiếm được mỗi tháng lần lượt là 130.000 nhân dân tệ và 180.000 nhân dân tệ (443 triệu đồng và 613 triệu đồng) sau khi mở tiệm bán “bánh mì 2 NDT”.

‘Mặt hàng phổ biến’, đồng giá 6.800 đồng nhưng có thể đem về hàng trăm triệu đồng/tháng: Người Trung Quốc đổ xô đi đầu tư, thậm chí bỏ cả việc để ‘nhảy vào thị trường’- Ảnh 1.

Những cửa hàng như vậy thường được đặt ở vị trí chiến lược như gần trường học hoặc ở chợ trong thành phố.

Họ thu hút rất nhiều người nhờ biển hiệu “bánh mì 2 nhân dân tệ” vô cùng nổi bật. Đặc biệt, những chiếc bánh này có nhiều loại nhân phong phú như đậu đỏ, sô cô la và sầu riêng. Với giá thành rẻ, tiện lợi và đa dạng chủng loại - những tiệm bánh như vậy đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn khách hàng.

“Tôi đã mua bánh ở cửa hàng với giá chỉ hơn 20 nhân dân tệ, hương vị nào cũng ngon và đáng giá,” một blogger ẩm thực có khoảng 14.000 người theo dõi trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu chia sẻ.

‘Mặt hàng phổ biến’, đồng giá 6.800 đồng nhưng có thể đem về hàng trăm triệu đồng/tháng: Người Trung Quốc đổ xô đi đầu tư, thậm chí bỏ cả việc để ‘nhảy vào thị trường’- Ảnh 2.

Thực tế, sự quan tâm rộng rãi tới các cửa hàng này một phần nhờ các bài viết cho thấy đây là một công việc kinh doanh sinh lời. Điều này dẫn đến sự gia tăng số người muốn đầu tư hoặc mở “tiệm bánh 2 nhân dân tệ” của riêng họ.

Hiện tượng này càng nở rộ khi các chuỗi như Sumei 2-yuan Bread và Tangyi ở Sơn Đông, cũng như 3-yuan Bread Supply and Marketing Cooperatives ở Trùng Khánh mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách mở nhiều cửa hàng và cung cấp dịch vụ nhượng quyền trên toàn quốc.

Tuy nhiên, dù có nhiều thành công ban đầu, mô hình kinh doanh của các cửa hàng bánh mì giá 2 nhân dân tệ cũng có nhiều thách thức. Mặc dù chi phí sản xuất thấp và tỷ suất lợi nhuận cao có vẻ hứa hẹn nhưng việc duy trì lợi nhuận trong dài hạn vẫn chưa chắc chắn.

Truyền thông trong nước và các chuyên gia kể từ đó đã nêu lên mối lo ngại về mô hình kinh doanh này sau khi có báo cáo rằng có rất nhiều người đang lao vào kinh doanh bánh mì. Thực tế, mọi người cần chú ý rằng lợi nhuận thực sự thường không nằm ở việc bán bánh mì mà nằm ở việc có được người nhượng quyền và phí thu được từ việc dạy nghề.

Đại diện của thương hiệu nổi tiếng Sumei nói với Sixth Tone rằng công ty vận hành hơn 400 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, một mạng lưới đã được mở rộng kể từ tháng 9 năm 2023.

Chỉ riêng tại Tế Nam, Sơn Đông, 8 cửa hàng “bánh mì Sumei 2 nhân dân tệ” đã bắt đầu hoạt động và 3 cửa hàng nữa dự kiến sẽ sớm mở cửa.

Đại diện Sumei nói với Sixth Tone: “Chúng tôi cung cấp công thức, công nghệ và tuyển chọn nguyên liệu thô, cho phép những người nhượng quyền của chúng tôi kiếm được hơn 1 nhân dân tệ cho mỗi chiếc bánh mì 2 nhân dân tệ bán được”.

‘Mặt hàng phổ biến’, đồng giá 6.800 đồng nhưng có thể đem về hàng trăm triệu đồng/tháng: Người Trung Quốc đổ xô đi đầu tư, thậm chí bỏ cả việc để ‘nhảy vào thị trường’- Ảnh 3.

Đại diện lưu ý, hiệu suất và lợi nhuận của cửa hàng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí, với doanh thu trung bình hàng ngày cho các cửa hàng ở những thành phố cấp ba và cấp bốn dao động từ 1.000 đến 2.000 nhân dân tệ. Điều này đòi hỏi phải bán từ 500 đến 1.000 cái bánh mì mỗi ngày.

Tangyi, một tiệm bánh 2 nhân dân tệ thành công khác, cũng mở cửa hàng đầu tiên ở Tế Nam. Theo bài đăng mới nhất của người sáng lập 27 tuổi trên Xiaohongshu, cô kiếm được tổng doanh thu hàng tháng khoảng 180.000 nhân dân tệ (hơn 614 triệu đồng) vào tháng 12 năm 2023.

Sau khi trừ các chi phí như tiền thuê nhà, điện, nguyên liệu thô và nhân công, tổng cộng khoảng 84.000 nhân dân tệ, lợi nhuận ròng trong tháng của cô đã vượt quá 90.000 nhân dân tệ (hơn 307 triệu đồng).

Nhưng đối với hầu hết các tiệm bánh thành công với giá 2 nhân dân tệ, việc bán bánh mì không phải là nguồn thu nhập duy nhất. Các thương hiệu này tăng thu nhập bằng nhượng quyền thương mại và các chương trình đào tạo, cho phép những người khác nhân rộng mô hình kinh doanh của họ.

Chẳng hạn, Sumei tính phí nhượng quyền là 29.800 nhân dân tệ cho một cửa hàng, bao gồm ba máy nướng bánh mà không phải trả thêm phí. Những người được nhượng quyền sẽ được mời đến thăm trụ sở chính của công ty ở Tế Nam để hiểu rõ hơn trước khi triển khai hoạt động kinh doanh của họ.

Các chương trình đào tạo cũng đóng một vai trò quan trọng trong nguồn doanh thu. Tại Trùng Khánh, 3-yuan Bread Supply and Marketing Cooperatives mới mở cửa vào tháng 11 năm ngoái, đã cung cấp một chương trình đào tạo với chi phí 19.800 nhân dân tệ.

Chương trình giảng dạy bao gồm mọi thứ, từ kiến thức, kỹ thuật làm bánh đến thiết kế cửa hàng và xây dựng thương hiệu, kéo dài từ 7 đến 10 ngày, tùy thuộc vào khả năng của người học.

Sự gia tăng số lượng các cửa hàng bánh mì 2 nhân dân tệ phần lớn là do tình hình kinh tế hiện tại và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Với việc thị trường ngày càng nhạy cảm với giá cả, người tiêu dùng Trung Quốc đang thận trọng hơn trong chi tiêu và tìm cách kéo dài ngân sách của mình.

Zhu Danpeng, nhà phân tích ngành thực phẩm, nhấn mạnh sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Ông nói: “Các cửa hàng 2 nhân dân tệ phù hợp với xu hướng vì người tiêu dùng Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên lý trí và thực tế hơn trong tương lai”.

Bất chấp sự phổ biến của những tiệm bánh hợp với túi tiền này, tương lai của chúng vẫn chưa chắc chắn. Các chuyên gia tin rằng việc sử dụng nguyên liệu giá rẻ và số lượng loại bánh mì còn hạn chế có thể làm giảm khả năng giữ chân khách hàng.

Tham khảo Sixthtone

Bạch Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên