MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không ép uổng, không cần học thêm, con vẫn đỗ trường ĐH hàng đầu thế giới nhờ cách dạy cực đơn giản của những bà mẹ đặc biệt

10-04-2022 - 00:04 AM | Sống

Không ép uổng, không cần học thêm, con vẫn đỗ trường ĐH hàng đầu thế giới nhờ cách dạy cực đơn giản của những bà mẹ đặc biệt

Nuôi dạy từ trước đến nay vẫn luôn là một vấn đề gây đau đầu với nhiều gia đình. Có hai bà mẹ không cần dùng sự ép buộc, không cần đưa con đến lớp học thêm nhưng đã có thể đưa con bước vào cánh cổng những trường đại học danh giá nhất thế giới.

Mẹ trở thành "học trò" của con trai

Theo bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới Times Higher Education (THE) 2022, Đại học Bắc Kinh, hay còn được biết đến với cái tên Bắc Đại là trường đại học tốt thứ 16 trên thế giới, đồng thời là trường đại học tốt nhất châu Á.

Thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh chính là giấc mộng của hơn chục triệu thí sinh thi đại học mỗi năm ở Trung Quốc. Điều này đúng nghĩa là “giấc mộng” bởi tỷ lệ chọi vào Bắc Đại chỉ là 0,05%.

Tuy nhiên, có một bà mẹ Trung Quốc đã trở thành "học trò" con trai mình suốt 12 năm để rồi cuối cùng cậu đã xuất sắc thi đỗ Đại học Bắc Kinh.

Nói về quá khứ, Xueba - chàng trai trong câu chuyện “lạ lùng” trên, ngượng ngùng kể rằng hồi học tiểu học, cậu không thông minh, lại chậm tiếp thu nên lúc đó cậu rất chán ghét việc học. Tuy nhiên, thay vì thúc giục cậu học hành như những bậc phụ huynh khác, mẹ cậu lại động viên con trai theo một cách khác.

Mẹ mù chữ đưa con vào Harvard, mẹ công nhân đưa con vào Bắc Đại: Không ép uổng, không cần học thêm, con vẫn đỗ trường ĐH hàng đầu thế giới nhờ cách dạy con cực đơn giản - Ảnh 1.

Một hôm, mẹ cậu về nhà với vẻ mặt ủ rũ và bảo: “Con ơi, vì mẹ không biết chữ, không có văn hóa nên đã bị nhà máy đuổi việc, bây giờ mẹ không thể tìm được việc làm. Vậy nên mẹ mong mỗi ngày sau khi đi học về, con sẽ kể cho mẹ nghe những gì con đã học ở trường.”

Nói rồi người mẹ nghiêm nghị: “Nếu mẹ cứ tiếp tục không tìm được việc vì không biết chữ, mẹ sẽ không có tiền nuôi con ăn học tiếp được.”

Cậu con trai vốn thương mẹ, nghe mẹ nói xong, lòng quyết tâm học hành liền trỗi dậy. Kể từ đó, mỗi ngày sau khi đi học về, cậu sẽ kể cho mẹ nghe những gì mình đã học được ngày hôm đó. Mẹ cậu cũng rất hợp tác, không chỉ chú ý lắng nghe mà còn lấy vở ra ghi chép từng điều cậu nói.

Cứ như thế, ngày này qua năm khác, cậu con trai vốn chẳng mấy quan tâm đến việc học đã trở thành học sinh xuất sắc nhất toàn trường. Cậu chia sẻ, cậu muốn dạy lại kiến thức đã học cho mẹ của mình nên trên lớp cậu luôn chăm chú nghe giảng để nắm vững toàn bộ bài giảng. Đồng thời. cậu cũng không muốn mình trở thành một kẻ thất học, sau này không có việc làm, lại càng sợ mình không thể tiếp tục đến trường vì không có tiền đóng học.

Bằng cách này, người mẹ đã từng bước đồng hành cũng con trai mình thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh. Sau khi vào Bắc Đại và được tiếp xúc với các lý thuyết về phương pháp học tập, cuối cùng chàng thư sinh này cũng hiểu được ý tốt của mẹ mình và phát hiện ra rằng mọi việc mẹ cậu làm hồi đó chính là một phương pháp đúng đắn.

Mẹ mù chữ đưa con trai vào Đại học Harvard

Mẹ mù chữ đưa con vào Harvard, mẹ công nhân đưa con vào Bắc Đại: Không ép uổng, không cần học thêm, con vẫn đỗ trường ĐH hàng đầu thế giới nhờ cách dạy con cực đơn giản - Ảnh 2.

Vào ngày 26 tháng 5 năm 2016, tại Lễ tốt nghiệp của Đại học Harvard, He Jiang, một sinh viên đến từ Trung Quốc đã bước lên bục giảng với tư cách đại diện tốt nghiệp xuất sắc và trở thành sinh viên Trung Quốc đầu tiên nhận được vinh dự này.

He Jiang sinh năm 1988 trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Hồ Nam. Điều khiến He Jiang ấn tượng nhất về quãng đời thơ ấu của mình là những câu chuyện trước khi đi ngủ của gia đình. Dù công việc đồng áng có mệt mỏi và vất vả như thế nào trong ngày, cha của He Jiang vẫn kể chuyện cho hai con trai nghe trước khi đi ngủ.

Mẹ của He Jiang không biết chữ, nhưng bà luôn yêu cầu hai con trai của mình tự đọc các bài học trong sách giáo khoa, sau đó bà sẽ lắng nghe hai cậu kể lại những gì đã đọc. Dần dần, cuộc trò chuyện của ba mẹ con biến thành một lớp học nhỏ.

Mẹ mù chữ đưa con vào Harvard, mẹ công nhân đưa con vào Bắc Đại: Không ép uổng, không cần học thêm, con vẫn đỗ trường ĐH hàng đầu thế giới nhờ cách dạy con cực đơn giản - Ảnh 3.

Mẹ của He Jiang tỏ ra vô cùng hào hứng trong “lớp học” này, còn He Jiang và em trai của anh ấy dần dần yêu thích vai trò làm “giáo viên” cho mẹ mình. Bằng cách này, He Jiang và em trai của mình học tập ngày càng tiến bộ, He Jiang được nhận vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, sau đó tiếp tục học tiến sĩ tại Đại học Harvard danh giá..

Phương pháp Feynman: tiếp thu toàn diện, làm chủ kiến thức

Cả 2 bài mẹ trên đều tuân theo phương pháp và quan niệm học tập của nhà giáo dục Feynman.

Richard Feynman (1918-1988) nhà vật lý người Mỹ gốc Do Thái thiên tài của thế kỷ 20. Ông là người đầu tiên đưa ra khái niệm nanomet và đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1965.

Ông cũng là người phát minh ra một phương pháp học tập được đặt theo tên của ông, dựa trên những kinh nghiệm của chính mình. Điểm cốt lõi của phương pháp Feynman là: “Giả sử bạn là giáo viên và cần phải giải thích nội dung bài học mới mẻ hoàn toàn với học sinh bằng cách diễn đạt đơn giản và dễ hiểu nhất. Nếu học sinh của bạn không hiểu thì bạn cần phải tiếp tục giảng dạy bằng mọi cách đến khi học sinh có thể hiểu được hoàn toàn”.

Phương pháp học tập Richard Feynman được gói gọn trong 4 bước:

1. Chọn 1 chủ đề mà bạn muốn hiểu về nó và bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu

Viết tất cả những gì bạn biết về chủ đề mình quan tâm trên một trang sổ tay và cứ mỗi lần tìm hiểu về nó, bạn sẽ viết thêm một điều mới mẻ vào.

2. Dạy cho người khác về chủ đề mình quan tâm trong một lớp học

Hãy chắc chắn rằng chủ đề bạn đang nói được diễn giải bằng các thuật ngữ đơn giản nhất.

3. Quay trở lại những cuốn sách khi bạn gặp khó khăn

Những lỗ hổng kiến thức sẽ dần xuất hiện trong quá trình bạn nghiên cứu về chủ đề mình quan tâm. Vì vậy, việc xem xét phạm vi xung quanh chủ đề này cho tới khi bạn có thể giải đáp được những vấn đề mình đang thắc mắc một cách đầy đủ.

4. Đơn giản hóa ngôn ngữ diễn đạt

Lặp lại quy trình trong khi đơn giản hóa ngôn ngữ của bạn và kết nối các sự kiện tương tự để củng cố sự hiểu biết thêm về vấn đề mình đang tìm hiểu.

Kỹ thuật Feynman là phương pháp hoàn hảo để học một ý tưởng mới, hiểu rõ hơn về điều mình quan tâm, ghi nhớ hoặc nghiên cứu cho một bài kiểm tra. Phương pháp học này khiến cuộc sống của nhiều người đã tốt lên nhưng chỉ những ai thực sự nghiêm túc thì nó mới phát huy được tính hiệu quả cao.

Theo Sohu

https://cafef.vn/me-mu-chu-dua-con-vao-harvard-me-cong-nhan-dua-con-vao-bac-dai-khong-ep-uong-khong-can-hoc-them-con-van-do-truong-dh-hang-dau-the-gioi-nho-cach-day-con-cuc-don-gian-20220408222352341.chn

Thanh Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên