'Miếng bánh' phá sản trên thị trường vốn?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đứng trước thách thức lớn khi nhiều nhà phát hành vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Một số ý kiến cho rằng, phá sản doanh nghiệp có thể là một giải pháp quan trọng để tái cấu trúc thị trường. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại, đó có thể chỉ là "chiếc bánh vẽ".
Nguy cơ đổ vỡ "Domino"
Theo ước tính, trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chưa tính tiền lãi) đến thời kỳ đáo hạn. Riêng trong năm 2023-2024, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn với lần lượt hơn 119.000 tỷ đồng và gần 112.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn tiền của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thanh khoản của các dự án bất động sản “án binh bất động”. Các chuyên gia dự báo, nếu không có chính sách xử lý triệt để, nguy cơ vỡ nợ đối với các nhà phát hành trái phiếu sẽ sớm trở thành hiệu ứng Domino.
Thực tế, đầu năm 2023 hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, đã thông báo vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi. Theo thống kê của FiinRatings, tính đến 8/3/2023, có 67 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đang tìm cách bán trái phiếu với mức chiết khấu rất sâu để thu lại tiền mặt.
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô thị trường, tổng quy mô phát hành TPDN năm 2022 chỉ đạt khoảng 338 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021. Bước sang năm 2023, thị trường khá trầm lắng trong 2 tháng đầu năm với 2.600 tỷ đồng TPDN mới được phát hành, nhưng tháng 3/2023, đã ấm dần với khối lượng phát hành gần 26.000 tỷ đồng. Tuy vậy, tính chung 3 tháng đầu năm, mới chỉ tương đương 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về thị trường TPDN, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings nhấn mạnh, điểm mấu chốt là chất lượng tín dụng các tổ chức phát hành đa phần là chưa cao và có thể nói là dưới chuẩn cho vay tín dụng của ngân hàng. Vấn đề này diễn ra trong bối cảnh môi trường kinh doanh không thuận lợi, lãi suất tăng cao và định hướng kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và kinh doanh bất động sản đã dẫn đến thực tế một số trường hợp vi phạm nghĩa vụ nợ. Có thể chúng ta sẽ chứng kiến thêm một tỷ lệ nhất định các doanh nghiệp rơi vào trạng thái không trả được lãi hoặc gốc đúng hạn. Mức độ vi phạm nghĩa vụ nợ ra sao và quy mô sẽ phụ thuộc vào nỗ lực đàm phán của tổ chức phát hành và trái chủ.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, đối với nhóm bất động sản, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp để đảo nợ trong thời gian tới còn khó khăn do: Những vi phạm liên tiếp đã làm niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm; Nghị định 65/2022 đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phát hành TPDN riêng lẻ, trong khi Nghị định 08/2023 mới được ban hành và còn cần thêm thời gian để kiểm chứng; Nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này là không nhiều do chính sách của NHNN, hạn chế dòng vốn vào lĩnh vực được coi làrủi ro; việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng (do thị trường bất động sản đang trầm lắng, phục hồi chậm). Vì thế, một bộ phận doanh nghiệp có tiềm ẩn nguy cơ nợ trái phiếu quá hạn, nếu trái chủ không thiện chí chấp nhận gia hạn hay đổi lấy tài sản khác.
Phá sản có phải giải pháp?
Bàn tới lời giải cho thị trường TPDN hiện tại, đã có một số ý kiến nhắc tới giải pháp phá sản doanh nghiệp như một phương án cuối cùng vừa giúp tái cấu trúc thị trường lại giúp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, lấy lại được tài sản khi thanh lý tài sản của doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, một câu chuyện tuy xa mà gần là mới đây 2 ngân hàng có quy mô tài sản rất lớn của Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đã buộc phải đóng cửa vì mất thanh khoản do việc phát hành và mua trái phiếu một cách không kiểm soát. Ngân hàng này đã nhanh chóng phải trả giá, buộc phải phá sản, tài sản được xử lý để trả cho người gửi tiền. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy, không có định chế nào "quá lớn để sụp đổ".
"Với những doanh nghiệp trong nước, thời gian vừa qua chỉ chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ tới sự phát triển bền vững của mình và thị trường, không quản trị được rủi ro thì doanh nghiệp đó cũng phải trả giá, đào thải. Vấn đề này cần đặt lên bàn cân khi xử lý thị trường trái phiếu", ông Kiên nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên thị trường trái phiếu, có cả doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp xấu. Doanh nghiệp kinh doanh không đúng pháp luật, tác động xấu tới thị trường, đứng trước nguy cơ phá sản thì nên để họ theo quy luật của thị trường, đi tới phá sản - đây cũng là một hoạt động giúp tái cấu trúc doanh nghiệp, hướng tới minh bạch.
"Người Mỹ có câu, một đồng tiền tốt bỏ ra để cứu một đồng tiền xấu, kết quả sẽ là kéo cả 2 cùng xuống hố. Vì vậy, cần phải thực sự quyết liệt. Nếu xác định đó là một doanh nghiệp xấu thì không nên cố cứu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ nên là giải pháp cuối cùng khi tình thế đã không thể vãn hồi", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam để doanh nghiệp có thể phá sản là không đơn giản, đặc biệt là với những trường hợp liên đới tới nhiều bị can.
Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạmnhấn mạnh, phá sản là một phương án để xử lý vụ việc khi không đạt được sự đồng thuận giữa trái chủ và nhà phát hành. Theo quy định tại Luật Phá sản, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Tuy nhiên, trên thực tế phá sản cho đến thời điểm hiện tại chỉ như một "chiếc bánh vẽ". Luật Phá sản đã có hiệu lực nhiều năm nhưng các vụ án cơ bản là "đắp chiếu" để đấy. Để mở thủ tục phá sản thì khá đơn giản, chỉ cần một doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản là có thể yêu cầu phá sản nhưng bất cập là "mở" ra mà lại không thể "gói" lại được. Nhiều vụ án chưa biết tới khi nào doanh nghiệp mới có thể phá sản. Và kể cả có làm thủ tục phá sản đúng trình tự thì một vụ án cũng kéo dài tới 5-10 năm, chẳng khác nào là doanh nghiệp chỉ chuyển từ "kiểu chết" này sang "kiểu chết" khác.
"Về cơ bản, đến nay khi xử lý một vụ việc về phá sản doanh nghiệp, chúng ta vẫn theo lối tư duy giống như phá sản một ngân hàng, lo ngại hậu quả là sụp đổ cả hệ thống, hệ luỵ xã hội và tạo hiệu ứng Domino. Đặt ra vấn đề phá sản là đặt trong bối cảnh vĩ mô, không đơn giản chỉ là bảo vệ quyền lợi cho 1 bên trong hợp đồng dân sự hay thương mại", ông Phất nói.
Theo đó, phá sản cũng chỉ được coi là giải pháp tình thế. Chờ phá sản còn khó khăn hơn thực trạng hiện nay là có thể đàm phán song phương giữa doanh nghiệp và trái chủ. Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định trước đó về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ hiện nay được coi là giải pháp tạm thời nhưng quan trọng để hỗ trợ thị trường TPDN chưa đi tới hiệu ứng đổ vỡ Domino.
Nhà Đầu Tư