Máy bay trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất: Vietjet lên tiếng xin lỗi
Hãng hàng không Vietjet lên tiếng xin lỗi sau sự cố máy bay trượt khỏi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất khi đang giảm tốc độ sau khi hạ cánh hôm 14-6.
- 15-06-2020Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về nguyên nhân máy bay Vietjet trượt khỏi đường băng
- 15-06-2020Đã kéo máy bay bị trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất về sân đỗ
- 15-06-2020Sự cố máy bay trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất: Tạm thu bằng lái 2 phi công
Hãng hàng không Vietjet vừa có thông tin chính thức về sự cố tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó gửi lời xin lỗi đến các cơ quan, doanh nghiệp và hành khách.
Theo đó, ngày 14-6, chuyến bay VJ322 khởi hành từ Phú Quốc đi TP HCM, khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) lúc 12 giờ 10, do ảnh hưởng của thời tiết mưa gió lớn tại khu vực sân bay, máy bay đã trượt ra ngoài mép đường băng, máy bay và toàn bộ hành khách, tổ bay đều an toàn. Hành khách cũng đã nhận hành lý trong nhà ga và ra về bình thường.
Máy bay gặp sự cố được kéo về vị trí đỗ - Ảnh: CTV
Vietjet cho biết tất cả các chuyến bay, bao gồm các chuyến bay đến và đi TP HCM, hiện khai thác theo lịch bình thường, đảm bảo phục vụ hành khách tại tất cả các sân bay nội địa
"Vietjet chân thành cảm ơn Cục Hàng không, Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam, Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Sư đoàn 370 và các đơn vị liên quan đã cùng Hãng nhanh chóng khắc phục và xử lý vụ việc. Vietjet mong nhận được sự thông cảm và xin gửi lời cáo lỗi tới các cơ quan, doanh nghiệp và hành khách về những phiền phức, ảnh hưởng tới lịch bay trong ngày 14-6" - thông báo của hãng viết.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 14-6, chuyến bay VJ322 từ Phú Quốc đi TP HCM khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) lúc 12 giờ 10 đã trượt ra ngoài mép đường cất hạ cánh 25L/07R. Cục Hàng không Việt Nam và hãng Vietjet cho biết nguyên nhân ban đầu của sự cố là do bất ngờ bị ảnh hưởng của thời tiết mưa gió lớn tại khu vực sân bay.
Hình ảnh máy bay của Vietjet trượt khỏi đường băng - Ảnh: OTO+
Sau đó, đường cất hạ cánh 25L/07R mà máy bay vừa hạ cánh đã được tạm thời đóng cửa để phục vụ công tác đưa máy bay về sân đỗ. Sân bay Tân Sơn Nhất có 2 đường cất hạ cánh, song do đường cất hạ cánh 25R/07L đang đóng cửa để phục vụ công tác khảo sát, cải tạo nâng cấp nên việc đóng cửa đường băng còn lại khiến sân bay bị tê liệt.
Lực lượng chức năng đã tạm dừng khảo sát cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L, mở lại đường băng này phục vụ hoạt động khai thác. Đến 18 giờ 30 phút, hoạt động cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất đã hoạt động trở lại, sau hơn 6 giờ ngưng trệ.
Do ảnh hưởng của sự cố, hàng trăm chuyến bay phải đổi giờ khai thác và chuyển hướng hạ cánh. Trong đó, 164 chuyến bay của Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco) phải thay đổi giờ khai thác và chuyển hướng hạ cánh đến sân bay khác (12 chuyến). Thời gian delay (chậm chuyến) trung bình là 4 tiếng, chuyến muộn nhất cất cánh lúc gần 2 giờ 30 phút sáng 15-6. Hơn 30.000 khách bị ảnh hưởng chậm chuyến. Bamboo Airways thay đổi giờ khai thác và sân bay hạ cánh của 25 chuyến bay.
Chiều cùng ngày 14-6, tổ công tác của Cục Hàng không Việt Nam đã vào TP HCM để thực hiện công tác điều tra sự cố. Theo quy định, tổ bay gồm 2 phi công và 6 tiếp viên đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ việc điều tra sự cố. Cục Hàng không Việt Nam tạm giữ bằng lái của hai phi công đến khi kết thúc điều tra.
Để làm rõ nguyên nhân sự cố, tổ điều tra sẽ tiến hành giải mã hộp đen máy bay, đọc ghi âm buồng lái phi công và phân tích các dữ liệu chuyến bay.
Máy bay gặp sự cố được kéo về vị trí đỗ sau 18 giờ - Ảnh: CTV
6 giờ sáng 15-6, máy bay gặp sự cố đã được kéo lên đường cất hạ cánh 25L/07R, sau đó được đưa về vị trí đỗ lúc 6 giờ 30 cùng ngày. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã khảo sát và quyết định cho đường cất hạ cánh 25L/07R hoạt động trở lại từ 8 giờ 30 phút ngày 15-6 sau hơn 20 giờ tạm đóng. Còn đường cất hạ cánh 25R/07L lại được đóng để phục vụ công tác khảo sát, cải tạo nâng cấp.
Theo báo cáo của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, chuyến bay VJ322 lúc gặp sự cố chở 217 hành khách (trong đó 6 trẻ em) và 8 thành viên phi hành đoàn; cơ trưởng quốc tịch Ấn Độ, cơ phó người Sri Lanka. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng thu nhặt được 3 mảnh kim loại tại bãi cỏ nghi là bộ phận cánh của máy bay; một số đèn lề đường và lề đường lăn bị gãy.
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã yêu cầu Vietjet dùng kích, thay lốp bị nổ (nổ lốp càng chính - PV) để di dời máy bay. Sư đoàn Không quân 370, Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không - ACC điều thêm lực lượng quân đội, nhân viên, xe xúc... rải đá lên nền đất, lu lèn làm đường tạm để kéo máy bay. Tuy nhiên, do cần đẩy bị gãy chốt và lốp càng chính của máy bay bị lún sâu, nên các đơn vị phải mất hơn 18 giờ để kéo máy bay lên, đưa về trạm sửa chữa.
Người lao động