Máy bay hỏng nặng, 39 con chim bị chết sau vụ đâm va nghiêm trọng
TPO - Theo các nguồn tin, đàn chim hồng hạc đang trên đường di cư đã va chạm với một chuyến bay của hãng hàng không Emirates Airline đang hạ cánh xuống sân bay Mumbai, Ấn Độ khiến cho máy bay bị hư hại nghiêm trọng và nhiều con chim bị chết.
Ngày 22/5, Hãng hàng không Emirates Airline cho biết chiếc máy bay 777, bay từ Dubai đến Mumbai đã hạ cánh an toàn ở Mumbai vào tối 20/5, sau va chạm với một đàn hồng hạc ngay trước khi hạ cánh. Vụ va chạm cách mặt đất khoảng 300 m đã làm hỏng máy bay và khiến ít nhất 39 con chim chết.
Người phát ngôn Emirates nói với Reuters : "Máy bay đã hạ cánh an toàn và tất cả hành khách và phi hành đoàn đều rời đi mà không bị thương, tuy nhiên, thật đáng buồn là một số con hồng hạc đã bị chết và Emirates đang hợp tác với chính quyền về vấn đề này".
“Emirates xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào gây ra. Sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn của chúng tôi là vô cùng quan trọng và sẽ không bị xâm phạm”, Người phát ngôn Emirates nói thêm và cho biết máy bay của Emirates đã bị hư hỏng trong vụ việc, chuyến bay trở về dự kiến khởi hành đến Dubai vào ngày 20/5 đã bị hủy bỏ.
Tất cả hành khách và phi hành đoàn đã được bố trí qua đêm và một chiếc máy bay thay thế đã đưa các hành khách rời Mumbai vào ngày 21/5 lúc 21h (giờ địa phương).
Ông Pawan Sharma - đến từ Hiệp hội phúc lợi động vật hoang dã Resqink - cho biết nhóm động vật hoang dã đã nhận được nhiều cuộc gọi vào tối 20/5 khi xác chim rơi từ trên trời xuống và gây ra hỗn loạn, hoảng sợ tại một số nơi.
Dipali Lokhande - một người dân địa phương ở Pant Nagar - cho biết đã thấy một tiếng động lớn vào khoảng 8h30 tối. "Chúng tôi phát hiện một con chim bị cắt một phần đã đâm xuyên qua mái tôn để lại một lỗ hổng trên mái nhà khiến cho gia đình rất hoảng sợ. Thật may là nhân viên cứu hộ và cảnh sát đã giúp chúng tôi dọn dẹp xác những chú chim này" - Dipali Lokhande nói.
Theo dữ liệu của chính phủ được hãng tin AFP trích dẫn, sân bay Mumbai đã ghi nhận hơn 600 trường hợp máy bay va vào chim trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 10/2023.
Ông Pawan Sharma cho biết đây là lần đầu tiên một số lượng lớn chim hồng hạc bị tấn công. Ông nói với AFP lo ngại nhiều con khác có thể đã chết mà không tìm thấy xác bởi có thể chúng đã rơi xuống khu rừng ngập mặn gần đó.
Vì hồng hạc là loài được bảo vệ theo Đạo luật bảo vệ động vật hoang dã (1972) nên lực lượng cứu hộ đã bàn giao xác chim hồng hạc cho cơ quan lâm nghiệp tiến hành điều tra, xử lý.
Tiền Phong