MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở cửa UBND cho du khách, ra mắt sticker chat, địa phương "khuất nẻo" và thuần nông này đang trở thành một hiện tượng

Đầu tư bài bản, trọng tâm, Đồng Tháp có thể xem là tỉnh đi đầu trong phương cách làm truyền thông địa phương. Sau một thời gian triển khai, từ một tỉnh thuần nông, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư, khởi nghiệp cũng như khách thập phương.

Những ý tưởng lạ

Đầu tháng 7, trên hệ thống chat của Zalo xuất hiện một bộ sticker độc đáo. Đó là hình ảnh bông hoa sen được nhân hoá mang sắc thái vui tươi, ngộ nghĩnh, năng động với ba màu sắc chủ đạo là xanh, hồng, vàng. “Bé Sen” là tên gọi của nhân vật này, vốn là linh vật của tỉnh Đồng Tháp, giúp tỉnh trở thành địa phương duy nhất trên cả nước có bộ sticker chat cho riêng mình.


Sticker trên Zalo

Sticker trên Zalo

Bé Sen trên thực tế được “sinh ra” từ năm 2009, và chính thức trở thành linh vật cho Đồng Tháp từ tháng 6/2014.

“Cách làm này không mới, nếu xét trên góc độ làm thương hiệu địa phương. Hầu hết các địa phương trên thế giới đều có cho mình một linh vật. Ví dụ như biểu tượng của Thành Đô (Trung Quốc) là gấu Panda”, anh Lương Hà – cha đẻ của Bé Sen nói với Trí Thức Trẻ.

“Hiện đã có hơn 400 nghìn người dùng đã tải bộ sticker, có lẽ do không chỉ do Bé Sen có sẵn lực lượng fan hùng hậu là người dân Đồng Tháp mà còn vì sen vốn được đa số người dân Việt Nam xem là quốc hoa. Gấu Panda – từ biểu tượng của Thành Đô về sau đã trở thành biểu tượng chung của Trung Quốc, tôi cũng rất mong muốn Bé Sen sẽ nhận được sự yêu thương của người dân Việt Nam và khi đó đương nhiên hình ảnh thương hiệu Đồng Tháp ngày càng vững chắc ”, cha đẻ của Bé Sen không giấu diếm kỳ vọng.


Anh Lương Hà (áo dài vàng) giới thiệu về Hình ảnh thương hiệu Việt Nam tại buổi họp báo Lễ hội sáng tạo Việt Nam 2016

Anh Lương Hà (áo dài vàng) giới thiệu về "Hình ảnh thương hiệu Việt Nam" tại buổi họp báo "Lễ hội sáng tạo Việt Nam 2016"

Cũng trong những ngày trở lại đây, khuôn viên 4 ha của trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp đang nhộn nhịp triển khai xây dựng những tiểu cảnh, trưng bày các sản phẩm đặc trưng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Việc xây dựng, chỉnh trang này không nhằm phục vụ cho cán bộ sở tại, mà là để người dân, du khách được vào tham quan.

“Trong những lần tiếp xúc với dân, nhiều cô bác lớn tuổi đã nói rằng sống đến 50 – 60 tuổi mà chưa biết trụ sở UBND tỉnh thế nào…”, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Do đó, tỉnh Đồng Tháp đã ra một quyết định đặc biệt, biến trụ sở UBND tỉnh thành địa điểm tham quan, chụp hình vào mỗi thức 7 hàng tuần. Bởi lẽ, như ông Dương nói: “Đã là UBND mà người dân không được ra vào tham quan sao gọi là trụ sở của nhân dân được? Cần linh hoạt để chính quyền và người dân gần gũi, gắn kết với nhau hơn”.

Trước đó, trong dịp Tết Bính Thân năm 2016 và Đinh Dậu 2017, UBND tỉnh cũng mở cửa cho người dân. Chỉ trong vài ngày mở cửa, đã có hàng ngàn lượt người dân, khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Địa phương với tư duy mới về làm thương hiệu

Bản Đề án Tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2020 và các năm tiếp theo dài 80 trang với các trọng tâm chi tiết cụ thể đã được soạn thảo từ cuối năm 2014 và được chính thức thông qua ngày 26/5/2015.

Cha đẻ của Bé Sen, anh Lương Hà cũng là một trong những người chắp bút cho Đề án này. Anh cho biết Đồng Tháp trước đó đã có đề án phát triển du lịch, nhưng du lịch chỉ là một khía cạnh trong hình ảnh của địa phương, nếu muốn làm thương hiệu địa phương bài bản, tỉnh cần có một chiến lược xây dựng hình tổng thể hơn. Đó cũng chính là lý do Đề án được ra đời.

“Tôi và đồng nghiệp đã mất gần 5 năm với Đề án này mà phần thời gian là để thuyết phục địa phương có được sự đồng thuận. "Địa phương" là một sản phẩm phức tạp với nhiều "cổ đông" (cư dân, doanh nghiệp, chính quyền sở tại, chính quyền cấp trên) và nhiều nhóm đối tượng khách hàng (nhà đầu tư, du khách, nhà nhập khẩu, dân nhập cư, các nhà tài trợ).

Từ phía cung lẫn phía cầu "địa phương" đều có những lợi ích và mối quan tâm không giống nhau, thậm chí mâu thuẫn tạo nên một ma trận phức hợp những xung đột trong mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa...Trong khi đó, để làm thương hiệu, đòi hỏi địa phương phải vận hành như doanh nghiệp, một chiến lược marketing cần phải đặt trên nền tảng của sự đồng thuận của mọi thành viên. Đó là điều không phải địa phương nào cũng có thể hình dung được”, anh Hà chia sẻ.

Một vấn đề nổi trội trong việc tạo dựng hình ảnh đó là phải biết tập trung vào cái gì để biến nó thành mũi nhọn, điểm nhấn. May mắn thay, như anh Hà nhận định, tỉnh Đồng Tháp đã biết họ muốn gì, cần gì. Cụ thể, tỉnh tập trung vào ba mảng chính: nông nghiệp công nghệ cao – du lịch sinh thái – xuất khẩu lao động.

“Lần đầu tiên có địa phương rõ ràng về quan điểm như vậy”, anh Hà nhận xét, “Thường thì các địa phương sẽ nêu ra nhiều thứ, không muốn bỏ đi cái nào cả, như vậy rất khó để xây dựng được hình ảnh”.

Do đó, bên cạnh tập trung tạo dựng hình ảnh nhắm vào ba trọng điểm chính là nông nghiệp – du lịch – xuất khẩu lao động, Đề án còn chú trọng xây dựng một chính quyền thân thiện, một trụ cột quan trọng hỗ trợ hết mình cho những trọng điểm kia.

“Đề án này đã qua hai đời Bí thư, hai đời Chủ tịch của Đồng Tháp”, anh Hà nói vui. Đó là ông Lê Minh Hoan và ông Nguyễn Văn Dương. Nếu như ông Hoan khi còn làm Chủ tịch tỉnh là người khởi xướng, tạo cảm hứng cho những người chấp bút thì ông Dương lại là người ký vào quyết định, thông qua đề án.

Quả ngọt từ những đổi thay…

Giờ đây, Đồng Tháp được nhắc đến nhiều hơn như là một địa phương khởi nghiệp về nông nghiệp của cả nước, là miệt vườn sinh thái cho du lịch gắn với Sen ...

Nhưng trong đó, nổi bật hơn cả là chính quyền thân thiện, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp làm ăn.

Đó là quán cà phê doanh nhân đã trở thành kiểu mẫu khi là nơi lãnh đạo tỉnh tiếp doanh nghiệp vào những sáng đầu tuần, lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đó là trang facebook chính thức của địa phương có thể giải đáp, tiếp nhận thông tin.

Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi giữa năm 2016 cũng đã có lời khen ngợi với tỉnh Đồng Tháp về những thay đổi tích cực liên quan đến vấn đề này.

Những đổi thay đó còn được ghi nhận bởi báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016 công bố ngày 14/3/2017 khi cho biết Đồng Tháp năm trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành cao nhất cả nước. Với 64,96 điểm, nằm ở vị trí thứ 3, Đồng Tháp, địa phương thuần nông, không có tài nguyên nổi trội đã trở thành hiện tượng của cả nước.

Kinh nghiệm cho các địa phương khác cùng toả sáng

Thực tế, các địa phương khác cũng đang hết sức nỗ lực làm mới mình. Anh Lương Hà kể rằng lãnh đạo của nhiều tỉnh của anh cũng đã ngỏ ý muốn tạo dựng hình ảnh để phát triển kinh tế, xã hội. Dù vậy, không phải cứ muốn là được. Bởi một đề án truyền thông không nằm ở hình ảnh mà là dựa trên nền tảng có sẵn của địa phương. Tức địa phương phải có một kế hoạch phát triển đồng bộ, biết hi sinh chọn lựa điểm mạnh của mình để phát triển.

“Tôi rất sợ các địa phương khác nhìn Đồng Tháp với tư duy cũ là copy và paste. Thay vì phải tìm được giá trị cốt lõi khác biệt”, anh Hà nói.

Mặt khác, anh Hà cho rằng một địa phương sẽ không thể phát triển trên cơ sở độc lập. Hiện tính liên kết vùng của các địa phương Việt Nam đang rất yếu. “Để làm thương hiệu tốt, phải cần có sự ngồi lại của các địa phương để tránh cạnh tranh xung đột hình ảnh và giúp nâng cao hình ảnh tổng thể của vùng”, anh nhận định.

Bên cạnh đó, cần phải bỏ qua tuy duy nhiệm kỳ. Bởi lẽ, nếu nhìn vào thành công của những thương hiệu lớn đều có thể thấy người ta đã phải bỏ ra công sức trên 20 năm. Trong khi đó, tư duy nhiệm kỳ chỉ 4 – 5 năm sẽ khiến cho không một đề án nào có thể thành hiện thực.

Cơ duyên nào khiến anh gắn bó với Đồng Tháp?

Nói cơ duyên thì nhiều lắm, nhưng trong đó tôi bị ảnh hưởng bởi bác Lê Minh Hoan. Năm 2008 – 2009 tôi gặp bác Hoan, khi đó còn là Bí thư TP Cao Lãnh. Từ những thích thú về bác cũng như sự đồng cảm hướng đến cái mới, tôi đã có nhiều cơ hội hơn với Đồng Tháp. Sự mở về tư duy của ban lãnh đạo tỉnh đã cho tôi cơ hội để thử nghiệm những kế hoạch của mình.

Anh có thể kể chuyện gì về Bí thư Lê Minh Hoan?

Bác Hoan là người giản dị. Hàng ngày bác đi làm bằng chiếc xe Dream cũ, đấy cũng là phương tiện để bác đi thị sát khắp hang cùng ngõ hẻm.

Ngoài việc lãnh đạo, bác Hoan còn là "nhân viên sale" xuất sắc. Bác đi đâu cũng tận dụng cơ hội để bán hàng cho doanh nghiệp, địa phương. Ví dụ đi ra Hà Nội họp, bác sẽ mang theo một số đặc sản của vùng để giới thiệu. Trên bàn tiệc đãi khách của bác cũng thế, mời ở đâu bác sẽ hỏi địa phương ở đó có gì đặc sản để bác mời họ ăn. Bởi lẽ nếu chỉ tiếp khách bằng những món của Sài Gòn thì đâu còn là quảng bá địa phương!

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên