MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Metro số 1 rơi vào tình cảnh “vừa ăn bữa trước đã lo bữa sau”

08-09-2017 - 15:53 PM | Bất động sản

Ngày 8/9, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ để thông tin về tiến độ của hai tuyến metro số 1 và 2.

Tại buổi họp, Trưởng ban Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang thêm một lần chia sẻ những khó khăn về vốn dành cho dự án.

Ngày 25/8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký quyết định tạm ứng 500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP nhằm trả nợ cho các nhà thầu đang thi công tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Tuy nhiên, ông Quang cho biết đây không phải là lần đầu tiên TP làm việc này.

“Trước Tết Nguyên đán, hàng ngàn công nhân không có tiền để về quê ăn Tết, lúc đó TP từng ứng 600 tỉ để trả cho các nhà thầu. Từ đó đến nay vẫn chưa có nguồn vốn cấp về từ Trung ương” – ông Quang nói và nhấn mạnh rằng “đây là nỗ lực rất lớn của TP”.

Cũng theo ông Quang, ngay sau ngày 2/9, các nhà thầu đã được nhận 300 tỉ, dự kiến trong tuần này sẽ nhận hết số còn lại.

“Sở Tài chính và Kho bạc đã hỗ trợ rất kịp thời, nhà thầu nào có hồ sơ đầy đủ và thực hiện đúng thì được thanh toán ngay” – ông Quang khẳng định.

Tuy nhiên ông không giấu được vẻ lo lắng bởi “hiện nay hàng tháng, trên các công trường nhà thầu thực hiện giá trị từ 500 đến 600 tỉ đồng, do đó nguồn vốn rất khó khăn.

TP đã cố gắng hỗ trợ nhưng đây không phải là cách làm căn cơ. Cái chính vẫn phải là nguồn từ các nhà tài trợ đã cam kết. Việc cung cấp vốn không đúng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu khánh thành toàn tuyến vào năm 2020.

Chúng ta thanh toán xong đơn này thì phải có nguồn ngay để thanh toán tháng sau” – ông Quang nói thêm và cho rằng 500 tỉ “thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu”.

Tuy vậy, Ban quản lý vẫn phải đề xuất rằng, trong trường hợp chưa được giải quyết thấu đáo về nguồn vốn ODA thì vẫn phải xin hỗ trợ từ ngân sách TP, dù biết “không thể trông chờ mãi”.

“Chúng tôi rất trông mong vào sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ ngành Trung ương, vì đây không phải việc riêng của TP. Ý nghĩa công trình này vượt qua tầm của một dự án” – ông Quang chia sẻ.

Ông Quang thông tin thêm, nhu cầu vốn ODA của tuyến trong năm 2017 là 5.400 tỉ, nhưng đến tháng 4 TP mới nhận được 2.100 tỉ và đến giờ này thì “không được ứng thêm đồng nào”.

“TP đề nghị Thủ tướng cho phép ứng vốn trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho năm 2017 nhằm kịp tiến độ của dự án. Dù Thủ tướng đã đồng ý và yêu cầu Bộ Tài chính có phương án đề xuất trước 30/7, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được” – ông Quang cho hay.

Ông Quang ví von: “Trong một gia đình, có một người con có khả năng ăn nên làm ra, tạo công việc cho những người khác nhưng lại không có nguồn lực để đầu tư”.

Ông đồng thời nhận định rằng việc thi công các tuyến metro sẽ kéo theo những đòi hỏi về vật tư, lao động… qua đó góp phần vào tăng trưởng của TP nói riêng và cả nước nói chung.

“Vì vậy chúng tôi rất mong mỏi các bộ ngành hỗ trợ để giải quyết nguồn vốn. Nếu còn vướng mắc thủ tục, vấn đề gì thì xin cho biết để chúng tôi giải trình bổ sung” – vị Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đề nghị.

Theo Nguyễn Cường

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên