Mexico: "Cổng địa ngục" lộ ra bên dưới di tích Zapotec nổi tiếng
Radar xuyên đất đã tiết lộ một mê cung ngầm bên dưới di tích Mitla của người Zapotec.
- 29-09-2024Bão John tàn phá vùng Tây Nam Mexico khiến 22 người thiệt mạng
- 13-09-2024Quái thú dài 8 m xuất hiện ở Mexico, là loài chưa từng biết
- 18-06-2024Thủ đô Mexico City đối mặt tình trạng cạn kiệt nguồn nước
Theo Heritage Daily, một dự án khảo cổ dẫn đầu bởi Viện Lịch sử và Nhân chủng học Quốc gia Mexico (INAH) đã xác nhận một mạng lưới gồm hệ thống đường ngầm phức tạp và những căn phòng ngầm bên dưới một nhà thờ cổ tại di tích Mitla, một khu phức hợp tôn giáo của người Zapotec.
Hệ thống đặc biệt này có thể chính là mê cung ngầm mà người Zapotec cổ đại gọi là Lyobaa hay "lối vào địa ngục".
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp địa vật lý tiên tiến như radar xuyên đất (GPR), chụp cắt lớp điện trở (ERT)... để khảo sát một số khu vực tại Mitla và phát hiện bất thường tại khu vực nhà thờ thời trung cổ San Pablo Apostol.
Phát hiện này cũng phù hợp với các văn bản cổ xưa, bởi một vị linh mục sống vào thế kỷ 17 ở khu vực này từng mô tả về mê cung ngầm Lyobaa của người Zapotec trong một ghi chép.
Nhóm nghiên cứu cũng xác định thêm các dị thường khác bên dưới các khu vực được đặt tên là Calvario Group, Arroyo Group và South Group của cụm di tích.
Đó có thể là các căn phòng hoặc lăng mộ chưa được khám phá.
Tại một cung điện thuộc khu vực gọi là Columns Group, họ còn phát hiện tàn tích của một chiếc cầu thang lớn, cũng là lời gợi ý về cấu trúc ngầm tiềm năng.
Sẽ cần những cuộc thăm dò thực địa để xác nhận các phát hiện này, tuy vậy các bằng chứng đủ cho thấy bên dưới di tích Mitla nổi tiếng của Mexico còn cả một thế giới ngầm chờ được khai phá.
Di tích Mitla là một trong những địa điểm khảo cổ nổi tiếng nhất của Mexico, nằm ở Thung lũng Oaxaca thuộc tiểu bang Oaxaca phía Nam đất nước.
Trong khi đó, văn minh Zapotec là một trong những nền văn minh bản địa thời tiền Colombo phát triển mạnh mẽ ở Trung Mỹ, cụ thể là trong thung lũng Oaxaca ở Mexico.
Các bằng chứng khảo cổ cho thấy nền văn hóa này đã tồn tại ít nhất 2.500 năm trước.
Người Lao động