Mâu thuẫn vì một dòng tweet, Saudi Arabia bán tháo tài sản Canada
Lệnh bán tháo tài sản của Canada đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng “đừng đùa với Riyadh”...
- 16-03-2018Saudi Arabia bị tố gây áp lực để tịch thu hàng tỷ USD của giới giàu
- 05-03-2018Saudi Arabia sắp xây siêu thành phố 10 tỷ USD ở Ai Cập
- 23-01-2018Chiến dịch chống tham nhũng của Saudi Arabia có thể thu hồi 100 tỷ USD
Saudi Arabia đang bán tháo tài sản Canada, trong bối cảnh vương quốc vùng Vịnh nổi giận vì Ottawa chỉ trích việc Riyadh bắt giữ một nhà hoạt động nữ quyền.
Tờ Fianancial Times dẫn nguồn thạo tin nói rằng, Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia và các quỹ lương hưu của nước này đã yêu cầu các công ty quản lý tài sản của họ ở nước ngoài bán ra cổ phiếu, trái phiếu và đồng Đôla của Canada "bằng bất kỳ giá nào".
Theo một số ước tính, các nhà quản lý tài sản bên thứ ba đang được các quỹ đầu tư của Saudi Arabia ủy nhiệm rót hơn 100 tỷ USD vào các thị trường trên toàn cầu. Không rõ vốn đầu tư vào Canada chiếm bao nhiêu trong số này, và có thể chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, nhưng lệnh bán tháo tài sản của Canada đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng "đừng đùa với Riyadh" - nguồn tin nói.
Cuộc bán tháo bắt đầu vào ngày thứ Ba và cho thấy Saudi Arabia đang phô bày sức mạnh tài chính và chính trị để cảnh báo các cường quốc nước ngoài về hành động mà Riyadh cho là can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước này.
Không chỉ bán tháo tài sản Canada, Saudi Arabia đã trục xuất đại sứ Canada, đóng băng hoạt động thương mại và đầu tư mới với Canada, dừng một chương trình trao đổi sinh viên với Canada, dừng các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Saudi Arabia Airlines đến quốc gia Bắc Mỹ, và dừng tất cả các chương trình điều trị y khoa ở Canada.
Mâu thuẫn giữa hai nước bùng lên sau khi Ngoại trưởng Canada Chrisytia Freeland đăng một dòng trạng thái lên mạng xã hội Twitter vào hôm thứ Sáu tuần trước kêu gọi Riyadh trả tự do cho bà Samar Badawi - môt nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng của Saudi Arabia, người có gia đình đang sinh sống ở Canada. Bà Badawi và một nhà hoạt động khác bị nhà chức trách Saudi Arabia bắt vào tuần trước do bất đồng chính kiến.
Hôm thứ Tư, ông Adel al-Jubeir, Ngoại trưởng Canada, nói rằng Saudi Arabia sẽ không có thêm khoản đầu tư mới nào vào Canada cho tới khi cuộc khủng hoảng được giải quyết. Tuy nhiên, ông al-Jubeir nói hoạt động đầu tư và thương mại hiện có giữa hai nước sẽ không bị ảnh hưởng.
Hành động của Saudi Arabia đối với Canada khiến nhiều người nhớ lại những gì mà Saudi Arabia và đồng minh đã làm để chống lại Qatar kể từ khi nhóm nước này bắt đầu cô lập Doha cách đây hơn 1 năm.
Cơ quan Tiền tệ Saudi Arabia (SAMA), tức ngân hàng trung ương của nước này, nắm dự trữ ngoại hối 506 tỷ USD vào thời điểm tháng 7, trong đó chủ yếu là trái phiếu kho bạc Mỹ. Các quỹ lương hưu của Saudi Arabia như General Organisation for Social Insurance và Public Pension Agency cũng nắm giữ tài sản nhiều tỷ USD.
Quỹ Public Investment Fund (PIF), tức quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia, cũng quản lý 250 tỷ USD tài sản, nắm giữ cổ phần trong nhiều công ty lớn trên thế giới như Tesla và Uber.
Kể từ khi trở thành người kế vị ngai vàng Saudi Arabia, Thái từ Mohammed bin Salman theo đuổi chính sách đối nội và đối ngoại ngày càng cứng rắn. Vị thái tử cam kết sẽ mở cửa nền kinh tế Saudi Arabia, nhưng cũng thể hiện quan điểm không chấp nhận những lời chỉ trích.
Cuối năm ngoái, dưới sự chỉ đạo của thái tử Mohammed, Saudi Arabia đã mở một chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay khiến hơn 300 hoàng tử, quan chức và doanh nhân bị bắt. Cuộc trấn áp tham nhũng gây xôn xao này đã khiến giới đầu tư lo ngại vào đúng lúc mà Saudi Arabia muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài để hiện đại hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu lửa.
Khi Saudi Arabia áp lệnh cấm vận lên Qatar vào mùa hè năm ngoái, các nhà quản lý tài sản được Saudi Arabia ủy nhiệm nói rằng Riyadh đã yêu cầu họ bán tài sản Qatar và không giao dịch trên thị trường chứng khoán ở Doha.
Các công ty Đức cũng phàn nàn về khó khăn trong việc ký kết hợp đồng ở Saudi Arabia kể từ khi Berlin chỉ trích vai trò của Riyadh trên chính trường Lebanon và tìm cách ngăn việc bán vũ khí cho các quốc gia dính líu đến cuộc nội chiến ở Yemen, trong đó có Saudi Arabia.
Giới phân tích thì cho rằng quyết định của Riyadh về bán tháo tài sản Canada có thể khiến niềm tin kinh doanh ở Saudi Arabia bị xói mòn thêm. "Những hành động như thế này sẽ không tạo ra được sự yên tâm về ổn định môi trường kinh doanh ở đó", một nhà đầu tư vào các thị trường mới nổi nhận định.
VnEconomy