MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Miễn phí xe ra vào sân bay 10 phút: Khó khả thi!

Nếu chỉ miễn phí cho xe ra vào sân bay trong 10 phút có thể gây xáo trộn, dẫn đến mất trật tự nhất là vào giờ cao điểm.

Trong cuộc họp mới đây về việc thu phí đường dẫn vào các cảng hàng không, sân bay của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chỉ đạo lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian với xe ra vào sân bay hoàn tất trước ngày 31-3, không thu tiền với xe vào khu vực đón trả khách trong khoảng thời gian dự kiến 10 phút.

Sẽ triển khai vào quý II

Liên quan đến việc này, chiều 4-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện ACV cho biết doanh nghiệp (DN) đang xây dựng đề án lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian với xe ra vào sân bay. Theo đó, sẽ không thu tiền ôtô ra vào khu vực đón trả khách trong khoảng thời gian dự kiến 10 phút. Nếu quá thời gian miễn phí sẽ đóng tiền theo thời gian như dịch vụ sân đậu ôtô.

"Đề án đang được ACV xây dựng và triển khai trên 21 cảng hàng không theo kế hoạch và sẽ báo cáo trình Chính phủ thông qua trước khi áp dụng. Hiện các đơn vị đang tiến hành lắp đặt trạm đo lượng xe ra vào, mức thu phí… ACV cố gắng hoàn thành dự án này trong quý II rồi bắt đầu khai thác" - vị đại diện này nói.

Dù vậy, quá trình triển khai đề án đang vướng một số khó khăn cần xin ý kiến từ Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chẳng hạn, việc thu phí có phải quyền của DN khai thác cảng hay muốn khai thác phí ra vào sân bay thì DN phải nộp thuế đất cho ngân sách…

Cũng theo đại diện ACV, việc miễn phí ra vào sân bay trong vòng 10 phút với ôtô cũng đang được xây dựng nhiều phương án khác nhau để phù hợp. Bởi theo lý giải, chính sách miễn phí ôtô ra vào sân bay ở khu vực đón trả khách có thể phát sinh tình trạng dòng xe liên tục ra vào để tránh quá 10 phút, không phải trả phí từ taxi, xe công nghệ, xe chờ đón trả khách… Điều này có thể tạo nguy cơ ách tắc giao thông cục bộ, nhất là ở những sân bay có tần suất xe ra vào lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.

Trong 21 cảng hàng không trên cả nước, đại diện ACV cho biết mỗi nơi có địa hình riêng, kết cấu hạ tầng nhà ga, đường ra vào cảng khác nhau, do vậy việc đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống kiểm soát ôtô ra vào các cảng hàng không tốn nhiều thời gian. Phương án thu theo thời gian (giá thu, thời gian miễn thu) tại các cảng hàng không cần phải xây dựng, tính toán chi tiết bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, lợi ích nhà nước và bảo đảm nguồn để đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên của hệ thống đường dẫn vào nhà ga.

Ngày 4-3, ghi nhận từ các tài xế xe công nghệ, taxi, hành khách thường ra vào sân bay, nhiều người ủng hộ việc miễn phí trong vòng 10 phút đầu như chủ trương của Bộ GTVT giao ACV triển khai. Ông Trần Hoàng Minh - ngụ quận 1, TP HCM - cho biết ông thường xuyên vào sân bay đưa đón người thân, đón xong về ngay mà phải trả phí là không hợp lý. Do đó, ông hoàn toàn hài lòng với quy định này.

Miễn phí xe ra vào sân bay 10 phút: Khó khả thi! - Ảnh 1.

Đón trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TẤN THẠNH

Chưa hợp lý

Dù vậy, một số ý kiến cho rằng thời gian miễn phí trong vòng 10 phút là quá ít, nhất là trong điều kiện kẹt xe thường xuyên diễn ra ở sân bay, tình trạng xếp hàng, tắc nghẽn cục bộ ở khu vực đón trả khách.

"Xe vào sân bay khá đông, xếp hàng chờ đến lượt đón khách đã hết 15-20 phút, thậm chí nửa tiếng nên chỉ miễn phí trong 10 phút không ổn. Chưa kể, thời gian quá ngắn sẽ phát sinh tình trạng tài xế sẽ cho xe chạy lòng vòng ra vào sân bay liên tục cho đến khi nào rước được khách" - ông Lê Quốc Trí, một tài xế taxi ở TP HCM, băn khoăn.

Đại diện một số hãng taxi cũng đánh giá phương án chỉ miễn phí ra vào ôtô trong 10 phút là không khả thi, không có hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Theo quy định, hiện phí cầu đường được tính là phụ phí và khách hàng sẽ trả khoản phí này. Trong đó, phí ra vào sân bay các tài xế chạy taxi, xe công nghệ cũng tính vào tổng chi phí khách phải trả. Nay, nếu áp dụng miễn phí ra vào trong 10 phút, thời gian quá ngắn có thể phát sinh tranh cãi giữa tài xế và khách hàng, nếu kẹt xe, ùn tắc khiến việc đón khách chậm trễ hơn khoảng thời gian này và phải tốn phí.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, lập luận lâu nay đưa đón khách ở sân bay đã được các hãng taxi đấu thầu tương đối ổn định, nếu thực hiện miễn phí ra vào trong 10 phút có thể gây xáo trộn, dẫn đến mất trật tự nhất là vào giờ cao điểm.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP HCM, không bày tỏ sự ủng hộ hay bàn luận về việc miễn phí với xe vào khu vực đón trả khách trong 10 phút và trên 10 phút thì được quyền thu phí mà ông cho rằng không có sân bay nào trên thế giới làm như vậy.

Theo chuyên gia này, việc thu phí vào sân bay, Thanh tra Chính phủ trước đây đã có kết luận việc này là trái luật, ACV cần trả lại ngân sách tiền đã lỡ thu sai và chấm dứt việc thu phí xe vào sân bay. Còn ACV đưa ra quan điểm DN đầu tư đường dẫn vào nhà ga sân bay nên được thu phí, là đã hiểu sai về BOT (đầu tư - thu phí - chuyển giao). Bởi, sân bay cũng như bến cảng đường thủy, đường bộ phải có đường cho xe vào ra. Do đó, cần kết nối giao thông với sân bay để tạo thuận tiện cho hành khách, không chỉ kết nối đường bộ mà tiến tới có thể là đường tàu điện ngầm.

Đoạn đường nội bộ phía trong sân bay tạo điều kiện thuận tiện để hành khách vào nhà ga là thuộc đầu tư chung của cảng hàng không đó nên phải tính chung vào chi phí dịch vụ của sân bay, không thu riêng. Nếu muốn, có thể tăng phí dịch vụ và thu chung. "Con đường nội bộ là đầu tư chung cho sân bay, không phải để thu phí" - ông nói.

Theo vị chuyên gia này, các sân bay ông đã từng đến trên thế giới đều có chỗ đỗ xe thu tiền. Còn những vị trí khác, nơi ôtô đi ngang để hành khách xuống, cần kiểm soát để dạng xe này không thể dừng lâu, chỉ được dừng một khoảng thời gian nhất định rồi phải rời đi. "Vận hành như vậy mới là bình thường. Còn việc đặt ra cổng để thu tiền là sai" - ông nhấn mạnh.

Từ vị trí của một hành khách, ông cho rằng khách đi máy bay đã phải đóng phí sân bay, khi đi xe vào hoặc ra sân bay lại phải đóng thêm tiền phí đó. "Thu phí này là sai và gây thiệt hại cho hành khách. Sân bay để hành khách sử dụng, cần tạo thuận tiện để hành khách vào sử dụng" - ông Tống nêu quan điểm. 

Trước đó, thông tin từ ACV liên quan đến chính sách thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không nêu rõ đơn vị này đang chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, bảo đảm tiêu chuẩn khai thác cho kết cấu hạ tầng 21 cảng hàng không trên cả nước, bao gồm hệ thống đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không. Riêng hệ thống đường dẫn vào nhà ga 21 cảng hàng không do ACV quản lý có tổng giá trị đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng.

Giai đoạn 2012-2017, số tiền thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không được ACV dùng để bù đắp chi phí khai thác, duy tu, bảo dưỡng, tái đầu tư hệ thống đường dẫn vào nhà ga và được hạch toán kế toán, xuất hóa đơn, xác định doanh thu, chi phí, lợi nhuận, trích lập các quỹ của DN theo đúng hướng dẫn chế độ kế toán của Bộ Tài chính và đã nộp thuế, nghĩa vụ theo đúng quy định.

Theo Thái Phương - Nguyễn Hải - Dương Ngọc

Người lao động

Trở lên trên