MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mở hầu bao” cho trái phiếu Chính phủ

01-06-2016 - 10:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Làm thế nào để giảm khê đọng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và giữ thanh khoản kỳ hạn bền vững là mối lo không nhỏ hiện nay...

Vốn khả dụng dư thừa, tín dụng 5 tháng đầu năm 2016 tăng thấp, Thông tư 06 mở toang cửa, tiếp tục đưa hệ thống ngân hàng trở thành chủ nợ lớn của Chính phủ. Làm thế nào để giảm khê đọng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và giữ thanh khoản kỳ hạn bền vững là mối lo không nhỏ hiện nay.

Theo cập nhật mới nhất từ Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, dòng vốn khả dụng của thị trường tiền tệ hiện khá dư thừa, đẩy lãi suất giảm khá sâu.

Tiền tệ bơm tiền cho tài khóa

Cụ thể, tính đến 27/4/2016, tín dụng (nội, ngoại tệ) toàn hệ thống đạt 4,83 triệu tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối 2015, trong khi mức tăng cùng kỳ gần 4%. Ở chiều huy động, tăng tới 4,5%, số dư đến đầu tháng 4/2016 đạt hơn 5,39 triệu tỷ đồng.

Tính riêng huy động và tín dụng VND (loại bỏ ngoại tệ), ước đến hết tháng 5/2016 so với đầu năm, mức tăng lần lượt là 5,3% và 4,3%.

Trên thị trường 2, do tác động từ tăng trưởng tín dụng VND chỉ 4,3% trong khi huy động tăng 5,3% như nói trên, kết hợp với việc trong tháng 4và 5/2016, Ngân hàng Nhà nước bơm khoảng 72 nghìn tỷ đồng qua kênh ngoại hối nên thanh khoản khá dư thừa, đưa mặt bằng lãi suất thị trường 2 giảm mạnh.

Một thông tin đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào dự trữ ngoại tệ khoảng 7 tỷ USD.

Đã có một mối liên hệ nhất định giữa diễn biến thanh khoản thị trường từ đầu năm đến nay và một động thái mới nhất từ điều hành của Ngân hàng Nhà nước đến từ Thông tư 06/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014.

So quy định mới tại Thông tư 06 với quy định cũ tại Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước quy định giới hạn sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đầu tư trái phiếu Chính phủ của các nhóm như sau: Ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn: 25% (tăng 10%), nhóm cổ phần và ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 35% (giữ nguyên), chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài: 35% (tăng 20%), tổ chức tín dụng phi ngân hàng giữ nguyên 5% và Ngân hàng Hợp tác xã 35% (giảm 5%).

Cần nhớ, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn chiếm giữ khoảng 50% thị phần hệ thống, mức tăng 10% của nhóm này sẽ tạo ra dòng tiền đáng kể cho kênh huy động Trái phiếu chính phủ. Mặt khác, nhóm chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài, thị phần ít nhưng được tăng tới 20%.

Một chuyên gia phân tích: “Điều kiện thị trường hiện tại đang cho phép Ngân hàng Nhà nước giải quyết nguồn vốn cho trái phiếu chính phủ thay vì thắt chặt như quy định cũ; đồng thời, các nhóm trong hệ thống đều có cơ hội đầu tư vào kênh vốn này. Có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đang đi khẽ, nói nhẹ và…cười duyên!”.

Nhiều mối lo từ vốn trái phiếu

Tại phiên họp với các bộ, ngành ngày 30/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: giải ngân mạnh mẽ các nguồn vốn cho xây dựng cơ bản, để đồng vốn đến các công trình, dự án, phát huy hiệu quả. Không để tình trạng có tiền mà không giải ngân được, không để vốn ODA, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn ngân sách còn dư mà không giải ngân được.

Rõ ràng, hệ thống ngân hàng đã trợ lực khá tốt cho ngân sách nhưng một trăn trở lâu nay chính là sự khê đọng vốn trái phiếu Chính phủ. Thực tế cho thấy, do giải ngân chậm trễ, một tỷ lệ lớn nguồn vốn này đã chảy ngược vào các ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn với giá rất rẻ do phần lớn đều ở dạng tiền gửi không kỳ hạn.

Bất cập bắt đầu đây: Chính phủ trả lãi cho ngân hàng, rồi ngân hàng lại trả lãi cho Chính phủ, tạo nên vòng luẩn quẩn, giảm khả năng sinh lời của vốn.

Chưa kể, nhờ nguồn vốn giá rẻ này mà các ngân hàng lớn đã chèn ép các ngân hàng nhỏ hơn, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần than thở: “Khách hàng ruột của chúng tôi ở vùng than Quảng Ninh, làm ăn bao nhiêu năm qua, nay bị các ngân hàng thương mại Nhà nước chào vốn rẻ, tranh giành khách, dẫn đến chúng tôi cũng phải hạ giá vốn, không những thiệt hại trực tiếp mà còn làm rối loạn môi trường kinh doanh”.

Một bất cập tiếp theo, đó chính là việc cạnh tranh vốn giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, dẫn đến nỗ lực giảm lãi suất khó khả thi.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho rằng, theo kế hoạch năm 2016, Kho bạc Nhà nước có kế hoạch phát hành 220 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ tham gia 85% như hiện nay, các tổ chức tín dụng sẽ đầu tư khoảng 187 nghìn tỷ đồng.

“Để giảm sức ép lên lãi suất và cạnh tranh nguồn vốn trung dài hạn, Chính phủ nên xem xét giảm lượng phát hành trái phiếu khoảng 10%. Nguồn bù đắp cho phần thiếu hụt này sẽ lấy từ nguồn siết chặt đầu tư công và khoản chi thường xuyên của ngân sách”, ông Hà nói.

Ngoài ra, theo số liệu sơ bộ tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, hai địa phương chiếm tới 60 - 65% thị phần huy động vốn và cho vay cả nước (tùy thời điểm) thì tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chỉ 65% - 70% nhưng tỷ trọng tín dụng trung dài hạn trên 60%.

Sự lệch pha của kỳ hạn là căn bệnh kinh niên của hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước từng xác định đó là một trong những nguyên nhân tạo nên rủi ro thanh khoản hệ thống.

Bức tranh tiền tệ hiện nay cho thấy, hệ thống ngân hàng đang loay hoay xoay vốn cho nền kinh tế, từ khu vực tư nhân đến Nhà nước. Nhưng như vậy, lại càng làm trầm trọng thêm sự lệch lạc, méo mó của các kênh vốn thị trường tài chính cũng như sự bất bình đẳng giữa đầu tư Nhà nước và tư nhân.

Theo Nguyễn Hoài

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên