Mất trắng 40.000 tỉ đồng vì thiên tai
Biến đổi khí hậu năm 2016 ở Việt Nam còn làm 264 người chết và mất tích.
- 29-12-2016Nhìn lại các đợt thiên tai trong năm 2016
- 16-11-2016Việt Nam cần có thị trường thương mại cho bảo hiểm rủi ro thiên tai
- 15-11-2016WB: Việt Nam thiệt hại 30.000 tỷ đồng mỗi năm do thiên tai
Ngày 19-2, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Nhóm công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì cùng các thành viên APEC đã bàn thảo, chia sẻ về những hiện tượng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và cách thức hạn chế.
Các đại biểu Nhóm công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp thiên tai của APEC trao đổi thông tin
Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2014-2016, Việt Nam đã gánh chịu đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục nhất trong lịch sử, làm thiệt hại hàng chục ngàn hecta đất sản xuất; gần 300.000 hộ dân ở miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thiếu nước. Sau hạn hán, năm 2016, Việt Nam có đến 10 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông, gây lũ lớn liên tiếp trên diện rộng, thời gian kéo dài làm ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng… Thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng gần 40.000 tỉ đồng.
Các đại biểu thành viên APEC cho rằng vấn đề về BĐKH không chỉ ở một vài quốc gia mà đây là thách thức của toàn thế giới. Một khái niệm “New Normal Natural Disaster” đã được phổ biến và sử dụng để nhấn mạnh sự gia tăng về cường độ, tần suất xuất hiện của thiên tai tại các nền kinh tế APEC như: Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ… Khái niệm này được hiểu như sự “lỗ vốn” trong kinh doanh vì thiên tai liên tục, cũng như sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc xây dựng khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng trước thiên tai.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN-PTNT Việt Nam, kiến nghị Nhóm công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp thiên tai của APEC 2017 ưu tiên tăng cường thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ hiệu quả việc ứng phó khẩn cấp liên vùng đối với hiện tượng thiên tai tại các nền kinh tế APEC.
Đại biểu Philippines đề nghị cần hoàn thiện khung hành động toàn cầu và cấp vùng như: giảm thiểu rủi ro thiên tai châu Á, hiệp định ASEAN về ứng phó khẩn cấp hay khung quản lý rủi ro thiên tai APEC... Trong đó, các nước nghiên cứu, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, BĐKH vào quy hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội; có các cơ chế an sinh xã hội, bảo đảm sức khỏe người dân.
Nhiều đại biểu đồng ý rằng để chống BĐKH thì phải phát triển mô hình theo hướng bền vững thông qua việc giảm sử dụng tài nguyên tự nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng “không hối tiếc”. Đặc biệt, cần chú trọng bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn, phục hồi các hệ sinh thái; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm, đầu tư hệ thống thông tin tới cộng đồng…
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên như: hoàn thiện thể chế quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực dự báo, kế hoạch ứng phó siêu bão, kế hoạch quản lý lũ tổng hợp theo lưu vực sông, kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ… Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc ứng phó BĐKH qua đề án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tạo ra một xã hội sẵn sàng ứng phó với thiên tai”.
Người lao động