MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mirae Asset: Rủi ro bong bóng là không xảy ra trong năm 2021 dù TTCK đã tăng trưởng vượt kỳ vọng

Mirae Asset: Rủi ro bong bóng là không xảy ra trong năm 2021 dù TTCK đã tăng trưởng vượt kỳ vọng

Dưới góc nhìn của Chứng khoán Mirae Asset, rung lắc là việc của TTCK, hành động như thế nào quan trọng hơn. Trong đó, định giá tiếp tục hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn khi P/E dự phóng cho năm 2021 đạt 14 lần (Bloomberg consensus - giả định tăng tưởng EPS 2021 đạt 25,5%), thấp hơn nhiều so với mức đỉnh lịch sử 35x.

Có lúc rơi đến 75 điểm, phiên giao dịch 19/1 được xem là phiên "nhớ đời" với nhóm F0, hầu hết tài khoản bị thổi bay sạch thành quả sau những nhịp tăng trưởng nóng. Theo các chuyên gia, điều chỉnh trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết và "không sớm thì muộn" để thị trường chứng khoán (TTCK) cân bằng, trở về đúng với giá trị thực.

Ghi nhận, TTCK năm 2020 đã tăng mạnh, hiện P/E của VN-Index đã ở mức 17,6x, cao hơn 10% so với trung bình P/E giai đoạn 5 năm trước là 16,0x. Câu hỏi đặt ra, điều này có đáng sợ hay không?

Rung lắc là việc của thị trường, hành động như thế nào quan trọng hơn

Dưới góc nhìn của Chứng khoán Mirae Asset, rung lắc là việc của thị trường, hành động như thế nào quan trọng hơn. Trong đó, định giá thị trường hiện tuy không còn rẻ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 22x hồi đầu năm 2018 khi VN-Index đạt mức cao nhất lịch sử với 1.200 điểm.

Và, mức P/E này mới chưa đến phân nửa của thị trường Mỹ (hiện đạt 37-38 lần), trong khi ngưỡng của Mỹ là 22,5 lần – tức có nghĩa thị trường Mỹ cũng đang ghi nhận mức tăng khoảng 50%.

Cần nhấn mạnh, P/E thị trường Việt Nam so với thị trường thế giới có mức tương quan. Vài năm trước, P/E bình quân khoảng 13-14 lần, so với mức 17,6x lần như hiện nay vẫn chưa bằng mức tăng 50% của thị trường Mỹ.

Theo đó, Mirae Asset nhận định chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức rẻ so với các nước khu vực Châu Á và càng hấp dẫn hơn trong mối tương quan đến triển vọng tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp và ROE trong năm 2021 vốn được dự báo vượt trội so với các thị trường khác.

Định giá tiếp tục hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn

Trong đó, định giá tiếp tục hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn khi P/E dự phóng cho năm 2021 đạt 14 lần (Bloomberg consensus - giả định tăng tưởng EPS 2021 đạt 25,5%), thấp hơn nhiều so với mức đỉnh lịch sử 35x. Đồng nghĩa rằng định giá kỳ vọng vẫn ở mức rẻ và cơ hội vẫn còn mở ra cho nhà đầu tư trung dài hạn.

Theo Mirae Asset, dự phóng P/E mục tiêu 2021 di chuyển trong vùng 17x-20x dựa trên cơ sở thị trường sẽ ít biến động hơn trên giả định không có những biến cố không mong đợi như Covid-19 như đã xảy ra năm 2020. Vùng định giá P/E kỳ vọng nói trên vẫn nằm trong vùng vận động trong 3 năm gần đây. Vì vậy, rủi ro bong bóng tài sản là không xảy ra trong năm 2021 dù thị trường đã và đang trải qua giai đoạn tăng trưởng vượt kỳ vọng.

Ước tính của Mirae Asset, lợi nhuận 2021 ước tính phục hồi mạnh mẽ 19% (do cơ sở thấp trong năm 2020) khi các hoạt động kinh tế trở lại trạng thái bình thường và sự chuyển biến rõ nét hơn từ nhu cầu bên ngoài. Trong đó, ngành Bất động sản – Xây dựng, Logistic cơ bản đóng vai trò dẫn dắt trong khi ngành ngân hàng duy trì xung lực tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ các hoạt động kinh tế - đầu tư khởi sắc.

Mặt khác, KQKD của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực Xuất khẩu, Bán lẻ có sự chuyển biến tốt về nhu cầu bên ngoài và nội địa. Tương tự, ngành năng lượng cũng đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhờ giá hàng hóa cơ bản phục hồi tốt.

Ngoài ra, giá đầu vào tương đối ổn định cùng với chi phí vốn giảm sâu góp phần hỗ trợ biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhìn chung, xu thế tăng được kỳ vọng áp đảo trong năm 2021 với VN-Index mục tiêu cao nhất 1.355-1.425 điểm, tăng gần 30% so với 2020 dựa trên giả định chính là: Tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp ước đạt 19% và P/E mục tiêu cao nhất 19-20x trên kỳ vọng nền kinh tế duy trì đà phục hồi tốt.

Cơ hội nhìn từ lịch sử

Mirae Asset: Rủi ro bong bóng là không xảy ra trong năm 2021 dù TTCK đã tăng trưởng vượt kỳ vọng - Ảnh 1.

Đặc biệt, VN-Index sẽ có cơ hội viết lại lịch sử sau khi vượt qua mốc đỉnh 1.200 điểm được thiết lập trong năm 2018 để xác lập mức cao mới. Dù vậy, mức độ biến động của thị trường được dự báo sẽ gia tăng sau khi VN-Index xác lập các đỉnh cao mới. Cơ sở cho điều này đến từ thanh khoản tăng kỷ lục, có một sự bất bình thường nhưng theo xu hướng tốt. Việt Nam 13 năm chưa qua chưa phá đỉnh 1.200 và hiện đang đứng trước cơ hội tăng lên còn nhiều.

Sau giai đoạn tăng điểm trên diện rộng kể từ thị trường phục hồi vào tháng 4/2020 đến nay, sự phân hóa giữa các nhóm ngành, cổ phiếu trở nên rõ nét trong bối cảnh nhà đầu tư sẽ có thời gian đánh giá lại KQKD của doanh nghiệp hậu Covid-19, đặc biệt nửa sau năm 2021.

Nói đi cũng nói lại, VN-Index có thể không đạt như mức kỳ vọng nói trên nếu tình hình dịch bệnh tái phát ở Việt Nam, làm cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhưng dù thế nào đi nữa, VN-Index khó để đánh mất mốc 1.100 điểm vốn đạt được vào cuối năm 2020, Mirae Asset nhấn mạnh. Bởi, động lực chính của thị trường chứng khoán Việt Nam 2021 là (i) bệnh dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả trong nước đi kèm với phát triển thành công vắc xin hiệu quả; (ii) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi rõ nét theo mô hình chữ V; (iii) nới lỏng tiền tệ duy trì.

Đồng thời, chính sách nới lỏng đầu tư công và làn sóng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp diễn, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động đầu tư và tiêu dùng. Việt Nam ngày càng nổi lên là một ứng viên tiềm năng để trở thành thị trường mới nổi trong tương lai gần, cùng với sự đảo chiều mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài nhờ nền tảng cơ bản trong nước được củng cố; câu chuyện thoái vốn nhà nước được đẩy mạnh hơn nhờ điều kiện thị trường thuận lợi.

Năm 2021, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,9%

Về vĩ mô, Mirae Asset dự báo năm 2021, GDP có thể tăng trưởng 6,9% dựa trên các động lực tăng trưởng chính, gồm xuất khẩu tăng trưởng nhờ tham gia nhiều FTA - giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần thu hút thêm dòng vốn đầu tư FDI.

Các nước thành viên của các hiệp định thương mại đều là các đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam (Trung Quốc 17%, Châu Âu 12,5%, ASEAN 8,2%, Nhật 6,9%, Hàn Quốc 6,8%). Do đó, việc tham gia vào các hiệp định sẽ là động lực tăng trưởng mới cho xuất khẩu của Việt Nam trong 2021 và các năm tiếp theo.

Tiêu dùng trong nước duy trì đà hồi phục. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu, đạt mức 117 điểm trong quý 2/2020. Xu hướng di chuyển tới các địa điểm đang trở lại bình thường như trước dịch.

Và chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế tiếp tục được duy trì, cụ thể chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa trong năm 2020 sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kinh tế, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Tri Túc

Kinh doanh và phát triển

Trở lên trên