MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản rúng động vụ nữ nhà báo 31 tuổi tử vong sau khi làm thêm 159 giờ trong 1 tháng và chỉ nghỉ 2 ngày

06-10-2017 - 13:15 PM | Tài chính quốc tế

Văn hóa làm việc chăm chỉ, cố gắng cống hiến hết mình cho các ông chủ được xem như một chuẩn mực xã hội ở Nhật Bản, tuy nhiên điều này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến một số lượng lớn người lao động chết vì làm việc quá sức.

Nhật Bản được biết đến là đất nước có số giờ làm việc hàng đầu thế giới. Thậm chí, người Nhật không có một thuật ngữ nào để chỉ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thay vào đó họ gọi những người chết vì làm việc quá sức là "karoshi". Công việc căng thẳng, mệt mỏi cộng thêm không có thời gian để nghỉ ngơi đã khiến cho nhiều người Nhật chết vì đột quỵ hoặc tự tử.

Mới đây, tin tức về một nữ nhà báo 31 tuổi chết vì làm việc quá sức một lần nữa lại làm rúng động đất nước hoa anh đào.

Miwa Sado là nhân viên của Đài truyền hình và phát thanh lớn nhất Nhật Bản - NHK. Trước khi chết vì lên cơn đau tim vào tháng 7/2013, cô đã làm việc tổng cộng 319 giờ chỉ trong vòng 1 tháng. Mặc dù sự việc đã xảy ra cách đây 4 năm, nguyên nhân thực sự đằng sau cái chết của cô Sado cho đến tuần vừa qua mới được tiết lộ bởi quản lý của cô tại đài NHK.

Người này cho biết trong suốt tháng 7/2013, cô Sado đã làm việc gấp đôi số giờ tiêu chuẩn của một người lao động Mỹ bình thường là 40 giờ 1 tuần, tương đương với 160 giờ 1 tháng, trong khi chỉ nghỉ làm 2 ngày.

Văn hóa làm việc chăm chỉ, cố gắng cống hiến hết mình cho các ông chủ được xem như một chuẩn mực xã hội ở Nhật Bản.

Không chỉ mới xuất hiện gần đây, truyền thống làm việc ngoài giờ đã bắt đầu ở Nhật Bản vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi mức lương của người lao động tương đối thấp và họ muốn tối đa hóa thu nhập của mình. Thời điểm bùng nổ kinh tế vào những năm 80, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, văn hóa làm việc nhiều giờ trong tuần vẫn được duy trì. Trong khủng hoảng kinh tế tài chính vào cuối những năm 90, nhu cầu làm việc ngoài giờ của nhân viên lại càng tăng cao do các công ty tái cơ cấu, thu hẹp nhân sự.

Tuy nhiên cho đến năm 2015, cái chết của một nhân viên trẻ tuổi làm việc cho công ty quảng cáo Dentsu đã làm thay đổi thái độ của người dân đối với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống trên toàn nước Nhật.

Vào ngày Matsuri Takahashi tự tử, khi đó cô mới chỉ 24 tuổi. Các nhà chức trách cho biết nguyên nhân cái chết của cô gái là do căng thẳng kéo dài. Takahashi đã làm việc quá giờ hơn 100 tiếng trong vòng một tháng trước khi qua đời.

Một tuần trước ngày xảy ra sự việc, cô đăng trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng: "Tôi muốn chết". Một dòng tin nhắn khác viết: "Tôi bị tổn thương về thể chất và tinh thần".

Vụ việc đã kích hoạt lên một cuộc tranh luận lớn nhất từ trước đến nay ở Nhật Bản về tiêu chuẩn làm việc và buộc Thủ tướng Shinzo Abe phải lên tiếng. Những người chỉ trích nói rằng văn hóa làm việc của Nhật Bản thường ép nhân viên làm nhiều giờ để chứng minh sự cống hiến, ngay cả khi điều đó không tạo ra bằng chứng cho thấy năng suất làm việc được cải thiện.

Sau đó, chính phủ có đề xuất hạn chế giờ làm thêm hàng tháng ở mức 100 giờ và đưa ra các hình phạt cho các công ty để nhân viên làm thêm giờ vượt quá giới hạn. Mặc dù vậy, giới phê bình nhận định các biện pháp đưa ra vẫn đặt người lao động vào rủi ro.

Trong báo cáo đầu tiên về karoshi hồi năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cho biết cứ mỗi 5 người lao động ở quốc gia này thì có 1 người có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.

Cũng theo nguồn tin từ chính phủ, hơn 2.000 người Nhật đã tử tử vì áp lực công việc trong vòng 1 năm tính tới tháng 3/2016, trong khi đó hàng chục người khác chết vì đau tin, đột quỵ và một số bệnh lý khác do dành quá nhiều thời gian vào làm việc.

Trong khi đó, chỉ có 22,7% công ty tham gia khảo sát cho biết số giờ làm thêm của nhân viên trong công ty là khoảng hơn 80 giờ mỗi tháng - mức độ giờ làm việc đã bắt đầu gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Anh Sa

The Guardian

Trở lên trên