MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Microsoft tính chi 16 tỷ USD thâu tóm công ty trí tuệ nhân tạo

12-04-2021 - 15:15 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nếu thương vụ hoàn tất, đây sẽ là vụ mua lại lớn thứ nhì từ trước đến nay của Microsoft, sau vụ thâu tóm LinkedIn với giá 27 tỷ USD...

Microsoft đang đàm phán giai đoạn cuối để mua lại công ty nhận diện giọng nói Nuance Communications, và một thỏa thuận có thể được công bố trong ngày 12/4 - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin CNBC.

Kế hoạch trên phản ánh những nỗ lực gần đây của Microsoft nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua các vụ thâu tóm. Năm ngoái, Microsoft cân nhắc mua lại nhánh tại Mỹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok. Tháng trước, tập đoàn công nghệ do tỷ phú Bill Gates sáng lập đã hoàn tất mua lại công ty sản xuất game video Zenimax với giá 7,5 tỷ USD.

Nuance được đánh giá là phù họp với mảng kinh doanh phục vụ khách hàng là doanh nghiệp và chính phủ của Microsoft. Công ty trí tuệ nhân tạo (AI) này kiếm tiền bằng cách bán các công cụ nhận diện và chuyển đổi giọng nói thành văn bản, sử dụng trong những trường hợp như bác sỹ khám bệnh cho bệnh nhân, các cuộc gọi dịch vụ khách hàng và thư thoại.

Trong quý 4 năm ngoái, Nuance đạt lợi nhuận ròng 7 triệu USD và doanh thu khoảng 346 triệu USD. Mức doanh thu này giảm 4% so với cùng kỳ năm trước đó.

Thành lập năm 1992, Nuance có khoảng 7.100 nhân viên vào thời điểm tháng 9 năm ngoái.

Nguồn tin cho biết Microsoft bắt đầu tiếp cận Nuance vào tháng 12 năm ngoái và sẵn sàng trả công ty này mức giá khoảng 56 USD/cổ phiếu để mua lại. Giá cổ phiếu như vậy định giá Nuance ở mức 16 tỷ USD và cao hơn 23% so với giá đóng cửa của cổ phiếu này hôm thứ Sáu tuần trước là 45,58 USD/cổ phiếu.

Nếu thương vụ hoàn tất, đây sẽ là vụ mua lại lớn thứ nhì từ trước đến nay của Microsoft, sau vụ thâu tóm LinkedIn với giá 27 tỷ USD vào năm 2016.

Mua lại Nuance sẽ giúp Microsoft cải thiện năng lực trong lĩnh vực phần mềm giọng nói. Microsoft hiện đã có những công cụ mà các nhà phát triển có thể sử dụng để tạo cho các ứng dụng khả năng chuyển đổi giọng nói thành văn bản. Ngoài ra, Microsoft cũng tích hợp tính năng nhận diện giọng nói vào các sản phẩm của mình, như công cụ tìm kiếm Bing hay ứng dụng liên lạc Teams.

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Trở lên trên