MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Microsoft 'tiến thoái lưỡng nan' với phòng nghiên cứu AI tại Trung Quốc

11-01-2024 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Microsoft đang thảo luận một số phương án với phòng thí nghiệm tại Bắc Kinh.

Thời điểm Microsoft mở phòng thí nghiệm tiên tiến ở Bắc Kinh vào năm 1998, công ty đã thuê hàng trăm nhà nghiên cứu cho phòng thí nghiệm - nơi tiên phong nhận dạng giọng nói, hình ảnh, khuôn mặt cũng như phát triển thứ công nghệ trí tuệ nhân tạo mà sau này góp công tạo ra các chatbot trực tuyến như ChatGPT. Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, khi đó gọi đây là cơ hội khai thác “nguồn tài năng trí tuệ sâu sắc” của Trung Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, lãnh đạo hàng đầu của Microsoft – bao gồm CEO Satya Nadella và Chủ tịch Brad Smith - đã cùng nhau thảo luận về bước đi tiếp theo với phòng thí nghiệm này. Các rào chắn hạn chế chính trị nhạy cảm đã được thiết lập.

Công ty có trụ sở tại Redmond, Wash., trước đó đã mở một cơ sở phòng thí nghiệm ở Vancouver, British Columbia. Đây sẽ là nơi làm việc của một số nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc.

“Chúng tôi thực hiện nhiều cam kết với phòng thí nghiệm đẳng cấp thế giới. Không hề có cuộc thảo luận nào về việc đóng cửa Microsoft Research Asia. Chúng tôi mong muốn tiếp tục chương trình nghiên cứu của mình”, Peter Lee, người đứng đầu Microsoft Research, mạng lưới gồm 8 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, cho biết.

Cuộc thảo luận thu hút được nhiều sự chú ý vì Microsoft là một trong số ít các công ty công nghệ lớn của Mỹ – cùng với Apple và Tesla – giữ được chỗ đứng ở Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc nuôi dưỡng ngành công nghệ trong nước, những tập đoàn đến từ Mỹ đã giảm bớt sự hiện diện.

Dẫu vậy, Microsoft cho đến nay vẫn để Bing là công cụ tìm kiếm nước ngoài duy nhất ở Trung Quốc. Tập đoàn cũng đã thảo luận về tương lai của phòng thí nghiệm trong vài năm.

Được biết, Trung Quốc chiếm 1,5% doanh thu của Microsoft, đạt 212 tỷ USD trong năm tài khoá vừa qua. Chris Miller, tác giả cuốn “Chip War”, nhận định Microsoft đang phải đối mặt với “một sự cân bằng khó khăn”.

Phòng thí nghiệm tại Bắc Kinh của Microsoft ra đời sau khi Bill Gates bổ nhiệm Kai-Fu Lee, một chuyên gia A.I, vào làm việc. Tiến sĩ Lee sau này đã rời đi để gia nhập Google và hiện đang điều hành một công ty đầu tư mạo hiểm.

Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm đã khám phá ra nhiều công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như nhận dạng giọng nói và hiểu ngôn ngữ tự nhiên - thứ vốn được cho là nền tảng trong sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Một số người lựa chọn rời bỏ các vị trí chủ chốt tại Alibaba, Baidu và Tencent để giúp thành lập các công ty khởi nghiệp như Megvii, một công ty nhận dạng khuôn mặt.

Năm 2018, Microsoft cho biết đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc. Kỹ thuật và các phát minh từ phòng thí nghiệm Bắc Kinh đã giúp củng cố nhiều lập luận nội bộ quan trọng.

Bill Gates, người vẫn thường xuyên liên lạc với các giám đốc điều hành công ty và ủng hộ động thái gia nhập toàn cầu, từ lâu đã ủng hộ phòng thí nghiệm tại Bắc Kinh. Ông đã đến Trung Quốc vào tháng 6 và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình - người vui mừng cho biết “Gates là người bạn Mỹ đầu tiên tôi gặp trong năm nay”.

Một số nhà lãnh đạo công nghệ và nghiên cứu của Microsoft, bao gồm Peter Lee và Kevin Scott, giám đốc công nghệ, cũng ủng hộ phòng thí nghiệm vì cho rằng nơi đây đã tạo ra nhiều đột phá công nghệ quan trọng.

Những năm gần đây, Microsoft hạn chế các dự án mà nghiên cứu viên tại Trung Quốc có thể thực hiện. Mùa thu năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc không được tham gia vào nhóm các nhân sự có quyền truy cập sớm vào GPT-4. Các công việc liên quan đến điện toán lượng tử, nhận dạng khuôn mặt cũng bị hạn chế.

Theo: The New York Times

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên