Metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ và câu chuyện "trách nhiệm"
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội - Ảnh: VGP
Vốn đã cấp đủ, nhưng dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội giờ vẫn chậm tiến độ tới 7 năm.
- 09-08-2022Từ một tỉnh thuần nông, địa phương này thay đổi ra sao để dẫn đầu về thu nhập bình quân đầu người?
- 07-08-2022Vùng kinh tế nào thu hút FDI nhiều nhất 7 tháng đầu năm 2022?
- 03-08-2022Địa phương từng xếp thứ 45/63 về thu hút FDI thay đổi thế nào kể từ khi được Samsung đầu tư?
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội , ngày 7/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị nhà thầu thi công và TP Hà Nội liên quan đến dự án này.
Tại chuyến thị sát, Thủ tướng đã đi xuống công trường ngầm ga S9 dưới lòng đất, ngồi tàu từ ga S8 ngược về khu đề-pô và gặp gỡ nhà thầu đang trực tiếp thi công để lắng nghe những vướng mắc, để có những chỉ đạo kịp thời để thúc đẩy tiến độ của dự án này.
Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm khiến dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư, thành phố Hà Nội, đơn vị tư vấn, nhà thầu. Theo đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và Hà Nội được Thủ tướng đánh giá là chưa hiệu quả, vướng mắc phát sinh không kịp thời được xử lý. "Nếu không có giải pháp quyết liệt thì dự án có thể tiếp tục kéo dài và xuất hiện các vấn đề khác". - Thủ tướng nói.
Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km. Tuyến đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km. Dự án đang triển khai thi công 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị và gói thầu tư vấn chung thực hiện dự án.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt 74,36%.trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,1%.
Do gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí nên Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết sẽ đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 34.532 tỷ đồng, tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói, mặc dù chỉ có chiều dài 12,5km, nhưng 14 năm sau lễ động thổ (2008), đến giờ, metro này đang tồn tại với hình ảnh tôn quây, hố đào, công trường bỏ hoang, khiếu tố kiện tụng khắp nơi. Mốc dự kiến hoàn thành 2015 giờ xin được lùi tới năm 2027. Còn tổng số vốn đầu tư thì từ 18.400 tỷ đồng giờ đã đội vốn lên tới 34.532 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra khu vực thi công ga S9 Kim Mã - Ảnh: TTXVN
Thực tế, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đã được lãnh đạo Chính phủ các thời kỳ rất quan tâm. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có ba văn bản tháo gỡ khó khăn cho dự án, nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và Hà Nội chủ động thực hiện nhiệm vụ, tránh đùn đẩy trách nhiệm.
Dự án được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Do chậm tiến độ quá lâu, mới đây, đại diện các nhà tài trợ đã cùng ký văn bản gửi Thủ tướng đề nghị gỡ vướng cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Trong kiến nghị gửi tới Thủ tướng, các nhà tài trợ đã kêu ca rất nhiều về tình trạng thi công khu đề-pô quá chậm.
Nội dung văn bản nêu rõ, trong 2 năm qua, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) - nhà thầu thi công khu đề-pô dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội - đã ngừng huy động nhân lực, máy móc, hoặc không có công nhân làm việc tại công trường do các vướng mắc hợp đồng. "Có vẻ như Hancorp không thể hoặc không sẵn sàng bố trí các nguồn lực cần thiết để hoàn thành hợp đồng đã ký kết", nội dung văn bản của nhóm nhà tài trợ nêu.
Cũng theo đại diện các nhà tài trợ, nếu Hancorp không hoàn thành hạng mục khu đề-pô (gói thầu số 5) thì các gói thầu về điện, thiết bị phòng điều khiển, hệ thống giám sát của dự án (các gói thầu 6, 7, 8 và 9) không thể tiếp tục thực hiện, buộc phải tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng do việc thi công bị cản trở.
Từ những kiến nghị của đại diện các nhà tài trợ, cùng với chuyến thị sát thực tế, Thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng sẽ cố gắng có giải pháp tối ưu; cùng với đó yêu cầu các nhà thầu phải tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" huy động tối đa nhân lực, thiết bị, lên kế hoạch từng ngày, xác định mốc tiến độ từng hạng mục. “Vốn cấp đủ rồi, không có lý do để chậm”. - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu cầu đoạn trên cao phải hoàn thành chậm nhất là 31/12/2022. Nhà thầu đã cam kết đáp ứng tiến độ này, chủ đầu tư là UBND TP. Hà Nội phải đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu; đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.
Có thể thấy, liên tục các chuyến thị sát Thép Thái Nguyên, giờ là metro Nhổn - Ga Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đang cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc khai thông bế tắc ở những dự án rất quan trọng, đang chôn vốn rất lớn. Hy vọng, với quyết tâm của Chính phủ, những dự án trọng điểm, gây ảnh hưởng đến hàng triệu dân, nằm giữa thủ đô sẽ nhanh chóng được triển khai, về đích đúng theo kế hoạch đã đề ra, hoặc đã xin gia hạn.
Diễn đàn Doanh nghiệp