MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mẹ Mỹ tiết lộ những bí mật đáng ngưỡng mộ trong cách nuôi dạy con của mẹ Nhật sau khi sống ở đất nước này

15-08-2020 - 18:08 PM | Sống

Không phải tự nhiên mà cả 2 bà mẹ Mỹ này đều vô cùng ngưỡng mộ mẹ Nhật sau một khoảng thời gian họ sinh sống ở đất nước mặt trời mọc. Đằng sau những em bé Nhật tự lập, tự đi đến trường ẩn chứa nhiều bí mật đáng ngưỡng mộ.

Kate Lewis, một nhà văn tự do người Mỹ

Kate Lewis đã sống ở Nhật Bản gần một năm cùng gia đình. Cô thích đi du lịch muôn nơi và luôn đưa các con theo cùng trên mọi hành trình khám phá. Cuối cùng cả gia đình quyết định dừng dân tại đất nước mặt trời mọc.

Sau quãng thời gian sống ở Nhật, bà mẹ này đã có lúc cảm thấy choáng váng, lúc lại thấy nể phục và ấn tượng với cách dạy con của người Nhật. Cô đã đúc rút những trải nghiệm của mình về cách các bà mẹ ở đất nước xứ sở hoa anh đào dạy con.

1. Học cách buông tay con

Công cuộc đó bắt đầu từ từ. Khi bé mới đi học mẫu giáo, nhà trường khuyến khích phụ huynh đến dự lớp học. Mẹ có thể tham gia các buổi học hoặc hoạt động ngoại khóa đầu tiên cùng bé. Và một tháng sau, bé đã có thể học và chơi ở lớp mà không có mẹ đi cùng.

Mẹ Mỹ tiết lộ những bí mật đáng ngưỡng mộ trong cách nuôi dạy con của mẹ Nhật sau khi sống ở đất nước này - Ảnh 1.

Bằng cách này, trẻ em Nhật Bản dần xây dựng được tính cách độc lập. Chỉ có 1,7% trẻ em Nhật Bản đến trường mẫu giáo bằng xe bus. Nhiều trường còn cấm phụ huynh đưa đón bằng ô tô. Vì thế, trẻ bắt buộc phải tự đi bộ đến trường. Tất nhiên cha mẹ không chỉ việc đưa bé ra khỏi cửa, bảo bé đến trường mà còn phải hỗ trợ bé thực hành lối sống độc lập ấy. Ví dụ như để bé tự mình mua hàng, trả tiền, nhận tiền thừa với cha mẹ đứng sau quan sát và hướng dẫn, đồng thời giúp bé tự tin hơn.

2. Tin tưởng cộng đồng

Xã hội Nhật Bản cũng góp phần rất lớn trong việc giúp trẻ em trở nên độc lập hơn. Nếu một người hàng xóm thấy bé lang thang chơi một mình, họ sẽ không gọi cảnh sát mà thay vào đó, họ giúp đỡ bé. Vì sự hỗ trợ của cộng đồng, các bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn trong việc để con mình tự lập.

Một quãng đường đến trường cho trẻ em Nhật Bản đầy những tình nguyện viên gác ở ngã tư, những biển báo cửa hàng hoặc nơi trú ẩn an toàn phòng trường hợp khẩn cấp, chuông ở khu dân cư nhắc nhở trẻ em đang chơi bên ngoài về nhà ăn tối. Bằng cách này, trẻ em Nhật Bản vừa có thể vui chơi tự do và độc lập trong khuôn khổ cho phép, vừa được đảm bảo an toàn.

3. Từng bước nhận trách nhiệm

Trẻ cũng tiếp xúc với việc nhận trách nhiệm với cộng đồng theo từng bước. Trong bản báo cáo cuối buổi học đầu tiên, các cô giáo nói một số bé không thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Điều này giống như một lời nhắc nhở với các phụ huynh về việc rèn tính trách nhiệm cho con. Trường mẫu giáo sẽ củng cố kỹ năng này bằng cách yêu cầu bé dọn dẹp trên lớp. Khi lên tiểu học, có khi bé sẽ phải quét dọn toàn bộ trường học. Làm được điều đó, bé không chỉ trở nên độc lập trong cuộc sống của bản thân mà còn có thể giúp ích cho cộng đồng.

Mẹ Mỹ tiết lộ những bí mật đáng ngưỡng mộ trong cách nuôi dạy con của mẹ Nhật sau khi sống ở đất nước này - Ảnh 2.

Trẻ em Nhật tự dọn dẹp, làm vệ sinh lớp học.

4. Độc lập là bài học suốt đời

Độc lập là cả một hành trình dài để học tập. Thấm nhuần những kỹ năng độc lập sớm sẽ mang đến cho bé sự tự tin để làm chủ đời mình, không đơn thuần chỉ là việc đi bộ đến trường hay mua hàng ngoài tiệm. Cuộc sống đầy những thách thức mà nếu không vững tâm, bé sẽ bỏ cuộc trước những khó khăn trập trùng. Đây chỉ là một bước nhỏ trong việc giúp trẻ hướng đến một tương lai rực rỡ thành công.

Maryanne Murray Buechner - Nữ nhà văn tự do người Mỹ

Cô Maryanne Murray Buechner là một nhà văn tự do kiêm cố vấn biên tập đến từ Florida, Mỹ. Bà mẹ này cùng chồng và hai con đã sống ở Tokyo, Nhật Bản từ năm 2007 đến năm 2012 và quãng thời gian này đã cho cô rất nhiều bài học quý giá về cách cha mẹ Nhật dạy con.

Mẹ Mỹ tiết lộ những bí mật đáng ngưỡng mộ trong cách nuôi dạy con của mẹ Nhật sau khi sống ở đất nước này - Ảnh 3.

Cô Maryanne Murray Buechner chụp ảnh khi ở Nhật.

5. Mẹ Nhật không buôn chuyện về những đứa con

Trong khi các bà mẹ Mỹ sẵn sàng "bô bô" về các rắc rối của con, thì phụ nữ Nhật Bản lại có xu hướng giữ chúng như chuyện cá nhân, họ chỉ chia sẻ với họ hàng/bạn bè thân nhất của họ. Và đơn giản chỉ là nhắc đến việc thằng nhóc con của bạn chơi cho đội bóng đá này có thành tích học tập ra sao cũng đều được coi như khoe khoang quá lố.

Nhưng cũng đừng nhầm lẫn, dạy con ở Nhật Bản cũng siêu cạnh tranh, và có rất nhiều áp lực nếu muốn con chắc chắn được nhận vào các trường tốt, ví dụ như việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh là hết sức nghiêm túc.

6. Kiềm chế các biểu hiện bản ngã của con trẻ

Đây là một thông điệp cha mẹ Nhật truyền đạt cho con cái của họ ngay từ đầu: luôn luôn nghĩ đến người khác và hành động phù hợp để giúp gìn giữ hòa khí. Bất cứ nơi nào chúng tôi ở, trong một nhà hàng hay bảo tàng hoặc siêu thị, đường cho người đi bộ hoặc đường mòn leo núi, tôi thích nhìn thấy trẻ em Nhật Bản bình tĩnh và điềm đạm trong khi mấy đứa con của tôi thì xô đẩy nhau, tám chuyện ầm ĩ. Và bạn cũng không cần phải hét lên để nói chuyện giữa một đám đông ở Tokyo.

Mẹ Mỹ tiết lộ những bí mật đáng ngưỡng mộ trong cách nuôi dạy con của mẹ Nhật sau khi sống ở đất nước này - Ảnh 4.

Mẹ Nhật dạy con luôn luôn nghĩ đến người khác và hành động phù hợp để giúp gìn giữ hòa khí

7. Hết sức chu đáo khi chuẩn bị đồ ăn cho con

Các bà mẹ Nhật Bản đặt ra các tiêu chuẩn rất cao cho các món ăn trong hộp cơm của con cái. Họ dậy sớm để chuẩn bị những hộp cơm bento vừa tốt cho sức khỏe vừa có tính thẩm mỹ. Mỗi hợp cơm bento không chỉ đầy đủ chất dinh dưỡng với cơm, cá, rau, thịt... mà còn giống như những món quà thú vị mà mỗi bà mẹ Nhật muốn gửi gắm cho con, mong mang lại niềm vui, sự bất ngờ cho con.

Nhìn vào mỗi hộp cơm bento cầu kì, bắt mắt đủ thấy được sự quan tâm và thương yêu đong đầy của những bà mẹ Nhật. Vì thế, với trẻ em Nhật, việc mang theo hộp cơm trưa do mẹ tự tay chuẩn bị luôn là một niềm vui, niềm tự hào nho nhỏ hàng ngày. Còn với các bà mẹ, đó cũng giống như một cách để trao yêu thương cho con.

Theo Giangc

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên