Mất tiền oan khi cà thẻ: khiếu nại ở đâu?
Sự việc du khách người Úc Caracciolo David John bị máy cà thẻ “nuốt” mất 683 triệu đồng đến nay vẫn chưa ngã ngũ vì có rất nhiều nghi vấn đặt ra xung quanh sự việc này.
- 09-10-2016Nhà hàng dùng máy quẹt thẻ ‘nuốt’ 683 triệu đồng biến mất?
- 08-10-2016Đi ăn nhà hàng quẹt thẻ, tài khoản của khách bay 683 triệu đồng
- 05-10-2016Khách mất tiền tỷ, ngân hàng phủi trách nhiệm là vô lý
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, câu chuyện tiền trong tài khoản bốc hơi khi “cà” thẻ sẽ khó xảy ra nếu chủ thẻ biết cách tự bảo vệ mình.
Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia để sử dụng thẻ an toàn.
Giám sát quá trình thanh toán
Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng, hiện nay nhiều người có thói quen sau khi dùng bữa xong ở nhà hàng thường đưa thẻ cho nhân viên nhà hàng “cà”, sau đó trả thẻ lại.
Theo ông Thoại, đây là điều không nên vì như vậy chủ thẻ không giám sát được quá trình thanh toán nên có thể thông tin về số thẻ, ngày hết hạn, mã số bí mật phía sau thẻ bị lộ mà không biết. Như vậy rất nguy hiểm vì chỉ cần những thông tin trên là kẻ gian có thể lợi dụng để thanh toán, mua hàng trên mạng.
“Khi sử dụng thẻ để thanh toán phải quan sát quy trình, tốt nhất đi theo nhân viên để có thể giám sát nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra. Quan trọng nhất là phải yêu cầu cửa hàng phải đưa hóa đơn, kiểm tra kỹ và ký lên hóa đơn đề xác nhận chứng từ gốc. Nếu cửa hàng thu thêm loại phí gì thì khách hàng phải được thông báo ngay từ đầu. Nếu không thì chủ thẻ có quyền không chấp nhận và yêu cầu hủy. Trường hợp hủy giao dịch phải có hóa đơn hủy”, ông Thoại nói.
Cũng theo ông Thoại, có thể trong quá trình thanh toán, nhân viên các cửa hàng sẽ hỏi thêm khách hàng một số thông tin, tuy nhiên lưu ý là khách hàng chỉ nên cung cấp những thông tin nhằm xác minh chủ thẻ, không cung cấp những thông tin khác.
“Cần giữ lại hóa đơn để làm căn cứ yêu cầu tra soát nếu có sự cố xảy ra. Nhiều trường hợp khách hàng rơi vào tình huống nhà hàng nói máy cà thẻ bị trục trặc nên cà đến 3-4 lần. Trong những tình huống như vậy, khi in ra hóa đơn chủ thẻ nên yêu cầu nhà hàng xác nhận lên hóa đơn là chỉ có một dịch nhằm làm bằng chứng khiếu nại về sau nếu như tài khoản bị trừ tiền nhiều lần”, ông Thoại lưu ý.
Hiện nay trên máy cà thẻ có chức năng hủy và in lại hóa đơn, khác hàng cần biết điều này để có thể yêu cầu in lại hóa đơn. Trường hợp chủ cửa hàng lấy lý do máy hư thì chủ thẻ có thể gọi điện đến NH để kiểm tra và xác nhận chỉ có một giao dịch.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Hiện nay hầu hết các chủ thẻ đều đăng ký dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn (SMS banking), do vậy sau khi trừ tiền trong tài khoản, NH sẽ lập tức gửi tin nhắn thông báo đến khách hàng. Đây cũng là kênh để chủ thẻ kiểm tra chéo xem tài khoản của mình có bị trừ quá số tiền lẽ ra phải thanh toán hay không.
Tuy nhiên với trường hợp đi nước ngoài, nếu không đăng ký dịch vụ chuyển vùng thì không nhận được tin nhắn của NH. Trong trường hợp này, làm cách nào để chủ thẻ có thể kiểm soát được tài khoản?
Chuyên gia thẻ Huỳnh Trung Minh cho biết hiện nay các ngân hàng đều có bộ phận theo dõi các giao dịch đáng ngờ. Theo đó, nếu phát hiện các giao dịch bất thường sẽ lập tức gọi điện thoại cho chủ thẻ để xác nhận rồi mới chấp nhận thanh toán. “Khó có NH nào để hàng loạt giao dịch đáng ngờ xảy ra mà thường sẽ chặn ngay sau giao dịch đầu tiên.
Trường hợp chủ thẻ đi nước ngoài NH không gọi điện thoại được thì NH sẽ khóa thẻ trước sau đó sẽ gửi email yêu cầu xác nhận thông tin. Bản thân tôi đi nước ngoài đã từng gặp trường hợp thẻ bị khóa sau giao dịch đầu tiên. Sau đó tôi đã điện thoại về VN cho NH để xác nhận thì thẻ mới được mở lại”, ông Minh cho biết.
Từ kinh nghiệm của mình, ông Minh khuyến cáo chủ thẻ trước khi đi nước ngoài nên thông báo cho NH để khi có giao dịch bất thường xảy ra NH sẽ cảnh báo. Nhiều NH kỹ hơn còn đổi thẻ tín dụng miễn phí sau khi chủ thẻ đi những quốc gia có độ rủi ro trong thanh toán thẻ cao trở về.
Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng chủ thẻ nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì cẩn thận là không thừa. “Sau khi đi nước ngoài về chủ thẻ cũng nên kiểm tra, yêu cầu NH in ra những sao kê gần nhất và giữ lại các hóa đơn để yêu cầu tra soát khi cần. Không nên xé bỏ hóa đơn ngay. Ngoài ra để bảo vệ mình, chủ thẻ cũng phải đọc kỹ các hướng dẫn sử dụng thẻ an toàn, thường xuyên cập nhật thông tin cũng như áp dụng các biện pháp bảo vệ mình”, ông Thoại khuyên.
Khiếu nại ở đâu?
Liên quan đến trường hợp của ông Caracciolo David John, theo các chuyên gia thẻ, về nguyên tắc chủ thẻ phải khiếu nại tại ngân hàng phát hành thẻ thông qua email hoặc trực tiếp tại NH rằng mình không sử dụng số tiền trên.
Theo quy trình, ngân hàng phát hành thẻ sẽ liên hệ với ngân hàng có máy POS (máy cà thẻ) tại nhà hàng này để yêu cầu cung cấp các chứng từ chứng minh. Khi đó NH có máy POS sẽ làm việc với nhà hàng để yêu cầu cung cấp các chứng từ.
Trong trường hợp nhà hàng cà thẻ nhiều lần mà không có chứng từ chứng minh là khách hàng đã sử dụng dịch vụ trên thì xem như khách hàng đã khiếu nại thành công. Khi đó ngân hàng sẽ tự phân xử với nhau và có trách nhiệm hoàn tiền vào tài khoản của khách hàng.
Trong một số trường hợp, NH có thể yêu cầu khách hàng cung cấp một số chứng từ, hóa đơn giao dịch.
Trong trường hợp như ông Caracciolo David John trình bày là sau khi thanh toán xong nhà hàng cố tình không đưa bất kỳ hóa đơn thanh toán hay chuyển tiền nào cả thì đó cũng là một bằng chứng để ông này khiếu nại lên ngân hàng.
Vì nếu nhà hàng có đưa ra chứng từ có chữ ký mà không phải do ông Caracciolo David John ký thì đó là chứng từ giả mạo. NH sẽ không chấp nhận thanh toán.
Theo trình bày, ông Caracciolo David John không được nhà hàng đưa các hóa đơn, chứng từ nên không nhớ tên NH đặt máy POS tại quán, theo các chuyên gia, mỗi NH đều có mã Code do vậy dù ông Caracciolo David John không nhớ được tên và không có hóa đơn nhưng NH phát hành thẻ sẽ dễ dàng biết được NH đặt máy POS tại quán là NH nào.
Cũng theo các NH, trường hợp có những giao dịch đáng ngờ như khiếu nại như ông Caracciolo David John đã từng xảy ra và các NH đều xử lý theo hướng trên.
Về phía mình, sau khi khách hàng có khiếu nại, NH cũng có nhiều cách để nhận biết các giao dịch đáng ngờ dựa trên các dấu hiệu như thời gian cà thẻ và số tiền cà thẻ bất thường, không phù hợp với loại hình kinh doanh.
Chẳng hạn nhà hàng, quán ăn hóa đơn nhiều nhất cũng chỉ khoảng vài triệu đồng, nhưng lại cà thẻ liên tục, số tiền lên đến vài chục hoặc hàng trăm triệu, hoặc cà vào lúc nửa đêm khi quán đã đóng cửa.
Cẩn thận đại lý “ma”
Trên thực tế có những điểm kinh doanh mở ra chỉ để thực hiện một vài phi vụ sau đó biến mất hoặc đổi tên. Theo các chuyên gia, để bảo vệ mình, chủ thẻ cần quan sát kỹ, không giao dịch nếu thấy dấu hiệu đáng ngờ.
Thời gian qua các NH đã rà soát và loại dần các “đại lý ma”. NH Nhà nước cũng đã nhiều lần phát đi văn bản yêu cầu các NH phải tăng cường biện pháp phòng chống tội phạm thẻ bằng cách tra kỹ thông tin và năng lực của đơn vị chấp nhận thẻ, bổ sung các điều kiện ràng buộc, xây dựng hạn mức thanh toán trong ngày phù hợp với mức độ tin cậy và loại hình kinh doanh của từng đơn vị chấp nhận thẻ…
Tuổi trẻ