MBS: “Yếu tố dịch bệnh vẫn là ẩn số, nhà đầu tư hạn chế mua đuổi tăng tỷ trọng cổ phiếu”
MBS cho rằng kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm chưa thực sự phản ánh hết bức tranh kinh doanh mà doanh nghiệp đang phải đối mặt bởi làn sóng càn quét covid lần thứ 4 này và tác động này có thể được phản ánh rõ nét trong kết quả kinh doanh quý 3 sắp tới.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK MBS cho biết 2 phiên tăng điểm cuối tuần trước đã khiến nhà đầu tư kỳ vọng "đỉnh dịch là đáy chứng khoán". Kinh nghiệm của các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cho thấy, đỉnh dịch là đáy chứng khoán. Một ví dụ được nhắc đến nhiều nhất là Ấn Độ hay Đài Loan, khi số ca mắc Covid ở nước này đạt đỉnh vào tháng 5/2021 thì chứng khoán cũng tạo đáy và đi lên.
KQKD 6 tháng đầu năm chưa phản ánh hết khó khăn, dịch bệnh vẫn là ẩn số
Trong kịch bản lạc quan nhất, MBS kỳ vọng điều này xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh sẽ được khống chế khi đã thực hiện giãn cách nghiêm ngặt ở nhiều tỉnh, thành phố. Tuy vậy, vẫn cần theo dõi thêm đặc biệt là biến chủng lần này có tốc độ lan rộng nhất và ảnh hưởng lớn đến TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Do đó, thị trường có thể còn những biến động khó lường trước khi dịch bệnh vẫn còn đang là ẩn sổ.
MBS đánh giá kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết thuộc lĩnh vực phi tài chính khả quan trong Q2-2021. Theo dữ liệu FiinPro, doanh thu thuần Q2-2021 của 347 doanh nghiệp đã có báo cáo tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi LNST duy trì tăng cao hơn (+86,2% YoY) phần lớn nhờ biên lợi nhuận cải thiện tại các ngành hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng cao do "đứt gãy" chuỗi cung ứng tạm thời. Tăng trưởng LNST duy trì ở mức cao nhờ Biên LN nhiều ngành cải thiện do tăng giá hàng hóa bao gồm Phân phối xăng dầu & Khí đốt và Thép. Nhóm phục hồi nhờ tài mở cửa kinh tế: Càng biển, thủy sản. Nhóm công nghệ thông tin hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển số hóa. Nhóm phân phối, bán lẻ hưởng lợi nhờ nhu câu tăng vọt…giá cả hàng hóa tăng, tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy vậy, MBS cho rằng kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm chưa thực sự phản ánh hết bức tranh kinh doanh mà doanh nghiệp đang phải đối mặt bởi làn sóng càn quét covid lần thứ 4 này và tác động này có thể được phản ánh rõ nét trong kết quả kinh doanh quý 3 sắp tới. Các doanh nghiệp chịu tổn thương nhất sẽ là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, không cạnh tranh được với doanh nghiệp đầu ngành. Một số ngành vẫn sẽ bị ảnh hưởng như: Hàng không, vận tải, xây dựng và vật liệu xây dựng, Dệt may…
Xem xét chốt lời nếu VN-Index có tín hiệu suy yếu
Theo MBS, nếu như trong các làn sóng điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trước đây, tín hiệu tạo đáy và bước vào trend tăng tiếp theo cần đạt được hai điều kiện đó là: 1) thanh khoản cần duy trì tăng tích cực; 2) Chỉ số VN-Index cần vượt qua đường trung bình động MA50 ngày.
Bởi vậy, MBS cho rằng vẫn cần theo dõi thêm việc kiểm nghiệm các vùng kháng cự MA50 ngày của VN-Index trong tuần này để có chiến lược giao dịch hợp lý. Sự cẩn trọng vẫn tiếp tục nên được duy trì bởi sau mùa báo cáo tài chính Q2, thị trường cũng sẽ đối mặt với giai đoạn trống thông tin hỗ trợ. Thêm vào đó, diễn biến tích cực của KQKD cũng đã phản ảnh vào giá cổ phiếu. Và yếu tố khó lường của biến chủng Delta vẫn đang là một ẩn số có thể tác động đến thị trường bất cứ lúc nào khi số ca nhiễm mới tại hai đầu thành phố lớn là TP.HCM vẫn đang ở mức cao và các ca mắc mới vẫn đang tăng tại Hà Nội.
Trong kịch bản lạc quan, nếu thanh khoản phục hồi trở lại nền giao dịch ở mức cao (khoảng 18 -20 nghìn tỷ/phiên) ở các phiên kế tiếp, nhịp phục hồi có khả năng tiếp tục được mở rộng qua ngưỡng MA50. Hiện các mô hình kỹ thuật (theo đồ thị ngày) đang có sự đồng thuận về triển vọng của một nhịp phục hồi ngắn hạn.
Trong kịch bản cơ sở, nếu thanh khoản phục hồi chậm theo hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ thì khả năng VN-Index vẫn chỉ dao động trên vùng đáy kỹ thuật vừa được thiết lập và kháng cự MA50 ngày. Tương đương với vùng dao động 1.280 – 1.337 nằm trong khoảng giữa MA100 và MA50 với các nhịp rung lắc và chốt lời lượng hàng bắt đáy về tài khoản có thể diễn ra.
Về chiến lược đầu tư, MBS cho rằng nhà đầu tư trading đã mua được ở vùng đáy kỹ thuật 1.225-1.255 có thể xem xét chốt lời dần nếu chỉ số VN-Index có tín hiệu suy yếu khi chạm các vùng kháng cự mạnh như 1.337 – 1.350 – 1.371 điểm. Hạn chế mua đuổi tăng tỷ trọng trong những nhịp tăng nóng.
Với nhà đầu tư giải ngân mới cho nhịp tăng trung hạn, cần quan sát vùng kháng cự MA50 tương ứng 1.337 điểm. Nếu vượt qua vùng này một cách chắc chắn với thanh khoản gia tăng, xu hướng tăng được thiết lập có thể tham gia tăng dần tỷ trọng. Ngược lại, nếu xu hướng đảo chiều xuất hiện, NĐT có thể cần chốt lời và quan sát chờ điểm mua nếu diễn biến giảm của chỉ số quay trở lại với các vùng hỗ trợ mạnh như 1.265 – 1.225 - 1.200 điểm.
MBS cho rằng việc mua vào chỉ nên thực hiện với tỷ trọng hợp lý (dưới 50% danh mục) và không dùng margin, cho mục tiêu trung hạn và tuân thủ các nguyên tắc về giao dịch ưu tiên các lĩnh vực chọn lọc.