Metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn 1.900 tỷ đồng: Nguyên nhân do đâu?
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vừa được Thủ tướng đồng ý với đề xuất của UBND TP Hà Nội tăng thêm hơn 1.900 tỉ đồng. Con số này là hệ quả của việc chậm tiến độ đến 2027.
- 31-05-2023Metro Nhổn - ga Hà Nội 'đội' vốn gần 2.000 tỷ đồng, năm 2027 mới xong
- 30-04-2023Metro Nhổn - Ga Hà Nội thi công 3 ca xuyên kỳ nghỉ lễ
- 21-12-2022Metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm đạt hơn 99%
Nguyên nhân metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn
Thủ tướng vừa nhất trí với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro Nhổn - ga Hà Nội từ năm 2009 - 2027. Tổng đầu tư dự án hơn 34.800 tỉ đồng, tăng thêm hơn 1.900 tỉ đồng. Trước đó, trong tờ trình gửi Thủ tướng về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.
Lý giải về việc chậm tiến độ, đội vốn thêm 1.900 tỷ đồng, TP Hà Nội cho biết có 4 nguyên nhân chủ quan chính, đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của thành phố đối với dự án chưa sát sao, quyết liệt; Năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội) và sự phối hợp giữa tư vấn chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan còn nhiều hạn chế, yếu kém; Năng lực của Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (nhà thầu thực hiện gói thầu CP05) hạn chế. Và đặc biệt, rát chậm trễ, và gặp rất nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công.
Đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử nghiệm. (Ảnh: TTXVN)
Các nguyên nhân khách quan gồm: các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành; vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; cơ chế, chính sách và quy định về giải phóng mặt bằng phức tạp; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư sau điều chỉnh sẽ gồm vốn vay ODA trị giá hơn 24.780 tỉ đồng. Vốn đối ứng từ ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng. Điều chỉnh thời gian thực hiện từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Năm 2023 sẽ đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao, năm 2027 đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến (bao gồm cả đoạn ngầm). Khi nhìn nhận vào vấn đề chậm trễ của dự án Metro Hà Nội, bài học quản trị Nhà nước trong quản lý dự án ODA đã từng được nhận định là một vấn đề.
Bên cạnh việc điều chỉnh vốn, thời gian thực hiện dự án cũng được điều chỉnh. Từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Năm 2023 sẽ đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao, năm 2027 đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến (bao gồm cả đoạn ngầm).
Chưa có tiền lệ đền bù giải phóng mặt bằng phần ngầm dưới lòng đất
Một trong số nhóm nguyên nhân chính khiến dự án bị chậm tiến độ được TP Hà Nội đưa ra như: chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Phải mất hơn 10 năm thì Metro Nhổn Ga Hà Nội mới có đủ mặt bằng sạch phục vụ công tác thi công, đặc biệt là phần thi công ống metro ngầm. Giống như các dự án đi nổi trên mặt đất, Nhổn Ga Hà Nội cũng vướng mắc trong việc đề bù giải phóng mặt bằng do người dân chưa chấp nhận mức giá đền bù không sát giá thị trường.
Đặc biệt hơn, dự án này còn gặp phải tình huống chưa có tiền lệ. Đó là phải đền bù di dời cả những phần ngầm dưới mặt đất - là những hệ thống móng cọc nhà cao tầng, ảnh hưởng tới an toàn của những tòa nhà trên mặt đất.
Chưa có cơ chế hỗ trợ cho các tòa nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dưới mặt đất khiến dự án chậm tiến độ nhiều năm
Đoạn tuyến đi ngầm của Metro Nhổn Ga Hà Nội dài hơn 4km tại địa bàn 2 quận Ba Đình, Đống Đa. Có tới 7 công trình nhà phải phá dỡ, 43 hộ dân phải di dời đi tạm cư trong quá trình thi công tuyến ngầm phía dưới. Vướng mắc về khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ cho các tòa nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công dưới mặt đất khiến dự án chậm tiến độ nhiều năm.
TP Hà Nội đã phải thực hiện 1 cơ chế riêng để đền bù phần ngầm của các công trình là việc chưa có tiền lệ. Song qua dự án này, chắc chắn các cơ quan quản lý sẽ phải tính đến việc quy hoạch ngầm và các điều kiện đảm bảo an toàn cho các công trình giao thông ngầm.
Hiện tiến độ tổng thể chung của dự án đạt 76,5%, trong đó đoạn trên cao đạt 99%, đoạn ngầm bao gồm 4 ga ngầm và 4 km đường hầm đạt 33%.
Đi cùng với sự đồng ý với đề xuất tăng thêm vốn cho dự án metro hay còn gọi là đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các Hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho dự án.
Về phía UBND TP Hà Nội, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án bảo đảm tổng mức đầu tư, vốn vay ODA, vốn ngân sách đối ứng của thành phố Hà Nội không vượt mức vốn được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Thủ tướng lưu ý sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ đầy đủ và đúng hạn, cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ. Chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do gia hạn thời gian thực hiện, nguồn vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn, chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành…
Chúng ta cần phải thực thi nghiêm những chỉ đạo này và hơn nữa là cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và hoàn thiện những vấn đề còn bỏ ngỏ và thiếu sót những năm qua. Đây là cơ sở để phát triển phương tiện giao thông công cộng, giảm phát thải, đạt mục tiêu phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị.
VTV.VN