Mẫu ô tô rẻ nhất thế giới, gây sốt vì thay xe máy nhưng giờ sắp bị xoá sổ vì không thể ‘ngon bổ rẻ’
Vào 2008, Tata Nano - một dòng xe vô danh tới từ một thương hiệu khi đó cũng vô danh nốt đã bất ngờ gây sốt trên toàn cầu.
- 26-01-2024Gây sốt với mức giá chỉ 172 triệu đồng, mẫu ô tô được mong chờ xuất hiện tại trường Việt đắt hàng không tưởng, có tiền chưa chắc đã mua được
- 17-01-2024Sau bê bối chấn động, Daihatsu sẽ bị cấm sản xuất 3 mẫu ô tô?
- 25-12-2023Vì sao một số mẫu ô tô tăng giá gần cả trăm triệu đồng?
Đã 17 năm trôi qua, thông cáo báo chí từng gây sốt vào ngày 5/2/2007 vẫn tồn tại trên trang web của Tata Motors vào ngày 5/2/2024. Có nhan đề "Động cơ dùng không khí làm nhiên liệu", thông cáo này hé lộ một hướng đi lịch sử từng được hãng xe lớn nhất Ấn Độ vạch ra để rồi thất bại.
Ở thời điểm đó, Tata đang cật lực phát triển một mẫu xe đô thị cỡ nhỏ sử dụng động cơ siêu tiết kiệm có tiềm năng thuyết phục hàng triệu người Ấn Độ đổi từ xe máy sang ô tô. Để làm được điều đó, dòng xe này được kỳ vọng có giá 100.000 rupee - khoảng 41,25 triệu đồng theo tỉ giá đầu năm 2008.
Tham vọng hơn nữa, Tata muốn trang bị động cơ chạy bằng không khí cho Nano. Tiết kiệm, sạch nhưng cực khó chế tạo, liệu mảnh ghép này làm sao phù hợp với mẫu xe mong muốn là xe rẻ nhất thế giới khi đó?
Trong khi tầm mắt của người dùng xe tại châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực khác ở châu Á đổ dồn về Ấn Độ, sức nóng của mẫu xe này tại sân nhà thực sự bùng nổ.
Tại triển lãm Auto Expo 2008 ở New Delhi nơi Nano ra mắt, chưa bao giờ và có thể là không bao giờ có một mẫu xe nào thu hút nhiều ánh nhìn như vậy. Không gian xung quanh xe gần như lúc nào cũng không có chỗ trống dù gian trưng bày của Tata Motors là rộng nhất triển lãm. Phóng viên đổ dồn từ mọi nơi về phải đứng trên bồn xe bán tải trưng bày ở gian khác để chụp ảnh.
Hàng trăm ngàn người Ấn Độ đổ xô về triển lãm chỉ để nhìn tận mắt Tata Nano. Cả quốc gia Ấn Độ, ngay cả những người từng không quan tâm tới ô tô, đều theo dõi câu chuyện xoay quanh dòng xe này.
Một thập kỷ trước ngày Tata Nano ra mắt, kỹ sư từng phát triển động cơ đua F1 Guy Negre sáng lập MDI - đơn vị phụ trách phát triển động cơ chạy bằng khí nén cho Tata Nano sau này. Cơ chế làm việc của động cơ này không quá phức tạp, đó là khí nén được giải phóng khỏi bình chứa, giải nén và từ đó đẩy pít-tông/trục lái/bánh. Công đoạn này không xả thải gây hại cho môi trường với khí nén cũng rất dễ sản xuất.
Tuy nhiên, nói lúc nào cũng dễ hơn làm. Thách thức kỹ thuật trong việc đưa động cơ khí nén vào sản xuất đại trà ở mức giá chấp nhận được là không hề dễ. Đầu tiên, bình chứa khí nén phải cực kỳ, cực kỳ vững chắc và bền để đảm bảo an toàn. Yếu tố này có tiềm năng đẩy giá bán xe lên cao đáng kể.
Thêm vào đó, giai đoạn sản xuất khí nén cũng là một vấn đề. Làm sao để sản xuất một số lượng lớn khí nén trên diện rộng và lưu trữ hiệu quả là bài toán khó có lời giải. Chưa kể, sản xuất khí nén cũng yêu cầu một nguồn năng lượng khác dù là nhiên liệu hóa thạch hay điện.
Ở thời điểm Tata Nano ra mắt, công nghệ xe điện cho đại chúng vô cùng đơn sơ. Lấy ví dụ, một mẫu xe bán tại Ấn Độ bởi Reva Electric khi đó có tầm vận hành 150 km và có giá bán cao gấp 3.
Vào tháng 7/2008, khi dư luận xung quanh Tata Nano đã hạ nhiệt, tờ New York Times danh tiếng của Mỹ đăng bài phỏng vấn Guy Negre. Ông hé lộ động cơ chạy khí nén, ở trạng thái tối ưu họ mong muốn, chạy được 200 km với bình nhiên liệu chỉ mất 3 USD (50.000 đồng theo tỉ giá khi đó) đổ đầy.
Đồng thời điểm đó ở Ấn Độ, Tata gặp rắc rối không ngờ. Họ không thể xây dựng được nhà máy tại đúng vị trí ưng ý ở West Bengal thuộc vùng Đông Ấn. Sự phản đối dữ dội của người dân địa phương không muốn rời đi buộc Tata phải dịch nhà máy hơn 1.600 km về phía Tây. Thay đổi này khiến chuỗi cung ứng dự kiến của Tata bị đổ bể toàn bộ.
Ngay cả khi nhà máy đã đi vào vận hành, Tata cũng gặp muôn vàn gian khó. Họ giữ đúng lời hứa ban đầu khi bán Nano ở giá 100.000 rupee, tuy nhiên chi phí sản xuất và giá vật liệu tăng làm xe tăng giá 3 lần trước 2010. Tiếp đến, những lần triệu hồi để sửa chữa xe cùng một số vụ cháy xe không rõ nguyên nhân cũng khiến người dùng mất dần lòng tin vào Nano.
Kết quả là ngay tại Ấn Độ, Tata Nano cũng chưa bao giờ đạt doanh số 100.000 xe/năm như mong muốn ban đầu. Phiên bản xe chạy động cơ khí nén dự kiến ra mắt sau cũng từ đó biến mất khỏi danh mục sản phẩm.
Tới những ngày giữa tháng 2/2024, thông cáo báo chí của Tata Nano cuối cùng cũng đã biến mất. Toàn bộ dữ liệu về dòng xe đáng quên này với Tata cũng đã bị "tiêu hủy" sạch sẽ. Tập đoàn Ấn Độ cũng hoàn toàn làm ngơ những yêu cầu phỏng vấn hay đề nghị cung cấp thông tin về Nano. Cơn sốt lớn nhất của làng xe toàn cầu năm 2008 lần này có lẽ đã biến mất, vĩnh viễn.
Đời sống & pháp luật