Máy bơm trục trặc, hầm chui ngập nặng
Hàng loạt hầm chui vừa mưa đã ngập nặng do các biện pháp chống ngập dự phòng chưa tốt.
Do cùng bị sự cố máy bơm không vận hành nên 2 đường hầm chui ở TP HCM tại cầu Khánh Hội (quận 1) và cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh) ngập lênh láng sau cơn mưa lớn đổ xuống vào rạng sáng 2-5.
Hầm chui trăm tỉ ngập nước
Theo ghi nhận, tại hầm chui cầu Bình Triệu, đến 7 giờ ngày 2-5, nước vẫn ngập 30 cm, chảy xối xả vào đoạn dốc phía trong dù mưa đã dứt nhiều giờ. Dù không xảy ra ùn tắc giao thông nhưng hàng loạt xe bị chết máy, phải dắt bộ. Đơn vị quản lý phải dùng các biện pháp hút nước ra ngoài.
Theo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (Khu 2) - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, hầm chui này ngập là do sự cố điện khiến máy bơm không vận hành. Khu 2 cho biết theo thiết kế, đường hầm chui cầu Bình Triệu có bố trí hầm thu nước và máy bơm thoát nước mưa. Do đường hầm chui mới đưa vào khai thác ngày 20-4, việc đấu nối nguồn điện hạ thế chính chưa xong, nguồn điện tạm thay thế bị sự cố khiến máy bơm không hoạt động nên gây ngập.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Khu 2 đã sử dụng máy phát điện dự phòng và đến 7 giờ 30 phút, nước trong hầm mới được hút cạn. Đơn vị này cho biết trong ngày 2-5 đã đấu song song máy phát dự phòng và hoàn thành đấu điện vào nguồn điện chính thức.
Nước ngập lênh láng tại đường hầm chui cầu Khánh Hội (quận 1, TP HCM) sau cơn mưa rạng sáng 2-5 Ảnh Gia Minh
Trong khi đó, cũng do sự cố điện, máy bơm không hoạt động nên đường hầm chui cầu Khánh Hội cũng ngập nặng sau cơn mưa lớn. Thời điểm ngập sâu nhất xảy ra lúc rạng sáng, với mực nước cao 1 m. Tình trạng trên khiến giao thông từ đường Võ Văn Kiệt qua đường hầm để tới đường Tôn Đức Thắng gặp nhiều khó khăn. Theo ghi nhận, tình trạng trên kéo dài từ rạng sáng tới khoảng 10 giờ cùng ngày.
Tại TP Đà Nẵng, rạng sáng 30-4, sau cơn mưa lớn, hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương cũng xảy ra sự cố ngập nước, có đoạn lên đến hơn 1m. Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, ngày 24-4, đơn vị thi công lắp đặt máy bơm cho hầm chui và sau đó đã ngắt hệ thống điều khiển tự động để chỉnh sửa. Đến tối 29-4, Đà Nẵng mưa to, 22 giờ cùng ngày thì bộ phận kỹ thuật lắp đặt máy bơm ở hầm chui tạm nghỉ nên không phát hiện, dẫn đến sự cố ngập trong hầm.
Trước đó, ngày 18-3, hầm chui này cũng đã ngập nước dù không mưa. Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho hay thời điểm ngập này, hầm chui bị cúp điện nên máy bơm không hoạt động.
Hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng điều hành, Liên danh Công ty CP Phát triển XD&TM Thuận An - Tổng Công ty Thăng Long - CTCP làm nhà thầu với giá trị hợp đồng là 118 tỉ đồng. Công trình này chính thức thông xe kỹ thuật vào ngày 1-11-2017. Thời điểm đó, UBND TP Đà Nẵng đã thưởng "nóng" đội thi công 200 triệu đồng vì hoàn thành sớm hơn dự kiến 2 tháng để công trình kịp đón sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Cần có nguồn điện dự phòng
PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, cho rằng khi thiết kế các hầm chui qua sông hay hầm đô thị thì phải tính toán việc tiêu thoát nước mưa tràn xuống từ 2 cửa hầm bằng hệ thống máy bơm tự động. Hầm bị ngập thường do máy bơm hoặc nguồn điện hỏng.
Theo ông Chủng, nước không thể ngấm qua hầm theo kiểu làm thủng thuyền vì vỏ hầm được thiết kế bền vững, có thể chịu được áp lực nước từ bên ngoài. Hầm bị ngập là do nước từ bề mặt tràn vào cửa và chỉ ngập thời gian ngắn, sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tuổi thọ của hầm.
Tuy nhiên, không thể làm gờ ở cửa hầm để ngăn nước khi có mưa vì sẽ ảnh hưởng đến lưu thông, mà phải có giải pháp thoát nước trong hầm ra ngoài sao cho tốt. Thường thì hệ thống bơm đẩy để thoát nước mặt thu trong hầm ra ngoài có công suất rất lớn nên phải cần đến nguồn điện riêng và nguồn điện dự phòng.
Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP HCM, đánh giá sự cố ngập tại các đường hầm chui nêu trên là do đơn vị quản lý chưa chủ động biện pháp đề phòng để ngăn nguy cơ. Theo nguyên tắc, khi thiết kế các đường hầm chui đều phải có hệ thống máy bơm và hầm thu nước. Hệ thống này sẽ tự động vận hành khi có mưa lớn, nước chảy vào đường hầm hoặc bị sự cố tương tự xảy ra. Hệ thống này phụ thuộc vào nguồn điện nên nếu nguồn cấp không ổn định, hệ thống không thể vận hành.
Máy bơm bị phá hoại
Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết nguyên nhân dẫn tới sự cố ngập nước hầm chui cầu Khánh Hội là do tủ điện cấp nguồn để vận hành máy bơm bị phá hoại, dẫn tới máy bơm tự động không hoạt động được. Theo ông Triết, dự kiến tới ngày 4-5, việc cấp lại nguồn điện cho máy bơm mới hoàn thành.
"Qua kiểm tra, tủ điện đã bị trộm đục phá rồi dẫn tới vụ việc trên. Chúng tôi sẽ bổ sung rào chắn để bảo vệ hệ thống điện, máy bơm. Chúng tôi cũng đã đề nghị Công an quận 1 tăng cường rà soát, bảo đảm an ninh để tránh xảy ra trường hợp tương tự" - ông Triết cho biết.
Người lao động