Mitsubishi trước bài toán khan hàng tại Việt Nam
Bắt đầu khởi sắc doanh số, Mitsubishi Việt Nam gặp phải tình trạng khan hàng tại nhiều đại lý, điển hình nhất là mẫu Xpander. Để giải bài toán này, hướng đi lắp ráp được cho là hợp lý nhất khi Chính phủ ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện nếu liên doanh đáp ứng được một số tiêu chí nhất định.
Mitsubishi Xpander đang tạo nên cơn sốt trong phân khúc MPV tại Việt Nam. Mặc dù MMV chưa công bố cụ thể số đơn đặt hàng Xpander nhưng thực tế từ các đại lý cho thấy khách vẫn xếp hàng dài mòn mỏi chờ xe. Có người đặt cọc được báo thời gian nhận xe đến tháng 4/2019.
Lý do chủ yếu tới từ việc Xpander đang được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia về Việt Nam. Do vậy, nguồn cung luôn trong tình trạng thiếu thốn so với sức cầu của thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải được bài toán này, Mitsubishi cần chọn con đường lắp ráp. Nhưng để làm được điều đó, nhà phân phối Mitsubishi tại Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định của tập đoàn mẹ.
Không chỉ vậy, bài toán lắp ráp xe còn phải tính tới yếu tố tiên quyết là nhà máy. Mitsubishi đang chỉ có một nhà máy tại Việt Nam, đặt ở Bình Dương với công suất khoảng 6.000 xe/năm, hiện lắp mẫu Outlander. Công suất này tương đương trung bình 500 xe/tháng. Điều đó có nghĩa, nó không thể đáp ứng thêm một sản phẩm nào khác ngoài Outlander.
Trong tháng 12 cao điểm, doanh số Xpander đạt 403 chiếc. Hầu hết xe về được bàn giao cho khách hàng đặt từ trước. Những người ký cọc sau vẫn phải tiếp tục chờ đợi đến lượt được giao xe.
Hiện tại, Xpander lắp tại nhà máy ở Indonesia được xuất khẩu ra các quốc gia trong khu vực ASEAN. Với lượng đơn đặt xe xếp thành chồng, Mitsubishi phải mạnh tay đầu tư nâng công suất nhà máy với mục tiêu đạt 150.000 chiếc Xpander trong năm 2019. Mitsubishi cũng tiết lộ kế hoạch bán Xpander ra khu vực Trung Đông và Nam Mỹ bởi sự thành công vang dội của mẫu MPV khi vừa ra mắt.
Những chiếc Xpander đang được nhập khẩu từ Indonesia.
Tia hy vọng khác đối với Xpander nếu lắp ráp ở Việt Nam là Nghị định 125/2017/NĐ-CP. Theo đó, những mẫu xe lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0% kể từ ngày 1/1/2018 nếu đáp ứng được những yêu cầu nhất định về sản lượng xe lắp ráp trong nước.
Cụ thể, từ năm 2019, sản lượng chung tối thiểu của một hãng là 8.500 xe và đối với một mẫu xe cam kết là 3.500 xe trong giai đoạn 6 tháng. Tính trung bình, mỗi hãng phải có một mẫu xe có doanh số từ 584 chiếc/tháng thì sản lượng xe tối thiểu mới đáp ứng được con số 3.500. Những mốc này sản lượng tối thiểu tiếp tục tăng dần cho đến năm 2022.
Mức sản lượng yêu cầu để được hưởng ưu đãi.
Thuế linh kiện giảm đồng nghĩa với giá thành chiếc xe sẽ giảm, tăng cơ hội cạnh tranh với xe nhập khẩu và cả những mẫu khác đang lắp ráp trên thị trường.
Và với tham vọng đó, Xpander rất có thể lấy được thêm khách hàng của các mẫu xe khác ngoài đối thủ trực tiếp là Toyota Innova.
Trí thức trẻ