MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do

09-06-2022 - 21:25 PM | Tài chính quốc tế

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do

Forest City là một khu bất động sản sang trọng nằm ở miền nam Malaysia. Đây là một trong những dự án gây tranh cãi nhất lịch sử đất nước. Sau 6 năm phát triển, dự án trị giá 100 tỷ USD trở thành một thị trấn ma.

Khu bất động sản nằm ở Johor Bahru, Malaysia, ngay phía bắc Singapore. Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, là đơn vị xây dựng dự án. Forest City có diện tích lớn trải rộng trên 1.740 ha, gấp 4 lần diện tích của công quốc Monaco. Dự kiến ban đầu sẽ có 700.000 người sinh sống trong khu chung cư này.

Nhưng theo một báo cáo năm 2019 của Foreign Policy, tính đến năm 2019, chỉ có khoảng 500 người sống trong các toà nhà. Một chuyên gia giấu tên cho biết kể từ đó, số dân cư ở Forest City đã tăng lên vài nghìn người, nhưng vẫn chưa đến 5% số dân cư dự kiến.

Đầu tháng 5, nhân viên của Insider tại văn phòng Singapore Marielle Descalsota đã có chuyến bay đến Malaysia để khám phá Forest City. Trong khi chờ đợi tại sân bay ở Johor Bahru, Marielle đã hỏi han một vài người dân địa phương về dự án Forest City. Nhiều người trong số họ không hề biết gì hoặc biết một cách mơ hồ về khu bất động sản này.

Khi tài xế lái xe vào thành phố, cô bị ấn tượng bởi quy mô của khu vực này, giống như được bước vào một bộ phim viễn tưởng. Chiếc taxi tiến vào thành phố, những công trình hiện đại lần lượt hiện ra. Hàng chục toà chung cư sang trọng, phòng trưng bày, trung tâm mua sắm, trường học quốc tế và 2 resort nằm trong dự án.

Nhưng có một thứ mà Marielle không nhìn thấy đó là dấu hiệu của sự sống.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 1.

Marielle trên chuyến xe vào thiên đường giấc mơ mang tên Forest City ở Malaysia. Ảnh: Marielle Descalsota/Insider

Khi đến khu vực đã được cải tạo, cô đã ghé qua phòng trưng bày của Forest City. Một mô hình lớn của toàn bộ công trình được đặt ở trung tâm căn phòng. Nhiều căn hộ được dán nhãn "sold out" (đã bán hết).

Nhà phát triển bất động sản Country Garden cho biết đến nay họ đã đã bán được hơn 20.000 căn hộ. Không rõ chính xác có bao nhiêu căn được xây dựng tại Forest City.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 2.

Mô hình Forest City. Ảnh: Marielle Descalsota/Insider

Giá trong khu phát triển đã tăng vọt trong vài năm qua. Năm 2017, giá nhà khởi điểm ở Forest City là 740.864 ringgit Malaysia (170.000 USD).

Hiện tại, các căn chung cư trong khu phát triển bán lẻ với giá 5 triệu ringgit Malaysia (1,14 triệu USD). Để dễ hình dung, giá nhà trung bình ở Johor Bahru, nơi có Forest City, là 619.633 ringgit Malaysia (141.000 USD).

Marielle sau đó đến một khu chung cư có tên Kylin Apartment Complex. Toà nhà trông đủ lớn để chứa hàng trăm người, nhưng những con đường dẫn đến toà chung cư lại vắng tanh, chỉ lác đác một vài chiếc ô tô.

Một lần nữa, Marielle phải cảm thán rằng những công trình xây dựng với quy mô khổng lồ gần như không có sự hiện diện của con người.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 3.

Một chung cư phức hợp ở Forest City. Ảnh: Marielle Descalsota/Insider

Một nhân viên giấu tên khác cho biết có khoảng 20 người sống trong khu phức hợp. Mặc dù vậy, theo báo cáo năm 2022 của Malaysia Now, nhiều toà nhà vẫn được các công nhân và lao công bảo trì, dọn dẹp thường xuyên.

Hầu hết cửa hàng mà Marielle nhìn thấy trong khu phức hợp đều đóng cửa, trống rỗng hoặc bị bỏ hoang. Nhà hàng Trung Hoa Shun De Gong và trung tâm tổ chức tiệc cưới Venlis của Singapore là một trong những doanh nghiệp từng hoạt động gần đó.

Một nhân viên cho biết các cửa hàng bị đóng hoặc bỏ trống đã hơn 2 năm. Nhiều không gian bày bán sản phẩm đã trở thành kho lưu trữ với những thùng carbon xếp chồng.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 4.

Hầu hết các hàng quán ở Forest City đều đóng cửa. Ảnh: Marielle Descalsota/Insider

Trên đường đi, Marielle nhìn thấy có 3 quán ăn mở cửa. Cho dù vậy, cô chỉ thấy một số ít người dùng bữa tại các cửa hàng đó.

Có hai khu nghỉ dưỡng ở Forest City. Vào thời điểm Marielle đến thăm, nhân viên bảo vệ tại Kylin Apartment Complex cho biết một trong số hai resort đã đóng cửa được 2 năm. Ở đằng sau, chuồn chuồn đang đẻ trứng trên mặt hồ bơi và nước dường như đã đổi màu.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 5.

Một bể bơi ở Khánh sạn Forest City Marina. Ảnh: Marielle Descalsota/Insider

Những cánh cửa ngả màu của Khánh sạn Forest City Marina đã bị khóa nhưng vẫn có một bảo vệ gác sảnh ở bên trong. Một khách sạn còn lại trong khu vực là Forest City Golf Hotel. Marielle đã dành 3 đêm trong căn phòng hạng sang ở đó. Khác với không khí ảm đạm ở Forest City, khách sạn này nhộn nhịp với nhiều người ra vào, hầu hết là những người đam mê chơi golf trong vùng.

Khi đến bãi biển, Marielle thấy một địa điểm tổ chức đám cưới ngoài trời. Giàn cây được trồng hoa tươi, tạo điểm nhấn cho những băng ghế dài và cột bị hoen ố. Cô đã tìm kiếm trên mạng để xem thông tin các cặp từng kết hôn tại đây nhưng không tìm thấy một ai.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 6.

Một phần trung tâm thương mại. Ảnh: Marielle Descalsota/Insider

Marielle lại tình cờ đến trung tâm thương mại, nơi có ánh đèn leo lét và mùi thuốc lá thoang thoảng trong không khí. Những tấm biển "Cấm hút thuốc" được dán trên tường.

Trung tâm mua sắm ở Forest City rất lớn, nhưng ngoại trừ một quán café, hầu như không có cửa hàng nào hoạt động. Tàn thuốc lá vương vãi trên thang cuốn và sàn nhà.

Cửa hàng đông đúc bận rộn nhất suốt toàn bộ chuyến đi của Marielle là cửa hàng miễn thuế. Hầu hết mọi người đến cửa hàng để mua rượu và thuốc lá. Khách hàng được phép mua tối đa một thùng bia. Forest City có các trạm kiểm soát để đảm bảo các mặt hàng miễn thuế không bị tuồn ra ngoài.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 7.

Cửa hàng miễn thuế ở Forest City. Ảnh: Marielle Descalsota/Insider

Khi trời chạng vạng, một số nhóm người bắt đầu tụ tập tại sảnh trung tâm mua sắm và uống rượu. Phần lớn trong số họ không phải người sống ở Forest City mà đến từ các vùng khác của Malaysia.

Nhưng các vấn đề của Forest City không chỉ đơn thuần là sự thờ ơ của khách hàng và du khách mà còn sâu xa hơn thế. Trong khi được ca ngợi như một "thiên đường sống" và một "thành phố xanh tương lai", một số chuyên gia mô tả khu vực này như một quả bom sinh thái đầy hiểm hoạ.

Một phần của Forest City được xây dựng trên vùng đất khai hoang từ eo biển Johor. Khoảng 163 triệu mét khối cát đã được đổ ra biển để xây dựng thành phố.

Một số chuyên gia cho rằng tốc độ xây dựng nhanh chóng cùng với việc khai hoang đất là một sự kết hợp nguy hiểm.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 8.

Một phần bản đồ của Johor Bahru. Ảnh: Google Maps

Serina Rahman, một nhà khoa học và nhà nghiên cứu ở Malaysia, cho biết, mặc dù sử dụng những công nghệ tân tiến để khai hoang và xây dựng, cát đổ xuống đáy biển vẫn cần nhiều thời gian hơn để lắng và ổn định. Một số tòa nhà đã xuất hiện các vết nứt và các đoạn đường đã bị sụt lún.

Country Garden nói với Marielle rằng công ty đã được phê duyệt và cấp giấy phép có liên quan và việc xây dựng thành phố cũng là "phù hợp với luật pháp và quy định". Công ty nói thêm rằng họ không bao giờ bỏ qua vấn đề về cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường và các sáng kiến CSR (trách nhiệm xã hội doanh nghiệp).

Một số người dân địa phương và các chuyên gia cho biết việc xây dựng Forest City đã gây ra một thiệt hại đặc biệt cho những ngư dân sống ở những làng chài gần đó. Để tìm hiểu sâu hơn, Marielle đến một làng chài và gặp Serina, nhà khoa học có nghiên cứu tập trung vào ảnh hưởng của Forest City đối với làng chài.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 9.

Một chợ hải sản ở làng chài. Ảnh: Marielle Descalsota/Insider

Trong một báo cáo năm 2017, Serina đã ghi lại những thách thức mà dự án xây dựng như Forest City ảnh hưởng đến kế sinh nhai của ngư dân. Serina viết rằng một số ngư dân không được Bộ Thuỷ sản cấp phép. Những ngư dân không có giấy phép sau đó bị loại khỏi các chương trình trợ cấp và không đủ điều điện để các nhà phát triển bồi thường.

Mô hình khai hoang đất ở eo biển Johor dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng lượng cá mà ngư dân địa phương có thể đánh bắt. Serina cho biết ngư dân khó có thể bắt được khoảng 20kg cá khi ra khơi. Thuyền của họ thì nhỏ mà lại phải đi xa bờ hơn khiến công việc của ngư dân ngày càng nguy hiểm. Một người dân địa phương than thở rằng họ sẽ chết trước khi bắt được cá.

Theo một báo cáo năm 2018 từ trang môi trường Mongabay, Country Garden đã chi 25 triệu USD bồi thường cho khoảng 250 ngư dân vì sản lượng đánh bắt của họ sụt giảm.

Mệnh danh là ‘thiên đường’ 100 tỷ USD, khu bất động sản cao cấp của một quốc gia Đông Nam Á biến thành thị trấn ma chỉ vì một lý do - Ảnh 10.

Forest City buổi tối. Ảnh: Marielle Descalsota/Insider

Khi trời tối, xung quanh khu phát triển lặng như tờ. Các toà nhà chọc trời vẫn tối om với vài căn hộ sáng đèn. Muhammad Najib Razali, giáo sư bất động sản tại Đại học Công nghệ Malaysia, đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về quy hoạch đô thị và bất động sản ở Johor Bahru. Marielle gặp Najib ở Forest City để biết lý do tại sao các căn chung cư lại không có người mua.

Ông nói lý do chính là ở các căn hộ đắt tiền. Người dân địa phương không đủ khả năng chi trả cho chúng. Mức lương trung bình hàng năm ở Malaysia là 24.744 ringgit Malaysia (khoảng 5.651 USD) vào năm 2020.

Đối với khách hàng nước ngoài, một trở ngại tồn tại khiến họ không mua được nhà. "Chúng tôi đã nói chuyện với nhà phát triển và họ nói rằng khách hàng mục tiêu chính là người Singapore và người nước ngoài", ông Najib nói.

Nhưng người Singapore đã được can ngăn vì nhiều dự án thất bại ở Malaysia. Năm 2021, cả nước có 79 dự án nhà ở bị bỏ hoang. Mặc dù Forest City vẫn đang trong quá trình phát triển, nhưng cái danh thị trấn ma khiến dự án không thể thu hút được người mua trên toàn cầu.

Ông cho biết: "Những căn chung cư này đã không thu hút được người Singapore, những người thích đến xem và tận mắt chứng kiến căn nhà trước khi mua".

Về phần mình, Country Garden tin rằng dự án sẽ phát triển mạnh trong tương lai, mặc dù đó có thể không phải là tương lai gần. Công ty Country Garden cho biết: "Khi các hoạt động kinh tế tiếp diễn và lệnh cấm đi lại được dỡ bỏ, chúng tôi đang mong muốn Forest City sẽ phát triển mạnh trở lại. Quá trình này chắc chắn sẽ mất một thời gian và không có hiệu quả ngay lập tức".

Nguồn: BI

https://cafef.vn/menh-danh-la-thien-duong-100-ty-usd-khu-bat-dong-san-cao-cap-cua-mot-quoc-gia-dong-nam-a-bien-thanh-thi-tran-ma-chi-vi-mot-ly-do-20220609172033982.chn

Thiên Di

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên