Mê cái cách Gen Z chào mừng Tết Độc lập!
Người trẻ yêu nước đặc biệt nhất chính là ở cách họ lan toả và chia sẻ tình yêu đó.
- 24-08-2024Tiểu thư tài phiệt của tập toàn khách sạn “giàu suốt 4 đời” nói thẳng: Bí quyết thành công, độc lập cực đơn giản nhưng mạo hiểm
- 08-08-2024Nàng Wags của Quang Hải kiếm tiền, chăm con giỏi, nhận mình "nhếch nhác" nhưng ai cũng khen phụ nữ độc lập luôn quyến rũ
- 05-07-2024Sự đặc biệt trong bản đồ sao của Lưu Diệc Phi: Tinh thần độc lập mạnh mẽ, sự quyến rũ không thể phủ nhận
Lâu rồi mới có dịp nghỉ lễ dài ngày. Ngày lễ này thêm phần đặc biệt vì nhiều Gen Z có cách "hưởng" lễ rất đặc biệt: Đi đến những khu di tích, xem lễ thượng cờ, đặt mục tiêu check-in thật nhiều ảnh với những nơi treo cờ đỏ, lòng vòng những nơi mang đậm dấu ấn lịch sử của đất nước để cảm nhận lịch sử mình đẹp quá!
(Ảnh: Viết Thanh, @nhididau)
Không có từ ngữ nào diễn tả hết niềm tự hào và xúc động của người trẻ ngay lúc này. Lòng yêu nước của họ đã được tiếp lửa.
Đó là ngọn lửa về sự gắn kết dân tộc trong dòng người đi viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, là hàng trăm lượt thảo luận về khía cạnh văn hoá từ những màn trình diễn trên truyền hình, là muôn vàn cách sáng tạo độc đáo để tôn vinh đất nước.
Thế là họ quyết định: Mình cũng sẽ sẻ chia và truyền lửa yêu nước đến nhiều người hơn. Dù ở nơi đâu, làm gì thì những ngày lễ này, mình sẽ nhớ về những điều đẹp đẽ nhất!
Ở trong lòng thành phố vẫn có thể đi dưới cờ sao: "Cảm giác đó thật đặc biệt"
Mọi năm, Thuý Vy (SN 1998, sinh sống và làm việc tại TP.HCM) vẫn nhân dịp lễ 2/9 để tranh thủ du lịch khắp núi biển. Nhưng năm nay, bạn ở trong thành phố chẳng vì lý do gì cao xa. Chỉ đơn giản là với bạn, không nơi nào có nhà cửa san sát, treo cờ đỏ thắm đẹp như thành phố mình đang sống.
"Năm nay mình đón Quốc Khánh với tâm thế khác hẳn. Tự nhiên nghĩ đến mấy ngày lễ lấy xe máy chạy khắp phố phường xem cờ tổ quốc bay phấp phới lại khiến mình xúc động và muốn trải nghiệm hơn hẳn là đi du lịch nơi xa. Không khí đó, chỉ quan sát và cảm nhận thôi cũng đã đủ đặc biệt."
Trên MXH, một công cuộc "sơn đỏ" mọi nền tảng khi nhiều bạn trẻ đồng lòng đăng tải hình ảnh bên cờ sao nhân Tết Độc Lập.
Hà Ngân (SN 2004, học tập tại Hà Nội) đăng tải hình ảnh mình cầm cờ đỏ, mặc áo dài yếm cách tân chụp tại một con ngõ treo cờ Tổ Quốc ở thủ đô. Bài viết nhanh chóng viral, với hàng loạt người dùng cũng muốn chụp hình như Hà Ngân: "Mình xin địa chỉ với ạ"; "Cậu ơi chỗ này đoạn này thế"; "Mọi người biết điểm nào giống vậy không ạ?".
Trong bức ảnh, đằng sau Hà Ngân là đông đúc người chụp hình. Tất cả đồng lòng mặc áo dài, tạo dáng bên cạnh bức tường có hình bản đồ Tổ quốc. Với Hà Ngân và rất nhiều bạn trẻ ghé thăm con ngõ, họ thấy cái đẹp nhất để biến nơi này thành địa điểm khiến bạn trẻ muốn ghé thăm là:
"Vì con ngõ được treo cờ đỏ thắm. Mình đã từng đi qua nơi ấy nhiều lần và mỗi lần nhìn thấy hình ảnh của con ngõ này mình lại cảm thấy rất vui và tự hào trong lòng. Vì thế nên mình muốn lưu giữ hình ảnh với con ngõ này, không phải nơi nào cũng luôn xinh đẹp và rực rỡ cờ hoa đến thế. Mình nghĩ đó cũng là cảm nhận chung của các bạn trẻ khác khi đến nơi đây check-in."
Tự hào không kể hết!
"Hình dáng" lòng yêu nước của Gen Z
Thảo Nhi (SN 1999, chủ blog @nhididau, làm việc tại TP.HCM) cho hay: "Lễ 2/9 hằng năm mình vẫn hay về Gia Lai với gia đình, nhưng năm nay mình ở lại TP.HCM để đón lễ. Dù ghé thăm những địa điểm lịch sử trong thành phố đã nhiều lần nhưng mình vẫn muốn đến những nơi quen thuộc ấy. Vì mỗi lần đến, bản thân mình lại có cảm xúc khác nhau, của sự biết ơn, của sự tự hào."
Với Nhi, màu sắc của những địa điểm trên vào lễ Quốc Khánh gợi nên những cảm xúc đặc biệt hơn bất kỳ ngày nào trong năm.
Thu Huyền (SN 2000, sinh sống và làm việc tại TP.HCM) tuy vừa ghé thăm Dinh Độc Lập trong dịp lễ 30/4 - 1/5, bạn vẫn tiếp tục ghé thăm trong lễ 2/9 bởi thời gian vừa qua, lướt thấy những thông tin về lịch sử trên MXH khiến bạn rất muốn được gắn kết và tìm hiểu cặn kẽ hơn từ những di tích của đất nước: "Lần trước mình chỉ đến để chụp hình là chủ yếu vì ấn tượng với kiến trúc và ánh sáng của Dinh. Nhưng lần này, mình sẽ dành nhiều thời gian hơn để thấu hết những khía cạnh lịch sử."
Trùng hợp sao, nơi lưu giữ những trang sử, trang văn hoá hào hùng của dân tộc là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cũng mới vừa thay "áo mới", gần dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, và cũng rất gần với Quốc Khánh.
Những ngày gần lễ, không ít bạn trẻ ghé thăm bảo tàng từ sớm. Gặp gỡ Thuỳ Dung (sinh viên tại TP.HCM), khi cô đến bảo tàng trước lúc về lại quê nhà tại Vũng Tàu.
Cô bạn chia sẻ: "Tình yêu nước là vốn có, nhưng hiểu thêm về quá trình dựng nước, giữ nước của cha ông thì càng khiến cho mình thêm biết ơn, thêm muốn giúp sức. Lịch sử đã được xây dựng bằng máu thịt và nhiều công sức của cha ông, nếu trong tương lai mình quên đi lịch sử này thì sẽ phải học lại bằng máu thịt khác."
Các bạn trẻ ghé thăm bảo tàng gần dịp lễ.
Một bạn nam khác có mặt từ sớm, chăm chú đọc từng chiếc bảng thông tin nhỏ về các mẫu vật. Bạn cho biết đây là một trong những chuyến đi đến các địa điểm lịch sử nhân dịp Quốc Khánh của mình: "Bảo tàng là nơi mà các bạn trẻ có thể học hỏi và tiếp cận với lịch sử một cách trực quan nhất. Ngoài ra, mình có đặt lịch tham quan trụ sở Uỷ ban Nhân dân Thành phố. Mình đã canh lịch để đăng ký để ghé thăm vào đúng ngày 2/9 này."
Bạn cho biết, người trẻ yêu nước đặc biệt nhất chính là bằng cách chia sẻ. Sau chuyến đi, viết về những thông tin hay ho mà mình đọc được từ nguồn lịch sử chính thống, hay chỉ bằng những hình ảnh cho thấy được cái đẹp của những địa danh, chính là điều nho nhỏ để lan tỏa tình yêu tổ quốc.
Trong khi đó, có những bạn trẻ chọn đi xa hơn để về gần với lịch sử. Những ngày cuối tháng 8, Quốc Khánh (SN 2000, sinh sống và làm việc tại TP.HCM) đã rục rịch chuẩn bị cho những chuyến đi xuôi dòng lịch sử của mình.
"Mình có một tình yêu rất lớn cho từng địa danh ở Việt Nam, nơi mà mình được sinh ra và lớn lên. Tìm hiểu về du lịch Việt Nam cũng như thế giới, mình cảm thấy Việt Nam chúng ta có rất nhiều danh lam cũng như phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà mình muốn khám phá hơn cả", cậu nói.
"Khi đến nơi an nghỉ của anh hùng Kim Đồng, khu du lịch di tích Pác Bó, khu tưởng niệm Bác Hồ, được viếng thăm nơi người ở cư ngụ và hoạt động cách mạng, mình được nhìn thấy bàn đá nơi mà Bác đã ngồi để viết nên bài thơ Tức cảnh Pác Bó. Mình cảm thấy vô cùng phấn khởi, tự hào và cảm động, thực sự thấm từng câu chữ vì sao Bác lại nói rằng cuộc đời "Cách mạng thật là sang", Quốc Khánh chia sẻ về chuyến đi của mình.
Còn bạn, Lễ Quốc Khánh này, hình dáng lòng yêu nước của bạn sẽ thể hiện như thế nào?
Đời sống Pháp luật