MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu dệt may hết dư địa tăng trưởng?

Mất lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu dệt may hết dư địa tăng trưởng?

8 tháng đầu năm 2022 ngành dệt may tăng trưởng tốt nhờ tận dụng được cơ hội thị trường và các chính sách điều tiết vĩ mô. Tuy nhiên, đến nay những dư địa chính sách đã thực hiện sớm đem lại lợi ích cho ngành dệt may cũng đã được các quốc gia khác áp dụng...

Trong báo cáo tài chính tháng 8 vừa công bố, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) cho biết, tháng 8 công ty ghi nhận doanh thu 697 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 37,6 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 21% và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, so với mức doanh thu và lợi nhuận đạt đỉnh ở tháng 7 (lần lượt đạt 765 tỷ đồng và 41 tỷ đồng), kết quả kinh doanh tháng 8 của TNG đã sụt giảm đáng kể.

Mất lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu dệt may hết dư địa tăng trưởng? - Ảnh 1.

Sau 6 tháng tăng trưởng liên tục, doanh thu của TNG bắt đầu chững lại từ tháng 8

Đến thời điểm hiện tại, TNG là doanh nghiệp dệt may lớn đầu tiên công bố kết quả kinh doanh tháng 8/2022. Kết quả kinh doanh thụt lùi của TNG so với hai tháng liền trước đã phần nào chứng minh dự báo sau nửa đầu năm thuận lợi, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ kém khả quan trong những tháng cuối năm.

Hàng dệt may xuất khẩu mất lợi thế cạnh tranh

Tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 mới đây, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, quý 4/2021 và 8 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn ngành dệt may tăng trưởng tốt nhờ tận dụng được cơ hội thị trường và các chính sách điều tiết vĩ mô của Chính phủ.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao chưa từng có trong 10 năm qua. Trong khi đó, nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu chỉ khoảng 13 tỷ USD. Như vậy, ngành dệt may tạo ra 18 tỷ USD thặng dư thương mại từ xuất khẩu.

Mất lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu dệt may hết dư địa tăng trưởng? - Ảnh 2.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan


Bên cạnh đó, ngành dệt may còn tạo ra động lực cho nhiều ngành khác nhau. Từ trước đến nay, dệt may đạt tỷ lệ nội địa hoá khoảng 50%. 8 tháng đầu năm nay Việt Nam đạt tốc độ nội địa hoá 59%, gần tiến tới mục tiêu của năm 2025 là 60%.

Đáng chú ý, tuy dệt may chỉ có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư trong các ngành nhưng thặng dư thương mại của dệt may luôn luôn đứng thứ nhất, chẳng hạn năm 2021 thặng dư thương mại của ngành này đã đạt khoảng 20 tỷ USD.

Theo ông Trường, trong số các nước dệt may lớn trên thế giới như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc thì Việt Nam mở cửa kinh tế sau đại dịch sớm nhất và có chính sách kích thích nền kinh tế. Nhờ tận dụng tốt các lợi thế này và bắt nhịp được tổng cầu của thế giới bùng nổ sau đại dịch nên 6 tháng đầu năm đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khá dồi dào, kết quả kinh doanh tốt.

"Tuy nhiên, đến nay, những dư địa chính sách đã thực hiện sớm đem lại lợi ích cho ngành dệt may và các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng", Chủ tịch Vinatex nói và cho biết thêm, thị trường thế giới đang diễn ra xu thế ngược lại, tức là đột nhiên trở nên "lạnh", cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao, hàng hoá tồn kho cũng tăng rất cao.

"Nếu 8 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng chúng ta có thể xuất 3,7 - 3,8 tỷ USD/tháng thì dự kiến 4 tháng cuối năm tình hình thị trường chỉ có thể xuất 3,1 - 3,2 tỷ USD/tháng", ông Trường nhận định.

Theo ông do kinh tế vĩ mô Việt Nam rất ổn định, đồng VND có giá trị cao nên so với các đối thủ bị mất giá trị đồng tiền như Ấn Độ (8%) hay Trung Quốc (9%), hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh, trong khi nhu cầu lại thấp. Chính vì vậy, 4 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 dự báo thị trường sẽ khá trầm lắng.

Mất lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu dệt may hết dư địa tăng trưởng? - Ảnh 3.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex - Ảnh: Quốc hội


Trong bối cảnh không mấy khả quan của ngành dệt may, cuối năm, lãnh đạo Vinatex kiến nghị cần có cách tiếp cận chính sách mới trong giai đoạn tới để đảm bảo phát triển của ngành sử dụng nhiều lao động.

"Khi nguồn lực hạn chế cần phải có trọng tâm ưu tiên. Đối với ngành xuất khẩu phải xuất phát từ ba điểm là thặng dư đem lại xuất siêu cho Việt Nam; khả năng sử dụng lao động và khả năng đưa tỷ lệ nội địa cao, tức là phục hồi đơn vị xuất khẩu nhưng kéo theo nhiều đơn vị trong nước khác cũng được phục hồi", ông Trường phân tích.

Theo ông Trường, ngành dệt may đang gặp một số khó khăn, trong đó vẫn còn tồn tại điểm nghẽn về chính sách thuế VAT khi sử dụng nguyên liệu trong nước.

"Hiện nay, nếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu làm hàng gia công thì được miễn thuế còn dùng hàng trong nước vừa phải nộp VAT vừa nộp thuế nhập khẩu, bao giờ xuất khẩu thì mới được hoàn thuế. Doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 24% thuế", ông Trường nói và kiến nghị nếu mua nguyên liệu trong nước để làm hàng xuất khẩu thì hậu kiểm, không bắt buộc nộp trước VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường tỷ lệ nội địa hoá.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tín dụng. 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng tốt lên tới 9,3%, doanh nghiệp vay được vốn, nhưng tháng 7, tháng 8 tăng trưởng tín dụng chỉ 0,6%, doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó, không vay được tiền để mua nguyên liệu.

Do đó, xảy ra tình trạng doanh nghiệp có đơn hàng FOB (doanh nghiệp dệt may sẽ tự chủ từ mua nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng) đành phải chuyển sang làm gia công vì không vay được tiền để mua nguyên liệu. Như vậy cũng khiến một loạt doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước không có cơ hội có đơn hàng.

Để giải quyết những khó khăn trên, Chủ tịch Vinatex đề nghị giải quyết theo hai hướng. Thứ nhất, đối với việc mua hàng trong nước để xuất khẩu, hậu kiểm không cần nộp trước thuế VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa.

Thứ hai, đối với những ngành hàng còn có đơn hàng, room tín dụng đối với vay ngắn hạn rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì, bởi các nhãn hàng giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày như trước đây lên 120 - 150 ngày. Điều này khiến nhu cầu vốn lưu động tăng lên.

Ông nhấn mạnh, với doanh nghiệp làm FOB thì nhu cầu vốn lưu động càng tăng hơn nữa nhưng room thì không có. Lúc này tỷ suất lợi nhuận kinh doanh thấp nên càng khó tiếp cận với ngân hàng.

Ngoài ra, ông Trường cho biết, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% hiện không được áp dụng với các khoản vay ngoại tệ, trong khi một số doanh nghiệp lại cần ngoại tệ để nhập nguyên liệu.

"Hiện nay Vinatex vay 140 tỷ đồng nhưng dưới dạng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu như vậy không được giảm lãi suất. Chúng tôi kiến nghị xem xét nếu được thì có hỗ trợ lãi suất trong các khoản vay ngắn hạn dùng để mua nguyên liệu", ông Trường đề xuất.

Tiến tới giảm phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc

Trong báo cáo triển vọng thị trường ngành dệt may công bố gần đây, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, hiện ngành dệt may vẫn gặp vấn đề trăn trở khi còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc bất kể nhiều nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Đến hiện tại, Mỹ, các nước CPTPP và EU vẫn là những khách hàng lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với thị phần xuất khẩu vào Mỹ gia tăng trong những năm gần đây trong khi thị phần của Trung Quốc có xu hướng giảm.

ACBS cho biết, từ trước đến nay, gia công theo hình thức CMT (gia công theo mẫu do khách hàng cung cấp) vẫn là loại đơn hàng phổ biến nhất mà các nhà sản xuất Việt Nam nhận được, tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà sản xuất cố gắng tiếp cận các loại đơn hàng cao hơn như FOB trong chuỗi giá trị của ngành để nâng cao biên lợi nhuận.

Theo ACBS, do ảnh hưởng của COVID-19, các công ty dệt may chịu tác động ở cả phía cung và cầu khi đại dịch xảy ra ở Trung Quốc và sau đó là Mỹ, EU. Do đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong quý 3/2021 giảm 2,2% so với cùng kỳ. Nhưng sang năm 2022, nhờ kết quả hoạt động tốt trong 6 tháng đầu, ngành dệt may đã ghi nhận kết quả tích cực với giá trị xuất khẩu hàng dệt may ước tăng 18,8% so với cùng kỳ.

"Tuy nhiên, đơn hàng có xu hướng chậm hơn từ quý 2/2022 đổ đi do bất ổn về kinh tế tại một số quốc gia nhập khẩu lớn của ngành, khiến triển vọng nửa sau của năm kém khả quan hơn 6 tháng đầu năm", ACBS nhận định.

Dù vậy, ACBS cho rằng tác động có thể không giống nhau ở những phân khúc sản phẩm và thị trường khác nhau. Cho cả năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu là 38-39 tỷ USD cho kịch bản xấu nhất, 40-41 tỷ USD cho kịch bản trung bình và 42,5-43,5 tỷ USD cho kịch bản tốt nhất.

Về triển vọng lâu dài, ACBS kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò không chỉ là trụ cột quan trọng trong xuất khẩu của cả nước mà còn là nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới khi Việt Nam được xem là một trong những địa điểm sản xuất hấp dẫn với chi phí lao động thấp và lực lượng lao động lớn.

Tuy nhiên, ACBS nhìn nhận, lợi thế về chi phí lao động có thể không bền vững khi nhiều đối thủ khác đang nổi lên. Do đó, ngành cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn về cải thiện tỷ lệ giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc/nguyên liệu nhập khẩu, tăng sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Theo Đinh Thơm

Nhịp Sống Kinh Doanh

Trở lên trên