MC Thời sự trẻ tuổi nhất VTV: Cuộc sống ngắn lắm - nghề MC cũng vậy, thứ chắc chắn nhất là sự nỗ lực của ngày hôm nay
Không drama, không làm "MC hàng hiệu", thích tiết kiệm... đó chỉ là một góc nhỏ trong vô vàn điều thú vị về "MC Thời sự trẻ tuổi nhất VTV" Hoàng Hùng.
- 17-06-2020Dù hay “phá hoại” nhưng nghề này lại được xem là ngầu nhất nhì Nhật Bản hàng trăm năm trước
- 05-06-2020Barber là gì và những bí mật thú vị về 6000 năm lịch sử của nghề cắt tóc nam
- 24-05-2020Đừng tin mấy lời khuyên nhảy việc, thật ra AN TOÀN trong nghề nghiệp mới là thứ quan trọng nhất: Kẻ thức thời và sáng tạo là kẻ sống dai hơn!
Đã bao giờ bạn tự hỏi, vì sao bản tin thời sự lại có ý nghĩa lớn đối với mỗi người hay chưa? 365 ngày là những dòng thông tin liên tục chảy không ngừng để gửi tới khán giả - những người đang trực tiếp ngồi trước màn ảnh nhỏ để theo dõi vào mỗi khung giờ nhất định, điều đó cũng đồng nghĩa với việc, người làm chương trình phải vận động không ngừng nghỉ để mang tới các nguồn tin chân thực nhất.
Được mệnh danh là "MC Thời sự trẻ nhất Đài truyền hình Việt Nam", MC Hoàng Hùng đã quen mặt khán giả qua các chương trình trên sóng VTV4. Giống như nhiều đồng nghiệp khác, biên tập viên truyền hình vốn không phải là lựa chọn sự nghiệp đầu tiên của Hoàng Hùng. Tuy nhiên, nhờ việc bén duyên với nghiệp cầm mic từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh dần gắn bó và cuối cùng quyết định theo đuổi vai trò này. Ít ai biết rằng để có được thành công hiện tại, Hoàng Hùng đã trải qua quá khứ sống xa gia đình từ nhỏ, trượt cấp 3 rồi phải đi làm đủ loại nghề rửa xe, phụ hồ...
MC Thời sự trẻ tuổi nhất lịch sử của VTV
Từ cậu học trò trượt cấp 3, thợ rửa xe, phụ hồ đến MC đài truyền hình
Nghề nghiệp cũng như một cái duyên, vậy sao ngày xưa Hoàng Hùng lại chọn theo nghề này vậy?
Nói đến con đường đến với công việc MC cũng rất dài, tính đến nay cũng đã 7 năm rồi. Ước mơ chỉ nhen nhóm một chút khi mình học cấp 3 và thậm chí khi học năm nhất tại ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương cũng mong thành kiến trúc sư hay ca sĩ. Mình tự nhận ra năng lực không quá cao siêu để trở thành ngôi sao và mình cũng có duyên gặp gỡ một số anh chị trong đài sau đó tham gia CLB MC thì được traning, học nhiều kỹ năng dẫn chương trình hơn.
Mình biết đươc những câu chuyện về người làm truyền hình và thực sự ngưỡng mộ họ. Đến cuối năm 3, mình có tham gia casting chương trình "Tìm về nguồn cội" của Đài truyền hình Việt Nam và sau đó được dẫn trên truyền hình lần đầu tiên. Kể từ thời điểm ấy là sự may mắn đến và mình được học hỏi, biết công việc truyền hình như thế nào và khám phá giới hạn bản thân. Mình thấy cuộc đời đâu đó vẫn còn khó khăn nhưng riêng với nghề, thì sự may mắn đến trong thời gian gần đây và đến thời điểm này mình trở thành MC Thời sự trẻ nhất VTV.
Hoàng Hùng nhớ ngày đầu chân ướt chân ráo làm MC của mình như thế nào không?
Thời điểm khó khăn nhất là hồi mình thi cuộc thi nào cũng out, đi casting nào cũng trượt chỉ một lý do duy nhất: Không đủ năng lực và vấn đề chưa khắc phục được giọng nói. Giọng nói của mình khi đó bị chê quê mùa và cũng bị một số tật như ngọng phát âm L và N, bè các nguyên âm. Mình mất đến 1-1,5 năm sửa giọng nói. Có nhiều đêm thức đến 2-3 giờ sáng chỉ để xem chương trình MC nổi tiếng dẫn và học hỏi cách luyến láy của họ.
Những người bạn đồng trang lứa thời điểm ấy dành rất nhiều thời gian đi chơi với bạn bè, đi du lịch thì trong suốt 4 năm đại học, mình không yêu ai, chỉ cải thiện bản thân, đi nhiều nơi và gặp nhiều con người mới. Đi qua những năm tháng khó khăn đó, mình đúc kết ra câu nói rất yêu thích: "Ngày nào mà không học hỏi được điều gì mới thì tôi cảm thấy bị vô dụng". Cuộc sống của mình ngắn lắm, nghề MC cũng không có tuổi thọ dài nên thứ chúng ta chắc chắn chỉ có sự nỗ lực ngày hôm nay.
Cách đây không lâu, MC Hoàng Hùng từng bất ngờ tiết lộ về những biến cố trong cuộc đời, trong đó phải kể đến tuổi thơ sống xa gia đình, thiếu 0,25 điểm thi cấp 3 và quyết định bỏ học làm thợ rửa xe. Quãng thời gian này ám ảnh anh thế nào?
Tuyệt vọng, tủi thân hay nhiều lúc chỉ muốn buông xuôi, tất cả những cảm xúc này mình từng nếm trải. Khi mình thiếu mất 0,25 điểm vào trường cấp 3, bố đã nói: "Mày trượt thì phải làm đi, bố không cho đi học nữa. Đi làm để biết kiếm đồng tiền khổ thế nào rồi sau này muốn học gì thì học".
1 năm đó mình lên Hà Nội làm những công việc được gọi là "thấp hèn" như đi phụ hồ, rửa xe máy. Lúc đấy chỉ kiếm được 30.000 – 50.000 đồng/ngày mà làm từ 5 giờ sáng đến tối mịt hay với việc phụ hồ kiếm được 1,5 triệu/tháng. Sau đó vào khoảng năm 2017 – 2018, bố mình được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn 3 nhưng bố không đảm bảo sức khỏe để hóa trị, có thể gục bất cứ lúc nào truyền. Những lần cõng bố trên vai đi dọc hành lang bệnh viện, hai bố con cứ khóc vì không biết phải làm gì, không biết phải làm thế nào. Đó là những chuỗi ngày tăm tối nhất mà có lẽ cả cuộc đời này, mình chẳng thể nào quên được.
Với tất cả những khó khăn cứ ập đến, điều gì khiến một cậu học trò trượt cấp 3, tay trắng từ vùng quê trở thành MC nổi tiếng của Đài truyền hình?
Khi dạy mình thường nói với học viên rằng ngay thời điểm em không có điều gì lớn lao thì thứ duy nhất em luôn cần phải có là niềm tin vì niềm tin ai cũng công bằng và ai cũng có được. Khi mình có niềm tin, mình biết được thiếu thứ gì thì sẽ tiếp tục cố gắng để từ đó đặt ra mục tiêu nhất định phải hoàn thành nó. Con đường hành nghề rất dài và niềm tin rằng "mình sẽ nổi tiếng" đã vạch rõ ràng mục tiêu để mình không phải bước đi trong vô định.
Quãng thời gian khó khăn khiến mình trưởng thành và tự ý thức phải kiếm thật nhiều tiền. Hơn hết, khó khăn cũng đã giúp mình có những trải nghiệm và cảm xúc vô cùng chân thực để mỗi lời dẫn hôm nay đều là những thứ trút tâm can chia sẻ với khán giả, chứ không đơn thuần là những thứ hời hợt bên ngoài nữa.
Trần tình về công việc MC truyền hình và thu nhập sau 7 năm lăn lộn với nghề
Từng chia sẻ dành đến 18-20 tiếng/ngày cho công việc, liệu MC Đài truyền hình có phải là công việc "thiêu đốt" thời gian và sức lực như vậy?
Trong 18-20 tiếng đấy thì mình còn dành rất nhiều cho công việc khác bên ngoài, thời gian làm ở Đài chỉ chiếm từ 4-8 tiếng. Cơ quan mình có 3 khung giờ bản tin chính là 12h trưa, 4h chiều và 9h tối. Có những ngày chỉ cần làm 1 bản tin thì lên 4 tiếng, 2 bản tin thì 8 tiếng. Ngày nào full cả 3 thì 9h sáng có mặt cơ quan và kết thúc lúc 10h đêm. Sau khi trở về mình còn làm một số công việc đến 2h sáng mới ngủ. Thói quen theo từ thời sinh viên và dù biết không tốt cho sức khỏe nhưng tuổi trẻ còn cố được bao nhiêu thì mình sẽ cố.
Nhiều người nói rằng MC truyền hình là những người có cuộc sống "hai mặt". Khi lên sóng thì vô cùng chỉn chu, hào nhoáng nhưng đằng sau đó là hình ảnh không phải ai cũng biết. Hoàng Hùng thấy sao về nhận xét này?
Không chỉ riêng MC truyền hình, mình nghĩ nghề nào cũng đều có 2 mặt và những áp lực riêng. Công việc này giúp mình được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, lắng nghe nhiều câu chuyện nhưng đây không phải công việc giàu có, rủng rỉnh túi tiền, làm vài năm là đã có thể mua nhà cửa, xe cộ. VTV chỉ là một đơn vị hành chính sự nghiệp và nơi đây chỉ cho ai thực sự có khả năng và biết sử dụng tên tuổi để kiếm tiền nơi khác.
Thật ra công việc MC truyền hình không phải hoàn toàn showbiz hay một người nghệ sĩ mà nó ở mức 50/50. MC có sức ảnh hưởng đến công chúng nhưng cũng chỉ là sợi dây kết nối khán giả với nghệ sĩ hay rất nhiều người khác trong cuộc sống, truyền tải câu chuyện hay đến mọi người. Và chỉ đến thế thôi! Bước ra góc máy, chúng mình cũng có cuộc sống riêng và cũng không phải quá giữ ý tứ như những ngôi sao khác.
Vậy cụ thể con số là bao nhiêu và liệu một bạn trẻ có thể sống dư dả chỉ làm nghề MC truyền hình không?
Đối với mình không có con số cụ thể vì với công việc hiện tại thì tháng nhiều bản tin, sản xuất càng nhiều thì lương càng cao. Tuy nhiên, mình khẳng định nếu một người làm MC và BTV ở Đài truyền hình thì sẽ có mức sống ổn định, không quá giàu sang nhưng cũng không quá vất vả. Làm MC 7 năm và 3 năm trong Đài nhưng hiện tại mình vẫn đi xe SH mua được từ thời sinh viên, vẫn đang ở nhà thuê. Mình cũng chưa có khoản tích cóp đủ lớn để mua nhà nhưng sẽ cố gắng thực hiện mục tiêu đó trước năm 30 tuổi.
Là BTV "tay ngang", Hoàng Hùng đã từng phải đối mặt với khó khăn và cám dỗ thường trực như thế nào?
Bất cứ nghề nào cũng có cám dỗ và riêng nghề MC, cái nghề mà người đời hay dùng câu nói giống nghề ca sĩ là "xướng ca vô loài" vì tuổi nghề quá ngắn và cũng không biết bao giờ bạn còn theo được nó. Khi còn trẻ bạn có ngoại hình, sự trẻ trung thì được khán giả biết tới. Nhưng nếu không nổi tiếng, không tài năng hay không có quan hệ thì rất dễ phải đối mặt với những cám dỗ bên ngoài Đài truyền hình.
Nhưng quan trọng là mình biết điểm dừng ở đâu và thế nào là tốt nhất. Sự hào nhoáng hay sự nổi tiếng nhanh cũng giống như quả bóng chỉ cần châm một cái là nổ. Mình muốn mọi thứ chắc chắn, không được vì 1 phút bốc đồng hay theo cám dỗ bên ngoài mà mọi cố gắng bấy lâu đổ bể.
Đối với MC Hoàng Hùng, đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt những năm tháng làm nghề?
Trong 7 năm làm nghề thì kỷ niệm mình thấy tủi thân nhất là khi dẫn chương trình talkshow với Hòa Minzy và sau khi lên sóng đã nhận về nhiều phản hồi tiêu cực từ khán giả. Khi đó mình mới chỉ làm nghề được 2 năm nên chưa thực sự có duyên khi trò chuyện với một người nghệ sĩ nổi tiếng. Hai đêm liền mình thức trắng đọc từng bình luận, tin nhắn gửi về cho chương trình.
Chương trình đó là show dài tập nên mình rất xấu hổ và đã xin BTC ngừng dẫn. Mình vẫn nhớ in câu nói của chị BTC hỏi ngược lại sao dẫn bao năm vẫn để tâm lý bị ảnh hưởng bởi khán giả. Chính bản thân mình lúc đó còn không hài lòng bản thân thì sao đòi hỏi khán giả hài lòng với cách dẫn của mình?
Vậy làm sao người MC biết được ranh giới giữa việc bày tỏ cảm xúc với việc đưa cảm xúc của mình đi quá xa?
Bất cứ chương trình nào cũng đều có kịch bản và format sẵn. Một người dẫn phải có nhiệm vụ follow theo kịch bản để chương trình không bị chệch khỏi đường ray ban đầu. Những chia sẻ của MC với chương trình hay câu chuyện được dư luận quan tâm đôi khi là con dao 2 lưỡi có thể nâng cao quan điểm người dẫn nhưng cũng có thể nhận về phản bác.
Vậy nên để có một sự an toàn nhất định thì trong chương trình, đặc biệt làm trực tiếp tuyệt đối không nói về mặt chủ quan của bản thân và chỉ nói những thứ chứng thực để khán giả đón nhận trung lập nhất. Bạn có thể tạo ra sự bứt phá nhưng sự bứt phá cần nằm ở ngưỡng an toàn của chương trình và BBT, đồng thời cũng cần đặt chút thông minh của mình thì sẽ được khán giả trân trọng.
Trở thành MC có dấu ấn trong thời đại bão hòa người dẫn?
Việc tạo dấu ấn riêng để khán giả nhớ đến giữa dàn BTV đông đảo cũng là một trong những yếu tố thể hiện sự thành công của 1 BTV. Về bản thân mình, anh thấy chất dẫn riêng của mình là gì?
Ngay từ khi bước chân vào nghề, mình đã xác định phong cách dẫn và kim chỉ nam cho công việc là sự chân thành. Hãy mang sự thành thật, chân thành nhất với khán giả thì mới mong đón nhận được điều đó. Mình chân thành từ sự kiện cho đến chương trình truyền hình, mang sự chân thành trong chính nội tâm con người. Mình sống đẹp, sống tử tế như thế nào sẽ thể hiện như thế trong chương trình mình dẫn.
Đó cũng là lý do trong đợt dịch Covid-19, giữa rất nhiều MC thì mình được chọn dẫn chương trình "Chúng tôi vẫn ổn". Đó là chương trình mà tình cảm, sự lo lắng của người dẫn trong nước được gửi đến cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Công việc của người MC là làm sao kết nối được câu chuyện của người dân trong nước với nước ngoài và ngược lại, để họ cảm thấy giữa một đại dịch thì ổn cái gì và ổn như thế nào.
Là một người MC truyền hình, làm sao để có thể tạo được thiện cảm và khai thác câu chuyện có chiều sâu từ nhân vật?
Cảm nhận của khán giả sẽ đến đầu tiên từ ngoại hình mang vẻ thân thiện, dễ sẻ chia và cách tiếp cận sao cho họ cảm nhận không phải mình làm việc mà đang lắng nghe câu chuyện của họ. Khi gặp nhân vật, mình sẽ từ từ nhẹ nhàng hỏi thăm, khai thác, thực sự đặt sự tò mò tìm hiểu cuộc sống của họ gặp vấn đề nào, đã giải quyết được chưa hay có đang duy trì được sự ổn định đó không. Và sau đó, một điều quan trọng là MC phải giữ liên lạc với nhân vật để từ đó xây dựng mối quan hệ và hình thành hình ảnh người MC có trách nhiệm. Khán giả trung thành và nguồn tin thân cận chính là ở đấy chứ đâu.
Theo anh, điều gì khiến người MC trở nên chuyên nghiệp và nổi bật hơn hẳn?
Tất cả chỉ gói gọn trong 2 từ duy nhất là "nhạy bén". Một người MC nhạy bén sẽ đáp ứng tất cả những yếu tố như xử lý tình huống, nắm bắt cảm xúc, biên tập nhanh hay có cách gặp gỡ nhiều người và lắng nghe câu chuyện của nhân vật tốt nhất.
Cảm xúc của người MC cũng phải sống và thay đổi cùng nhân vật. Nhân vật buồn, đang trăn trở thì chính họ cũng phải đặt ra câu hỏi thể hiện sự lắng nghe, đồng cảm cùng niềm vui, nỗi buồn. Nếu người MC không có những điều ấy thì chỉ được coi là hoàn thành công việc, không có cảm xúc và không đi được đường dài.
Sau hơn 7 năm làm nghề, điều anh nhận được từ công việc MC này?
Điều mình cảm thấy cái nghề này cho mình nhiều nhất là sự yêu mến của khán giả và chính những người thân trong gia đình. Mình được xuất hiện trên các số của VTV và người khán giả trung thành nhất cũng là bố. Dù nhỏ bé nhưng mình luôn xúc động khi bố gọi điện và khoe rằng vừa thấy mình trên sóng VTV, tự hào kể với mọi người mình làm ở đây, thành tựu này thành tích kia.
Mình vốn xuất thân gia đình thuần nông, cả xã và khu vực chỉ có mình tiên phong đi làm truyền hình. Nên hiện tại, từ người trẻ cho đến cụ già luôn nhắc "Hoàng Hùng" là hình mẫu để thanh niên trong khu vực học tập. Chính những con người, kỷ niệm như vậy là thứ khiến mình nhận ra rằng cuộc sống này còn nhiều điều thật đẹp, và việc làm MC truyền hình sẽ là cầu nối giúp lan tỏa sự tốt đẹp tới hàng chục, hàng trăm ngàn con người khác.
Giữa làng giải trí có rất nhiều chiêu trò và cạm bẫy khi mà chỉ sau một đêm có thể khiến ai đó nổi tiếng hay lụi bại trong tích tắc, anh định nghĩa thế nào về 1 người MC thành công?
Người ta hay nói rằng: "Nếu muốn nhìn nhận một người thành công hay không thì hãy nhìn nhận vào tiền đồ, sự nghiệp của họ. Nếu như họ có tiền đồ vững chắc, họ có được tất cả những gì họ mong muốn thì họ thành công". Còn với nghề MC, sự thành công của nghề là sự ghi nhận của khán giả.
Có thể người ta sẽ nói rằng: MC thời đại này phải dẫn được nhiều chương trình khác nhau, phải biến hóa ở nhiều lĩnh vực nhưng với mình, hãy xác định rõ và biến bản thân thành chuyên gia của một thể loại nhất định. Ở thời điểm hiện tại, mình luôn muốn xây dựng hình ảnh một người MC biết lắng nghe, chân thành, thấu hiểu với tất cả câu chuyện của các nhân vật có dịp được gặp gỡ.
Hiện tại, MC truyền hình là công việc mà rất nhiều bạn trẻ mong muốn theo đuổi. Là "đàn anh" đi trước, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình?
Khi bắt tay vào làm một điều gì thì chúng ta cũng nên vạch ra một lộ trình rõ ràng. Những năm đầu tiền theo nghề này, mình đã vạch ra mục tiêu là năm nhất có thể dẫn ở một chương trình sự kiện. Năm thứ hai thì mình đã phải dẫn được một chương trình sự kiện lớn, năm thứ ba dẫn một chương trình truyền hình và năm thứ tư thì đã phải được khán giả ghi nhận rồi. Vậy nên chúng ta cần lập ra một mục tiêu rõ ràng và quyết tâm follow nó dần dần.
Với những người mới bắt đầu, trong tay bạn chưa có kĩ năng, chưa có định hướng và thậm chí đam mê của bạn còn chưa rạch ròi thì hãy xác định đâu là đam mê lớn nhất, đâu là thứ bạn muốn theo nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng không được để bản thân một màu. Bởi có rất nhiều bạn trẻ theo học trung tâm đào tạo MC, vậy nên nếu không có chất riêng thì bạn chỉ thành một người dẫn mờ nhạt.
Để xây dựng cho mình một phong cách riêng, thì hãy hãy xây dựng từ MXH, bạn đọc những tin tức như thế nào, phân tích chúng ra sao thì bạn hãy chọn lọc viết lên trang cá nhân. Bạn định hình phong cách ngay từ những người bạn thân, đến những người xung quanh bạn rồi đến cộng đồng mạng. Ví dụ bạn muốn đi theo chính luận thì hãy đọc thật nhiều tin tức liên quan đến chính luận và phân tích nó, muốn đi theo mảng kinh tế thì hãy đọc thật nhiều tin tức về kinh tế, muốn đi theo giải trí thì cũng như vậy. Sau này nếu như có cơ hội được đứng trên một sân khẩu lớn thì bạn hãy dùng chính những kiến thức đã trau dồi và tích lũy để nói lên quan điểm của mình.
Dự định trong thời gian tới của anh là gì?
Với riêng nghề MC, thì vẫn sẽ đặt mục tiêu là tiếp tục đóng góp thành quả của mình trong sự thành công chung của VTV4 với tất cả các chương trình lớn trong năm. Bởi vì trong 1 năm thì VTV4 có rất nhiều chương trình lớn và hầu như đều có sự đóng góp của mình vào đấy. Và nếu như có sự may mắn thì mục tiêu cao hơn trong những năm tiếp theo là được đề cử vào Top 5 MC ấn tượng của VTV Adwards. Còn với những công việc khác ngoài Đài Truyền hình Việt Nam thì mình vẫn sẽ tiếp tục đầu tư thời gian và bỏ công sức vào những dự án mà mình đang làm tại các lớp học và tại các mô hình kinh doanh đang ấp ủ.
Cảm ơn MC Hoàng Hùng về cuộc trò chuyện này!
Trí thức trẻ