MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở chuỗi dược phẩm, kỳ vọng ‘mô hình Amazon’ giúp Thế Giới Di Động lập đỉnh mới, vốn hoá vượt mức 40.000 tỷ

20-10-2017 - 05:14 AM | Doanh nghiệp

Cổ phiếu MWG đã tiếp tục lập đỉnh mới với mức tăng 3.500 đồng/cổ phiếu và leo lên mức 132.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 19/10.

Với 307,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) đang được định giá lên đến 40,6 nghìn tỷ đồng. Một con số khá ấn tượng đối với một DN chỉ có lịch sử 13 năm phát triển.

Đặc biệt, cổ phiếu này có sự bứt phá khá mạnh sau khi đăng tin tuyển dụng dược sĩ cho khu vực TP.HCM, nhà bán lẻ công nghệ số 1 Việt Nam được cho là đã chính thức chen chân vào lĩnh vực dược phẩm.

Thế giới Di động mặc dù xác nhận đang tuyển người cho lĩnh vực kinh doanh mới nhưng vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào về tiến trình thực hiện đầu tư vào chuỗi dược phẩm. Tuy nhiên, với động thái tuyển nhân sự trên, rất có thể kế hoạch M&A của MWG đã đi đến giai đoạn cuối cùng.

Kế hoạch tham gia chuỗi bán lẻ dược phẩm được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động bóng gió cách từ năm ngoái. Đến tháng 8/2017, MWG đã trình cổ đông duyệt khoản ngân sách 2.500 tỷ đồng để mua lại chuỗi điện máy và dược phẩm và đã được thông qua rất nhanh sau đó vào ngày 23/8.

Hiện tại, đối với kế hoạch M&A với Trần Anh, Thế giới di động đã có động thái tiếp quản đầu tiên khi ông Vũ Đăng Linh - Giám đốc tài chính MWG được bầu giữ chức Quyền giám đốc tài chính Trần Anh thay thế ông Trần Thanh Tùng từ 1/10. Đồng thời, ông Võ Hà Trung Tín, một lãnh đạo cấp cao khác của MWG cũng được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc, giữ vai trò người đại diện ký kết các giao dịch hợp đồng với bên thứ 3 để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, vận hành của Trần Anh.

Đối với kế hoạch đầu tư vào dược phẩm, Ông Nguyễn Đức Tài từng cho biết MWG sẽ tìm kiếm các đơn vị bán lẻ mà có am hiểu về sản phẩm nhưng không biết cách tổ chức thành chuỗi lớn như MWG đang làm. Với loại hình này, MWG sẽ mua 100% vốn rồi mở rộng, phát triển trên toàn Việt Nam như chuỗi bán lẻ của MWG hiện nay.

Hướng thứ hai mà MWG hướng đến là mua 20 - 40% chuỗi bán lẻ khác, đối tượng nhắm đến không yêu cầu số lượng cửa hàng mà yêu cầu phải có đội ngũ mạnh. Sau đó, MWG sẽ tiếp sức họ phát triển và nâng tỷ lệ sở hữu lên 60% sau đó mở rộng chuỗi.

Chuỗi siêu thị của Thế Giới Di Động đang tăng lên từng ngày. Tính đến cuối tháng 8, Thế Giới Di Động có tổng cộng 1.669 siêu thị đang phục vụ khách hàng. Trong đó có 1.041 cửa hàng TGDĐ, 475 siêu thị điện máy Xanh và 153 cửa hàng bách hóa Xanh.

Với sự phình to quy mô, Thế Giới Di Động mới đây cũng đã thông qua việc thành lập công ty công nghệ đặt tại Khu công nghệ cao với tổng vốn 135 tỷ đồng, tương đương 6 triệu USD. Công ty này có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin (hệ thống ERP, website, bảo mật hệ thống,...) cho tất cả các chuỗi bán lẻ trong và ngoài nước của Cty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động và các công ty con.

Với những bước đi gần đây, giới công nghệ cũng như một số chuyên gia cũng cho rằng, MWG gần như đang hướng sự phát triển theo như mô hình thành công của Amazon tại thị trường Bắc Mỹ

Hiện tại, dù giới đầu tư vẫn có những quan điểm trái chiều về mức giá của MWG hiện nay nhưng cổ phiếu này vẫn cứ ‘leo đỉnh’. Trong khi Mekong Capital thoái bớt vốn, thì nhóm Dragon Capital đã liên tục mua vào trong thời gian gần đây. Cho đến cuối tháng 9/2017, cổ phiếu MWG đã trở thành khoản đầu tư hàng đầu của Dragon Capital, lần đầu tiên vượt qua Công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vinamilk.


Diễn biến cổ phiếu MWG trong vòng 1 năm

Diễn biến cổ phiếu MWG trong vòng 1 năm

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên