Mặt tối chưa kể của những công nhân lắp ráp iPhone: Bạn chỉ có thể chọn lựa giữa 'tệ' và 'rất tệ'
Nhiều lao động đi thẳng từ trường học tới nhà máy, khó khăn trong việc làm quen với môi trường bất bình đẳng và nhiều áp lực như các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử như Foxconn.
Nhiều lao động đi thẳng từ trường học tới nhà máy, khó khăn trong việc làm quen với môi trường bất bình đẳng và nhiều áp lực như các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử như Foxconn.
Ngô Đồng, một công nhân làm việc cho nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến, cho biết anh mới đọc lại cuốn tiểu thuyết "Cuộc đời của những hạt thông bị bỏ rơi" của nhà văn Nhật Bản Yamada Zongshu.
"Khi một người hạnh phúc nhìn vào cuốn sách này, anh ta sẽ cảm thấy đau lòng. Còn những người có số phận không may sẽ hài lòng khi xem cuốn sách này. Bởi hóa ra họ không cô đơn", thanh niên 9x này cho biết. Anh nghĩ rằng mình thuộc về nhóm thứ hai.
Năm 2014, Ngô Đồng tốt nghiệp khoa tiếng Nhật của một trường đại học và bắt đầu bước chân vào xã hội. Công việc đầu tiên của anh là tại một công ty Đài Loan ở Hồ Nam. Nhiệm vụ của anh mỗi ngày là hồi đáp thư từ khách hàng Nhật Bản và xử lý đơn đặt hàng. Sau hơn một tháng, Ngô Đồng xin nghỉ việc. Anh cho biết ông chủ Đài Loan không thân thiện với mình.
"Khi tôi mới đi làm, lòng can đảm của tôi tương đối nhỏ. Ông chủ luôn nhìn chằm chằm vào công việc của tôi và nếu có gì đó không ổn, chẳng hạn như kích thước giấy in sai, ông ấy sẽ trách mắng rất nặng lời", anh chia sẻ. Khi bị chỉ trích, Ngô Đồng rất dễ bị căng thẳng, khiến cho công việc càng thêm rối loạn.
Sau khi rời công ty này, anh đến một nhà máy làm quản lý kho kiêm người lái xe nâng. Gần bốn tháng sau, anh lại ra đi vì mối quan hệ với sếp và các đồng nghiệp. Do không hút thuốc lá, anh hay bị tách khỏi đám đông. Không có sự giao tiếp, mối quan hệ giữa mọi người trở nên không rõ ràng và dần xa cách.
Sau khi từ chức, anh tiếp tục làm nhiều công việc khác như kỹ sư công nghiệp chuyên phụ trách thiết kế và xây dựng các công xưởng, làm phục vụ cho một tiệm mát xa hay nhân viên kinh doanh bất động sản…
Năm ngoái, anh bắt đầu vào làm công nhân tại Foxconn trong dây chuyền lắp ráp. Công việc và chỉ tiêu ban đầu tương đối thấp, nhưng sau đó các chỉ số sẽ tăng dần lên, yêu cầu công nhân phải làm việc hết sức. Theo quan điểm của anh, các công nhân trong nhà máy không đoàn kết. Trên cùng một dây chuyền lắp ráp, các công nhân đang làm chậm sẽ được yêu cầu thay thế bởi các công nhân làm nhanh.
Nhưng nếu mọi người đoàn kết, cùng làm với tốc độ không quá nhanh, tất cả sẽ thoải mái hơn một chút. Ngô Đồng cho biết anh cảm thấy nhà máy rất buồn tẻ và điều đáng sợ nhất là mọi người đã quen với loại không khí này, dần trở nên bị "tê liệt".
"Tôi không quen với điều đó, tôi không quen với sự trầm lặng, tôi luôn có thể rời đi", việc từ chức dường như là vũ khí cuối cùng của Ngô Đồng, chống lại mọi áp lực. Anh luôn nghĩ rằng mình có gì đó khác biệt.
Làm ca đêm trong xưởng của Foxconn, anh phải hoạt động liên tục từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Đây đã là công việc thứ chín của anh sau khi tốt nghiệp.
Trước đó, anh đã đăng ký theo học một lớp về khoa học máy tính, vì nghe quảng cáo nói sẽ dễ tìm được việc lương cao. Học phí là 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng) và anh phải trả bằng thẻ tín dụng. Khi phải thanh toán hóa đơn trong tháng thứ hai, anh đã rút tiền từ một thẻ tín dụng khác. Đó là lý do anh phải đến nhà máy để làm việc, kiếm tiền và trả nợ.
Ở trường đại học, anh rất thích đọc tiểu thuyết của các nhà văn Nhật Bản. Bên cạnh đó anh cũng thường chơi nhạc. Là một người yêu văn học, anh quan tâm nhiều đến xã hội Trung Quốc, thường xuyên viết bài chia sẻ lên mạng xã hội về cuộc sống và cảm nhân của mình.
Công việc hiện tại không quá vất vả nhưng bất tiện về thời gian. Ngô Đồng nói anh sẽ không làm tại đây quá lâu bởi không thích bầu không khí tại nhà máy. Khi nói đến tương lai, anh cho biết muốn được thực hiện các sở thích của mình.
Vào những ngày không làm việc, Ngô Đồng đã tham gia vào các lớp học cộng đồn. Anh đang học biểu diễn kịch và có kế hoạch bắt đầu viết truyện cho công nhân.
Tiểu Nhã là một nữ công nhân trẻ. Cô thích đọc các bài viết bình luận về chính trị trên ứng dụng điện thoại. Nhưng cô chia sẻ: "Nó chỉ để an ủi bản thân khi bạn gặp khó khăn. Trên thực tế, những người như chúng tôi về cơ bản đã được định hình. Chúng tôi có thể cố gắng hơn để thay đổi công việc, nhưng số phận chung không thể thay đổi".
Cô đã ba lần rời đi và quay trở lại Foxconn. Bộ phận đầu tiên mà Tiểu Nhã làm việc chịu trách nhiệm sản xuất một phần của điện thoại iPhone và các linh kiện cần được xử lý bằng ánh sáng laser. Nếu ánh sáng laser chiếu vào mắt, nó sẽ đốt cháy võng mạc, vì vậy kính bảo hộ rất quan trọng. Nhưng cô nhận thấy kính bảo vệ do nhà máy cung cấp không được vệ sinh và kiểm tra thường xuyên theo quy định.
Trước khi rời công ty, Tiểu Nhã quyết định khiếu nại với ban quản lý. Cô đã gọi tới "Đường dây nóng chăm sóc công nhân" của Foxconn để báo cáo. Ngoài kính bảo hộ, cô cũng phàn nàn về việc thiếu trợ cấp môi trường độc hại mà nhà máy hứa hẹn trước đó, cũng như mối đe dọa quấy rối từ các nam công nhân với nữ công nhân.
Ngay sau đó, trưởng bộ phận đã gọi Tiểu Nhã lên và cầu xin cô rút đơn khiếu nại. Cô không đồng ý. Nhưng hai tháng sau khi hỏi lại đồng nghiệp cũ, cô được biết các chính sách không có gì thay đổi.
Cô nói không tin tưởng được vào "đường dây nóng". Trước đó cô từng gửi đơn khiếu nại nặc danh nhưng các nhân viên hỗ trợ đều yêu cầu khai các thông tin chi tiết, sau đó họ sẽ gửi báo cáo về cho trưởng bộ phận. Thậm chí có lần trưởng bộ phận gọi tất cả các công nhân lại và yêu cầu người gửi khiếu nại nặc danh phải đứng lên nhận trách nhiệm.
Tiểu Nhã không đổ lỗi cho những người phụ trách đường dây nóng, bởi cô biết họ thường là các nữ công nhân đang mang thai. Do không thể tham gia vào những vị trí sản xuất khác, họ được bố trí trực đường dây và thường không được đào tạo một cách chuyên nghiệp.
Lần thứ hai khi quay trở lại Foxconn làm việc, cô được đề bạt vào vị trí quản lý do khả năng làm việc xuất sắc. Ở vai trò mới, mỗi tháng cô có thể nhận được thêm 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) tiền trợ cấp trong khi công việc chủ yếu là phân công nhiệm vụ cho mọi người mà không cần đụng tay vào dây chuyền lắp ráp.
Nhưng cô từ chối. Bởi cô không thể hiểu hệ thống quản lý của Foxconn và cảm thấy rằng ở vị trí quản lý mới mình sẽ phải cố gắng chèn ép công nhân như việc những người quản đốc khác thường làm. Ví dụ như điều chỉnh thời gian để giảm lương của người lao động.
Trong vài năm qua, Tiểu Nhã đã tham gia các khóa học được tổ chức bởi một số tổ chức xã hội và xây dựng cho mình quan điểm riêng về "sự công bằng", "bình đẳng" và "nhân phẩm". Khi cô nhận ra rằng nhà máy là một xã hội nhỏ, thiếu sự tiếp xúc giữa con người với con người, đầy sự hợm hĩnh và bất cẩn, cô đã chọn cách phản kháng theo cách riêng của mình thay vì im lặng.
Một số công nhân đã khuyên Tiểu Nhã không nên cứng đầu và lan truyền các tin tức tiêu cực. Nhưng so với việc kiếm tiền, cô coi trọng các quan điểm của bản thân hơn. Cô ghét sự bất bình đẳng và hy vọng sẽ được đối xử công bằng, cho mình và cả người khác.
Lần thứ ba quay trở lại Foxconn, Tiểu Nhã vào làm ở xưởng mài. Nơi đây công nhân cần được phát mặt nạ phòng độc chuyên dụng, nhưng thứ họ luôn đeo chỉ là mặt nạ chứa bộ lọc than hoạt tính bình thường. Môi trường làm việc ảnh hưởng nặng tới sức khỏe, đặt biệt là da mặt. Nhưng vấn đề mặt nạ phòng độc không được giải quyết, do đó cô muốn chuyển sang các xưởng khác.
Tuy nhiên, rất khó để chuyển bộ phận ở Foxconn, bởi việc cho phép một công nhân hay đổi công việc sẽ khiến cho một bộ phận dư thừa lao động, khiến nó bị cắt giảm lượng nhân sự tuyển dụng trong quý tiếp theo. Do đó, công nhân thường từ chức và xin vào làm việc lại ngay sau đó.
Lần rời Foxconn này, Tiểu Nhã chưa sẵn sàng để quay lại. Bởi cô không thấy hy vọng có thể thay đổi số phận của mình hay những người khác. Trong một nhà máy với sự phân biệt giai cấp nghiêm trọng, cô cảm thấy những người lao động bình thường chỉ có thể bị ép làm việc đến mức tối đa.
Cô lấy ví dụ như việc làm thêm giờ. Theo quy định, lương làm thêm giờ vào ngày thứ Bảy sẽ tăng gấp đôi. Nhưng Foxconn sẽ cho người lao động nghỉ dài hơn trong các dịp lễ, Tết sau đó bắt họ làm bù vào các ngày thứ Bảy, từ đó giảm chi phí phải chi trả.
Tình hình kinh tế cũng đang ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Mức lương cơ bản năm 2018 thậm chí chỉ nhỉnh hơn một chút so với năm 2010-2011, cho dù giá cả và mức độ lạm phát đã tăng gấp nhiều lần.
Tin tức mới nhất Tiểu Nhã nhận được là Foxconn đang xem xét đầu tư vào Ấn Độ để xây dựng một nhà máy mới nhằm đối phó với việc các loại chi phí đang gia tăng ở Trung Quốc. Nhưng theo cô, dù ở đâu thì môi trường làm việc chắc chắn cũng sẽ không thay đổi. Bởi cô đã rời Foxconn, đến các nhà máy khác và lại quay lại đây, bởi ở những nơi khác phúc lợi còn kém hơn và các công nhân còn bị bóc lột nhiều hơn thế.
"Bạn chỉ có thể chọn giữa 'tệ' và 'rất tệ'", Tiểu Nhã nói. "Trên thực tế, không có lựa chọn nào khác".
Tiểu Du là một nữ công nhân 24 tuổi. Sinh ra ở Triều Sơn, tỉnh Quảng Đông. Trong nhà cô có ba anh chị em. Tiểu Du và chị gái được giáo dục từ khi còn nhỏ là phải kiếm tiền để giúp anh trai mình có tiền lấy vợ, bởi phụ nữ thuộc về nhà chồng nên bố mẹ phải "bòn rút" hết sức khi có thể. Chị gái cô thậm chí không được đi học, còn anh trai cô dù tốt nghiệp đại học nhưng lại không tìm được việc làm tốt.
Công việc là cách duy nhất giúp cô tìm thấy sự tự do. Cô rời nhà, bước chân vào xã hội sau một cuộc cãi vã với bố vì cảm thấy mình không được coi trọng trong gia đình có truyền thống "trọng nam khinh nữ" này.
Tại Foxconn, cô đang mong chờ một "tình yêu thực sự", nhưng sớm nhận thấy rằng "có rất ít tình yêu thực sự trong nhà máy này". Cô từng yêu một đồng nghiệp nhưng sau đó phát hiện người đàn ông kia đã có vợ.
Không chỉ vậy, cô còn thấy nhiều câu chuyện éo le liên quan tới hôn nhân. Một nữ công nhân cô quen đã lập gia đình và đang phải vừa làm việc vừa chăm con, mỗi ngày luôn lo lắng về chi phí sinh hoạt cho đứa bé.
Theo Tiểu Du, định nghĩa của cô về "tình yêu đích thực" là hai người trò chuyện với nhau như những người bạn và giúp đỡ lẫn nhau như những người thân yêu nhất của đối phương.
Công việc hiện tại mang lại cho cô tiền bạc và sự tự do, cho phép Tiểu Du có thể thoải mái tiêu tiền của mình, mua những món đồ mình thích. Dần dần, cô học cách chấp nhận và tha thứ cho gia đình mình.
"Vì tôi không thể thay đổi gia đình, tôi chỉ có thể chấp nhận nó. Bố mẹ đã tốn công nuôi nấng chăm sóc tôi rất nhiều", cô nói.
Nhưng cô luôn tin rằng mọi người nên biết điều gì đó về bất bình đẳng giới. Mới đây, Tiểu Du đã rời khỏi nhà máy, trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức xã hội chuyên hỗ trợ các nữ công nhân.
Trong tương lai, cô muốn trở thành một giáo viên mầm non bởi đó là "một công việc đơn giản, với trẻ em và có các mối quan hệ không quá phức tạp với mọi người", theo đánh giá của cô về công việc này.
Ngô Đồng, Tiểu Nhã hay Tiểu Du đều là những người trẻ sinh ra ở cuối của thập niên 90, thường được xem là một thế hệ thanh niên Trung Quốc có trình độ học vấn tương đối cao và sự tự nhận thức mạnh mẽ.
Nhưng khi họ bước chân vào các nhà máy như Foxconn, họ phải đối mặt với một xã hội thu nhỏ trong đó việc phân phối của cải ngày càng trở nên không công bằng và xu hướng nâng cấp công nghệ để thay thế nhân lực đang tăng cao.
Thực phẩm và quần áo không còn là lý do có thể khiến họ thỏa mãn. Họ chạy trốn khỏi nhà máy này, rồi lại tiếp vào làm việc cho một nhà máy khác, lặp đi lặp lại. Cuối cùng, nhiều người mệt mỏi và chấp nhân lệ thuộc vào một cuộc sống như vậy.
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, tổng số lao động nhập cư ở Trung Quốc đạt tới 286 triệu người vào năm 2017, trong đó tỷ lệ lao động thế hệ mới sinh năm 1980 trở lên chiếm hơn một nửa và tăng lên sau mỗi năm.
Theo một khảo sát do Liên minh Công đoàn Trung Quốc thực hiện, độ tuổi trung bình của thế hệ công nhân khi đi làm lần đầu tiên là 26 tuổi, với những người từ 1980 trở lên tuổi trung bình là 18 tuổi và từ 1990 là 16 tuổi. Điều đó có nghĩa là hầu hết lao động trẻ hiện nay không có kinh nghiệm để làm nông nghiệp và thường đi thẳng từ trường học đến nhà máy.
Theo một báo cáo về dân số năm 2017, động lực của thế hệ công nhân mới ở Trung Quốc không còn dựa trên "nhu cầu sinh tồn" mà thay vào đó là mong muốn "làm việc trong thành phố".
Ước mơ trở thành người thành phố của họ bền bỉ và mãnh liệt hơn cha mẹ họ, những người luôn coi trọng sự thoải mái của môi trường làm việc và điều kiện sống, cũng như địa vị xã hội do công việc mang lại. Đồng thời, trước sự phân biệt đối xử và bất công, họ cũng đang có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình một cách ngày càng mạnh mẽ hơn.
Trí thức trẻ