Mô hình tăng trưởng cũ đã tới hạn, đây là động lực mới của kinh tế Trung Quốc
Từ năm 1990 đến 2017, mức chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người đã tăng gần 8 lần, cao gấp đôi so với mức tăng của Ấn Độ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nhiều mặt hàng, từ xe hơi, smartphone, hàng xa xỉ đến bia.
- 15-05-2019Kinh tế Trung Quốc mất đà trong tháng 4, ngay cả trước khi bị ông Trump đánh thuế
- 14-05-2019Trung Quốc chính thức phá giá đồng nhân dân tệ so với USD
- 14-05-2019Con át chủ bài trong tay Trung Quốc có thể làm Mỹ điêu đứng: Bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ
Chính phủ Trung Quốc cho rằng thời kỳ "đổi mới và mở cửa" được bắt đầu từ năm 1978, nhưng 15 năm đầu tiên quá trình ấy không bằng phẳng. Không bị trói buộc bởi cơ chế kế hoạch tập trung, người dân Trung Quốc nhanh chóng thể hiện tài kinh doanh của mình nhưng Chính phủ nước này vẫn chưa thống nhất về cách thức xây dựng các cơ sở vật chất cần thiết hay làm thế nào để tích lũy vốn cho tăng trưởng.
Mãi đến những năm 1990 Trung Quốc mới nhất trí đi theo mô hình mà họ vẫn theo đuổi đến tận ngày nay. Lãnh đạo các địa phương bắt đầu được đánh giá bằng tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Do đó họ bắt đầu cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp, bằng các ưu đãi về thuế, đất đai và chi phí nhân công. Cơ chế thay đổi khiến toàn bộ nền kinh tế giống như 1 startup khổng lồ luôn khao khát mở rộng. Nếu như năm 1990 kinh tế Trung Quốc chỉ chiếm 4% kinh tế toàn cầu thì ngày nay con số đã tăng lên gần 18%.
3 trụ cột chính của kinh tế Trung Quốc
Mô hình kinh tế Trung Quốc có 3 trụ cột chính và chúng đều có thể được tìm thấy ở New Century Global Centre. Đầu tiên là toàn bộ đất đai đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Các quan chức địa phương có thể dùng những hợp đồng cho thuê đất dài hạn giá siêu rẻ để thu hút doanh nghiệp. Đất đai chính là một nguồn thu lớn của các chính quyền địa phương. Ví dụ, ở Tứ Xuyên – nơi Thành Đô là thủ phủ, tiền thu được từ bán đất ngang bằng với nguồn thu từ thuế.
Đặc trưng thứ hai trong nền kinh tế Trung Quốc là chủ nghĩa thân hữu. Deng mua khu đất năm 2008 với giá rất rẻ. Ban đầu thương vụ này đi kèm với nhiều điều kiện khắt khe: Deng phải xây cả trung tâm nghệ thuật và công viên cây xanh, trong khi khu văn phòng và trung tâm mua sắm không hề có trong kế hoạch. Nhưng cuối cùng công trình chỉ có 1 tòa nhà trơ trọi.
Tất nhiên các quan chức Thành Đô biết điều này, bởi ủy ban thành phố nằm ở ngay bên kia đường. Nhưng Deng là người có quan hệ thân thiết với giới quan chức. Bí thư thành ủy Thành Đô khi đó, ông Li Chuncheng, sau này đã bị bỏ tù vì tội tham nhũng và là một trong số hàng chục cán bộ cấp cao "ngã ngựa" trong chiến dịch chống tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng sau khi nhậm chức năm 2013.
Đặc trưng thứ ba là nợ. Deng mua khu đất năm 2008, 1 cột mốc đáng nhớ với kinh tế Trung Quốc. Lo lắng về những tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bắc Kinh đã triển khai 1 gói kích thích khổng lồ. Các quan chức địa phương ráo riết vay nợ và thâu tóm rất nhiều đất đai để phát triển. Cơn sốt xây dựng bùng lên trên khắp Trung Quốc.
New Century Global Centre là một trong rất nhiều dự án mọc lên ở Trung Quốc trong thời kỳ đó. Một số tỏ ra hữu dụng, ví dụ như mạng lưới đường sắt cao tốc. Nhưng có không ít đã trở thành những dự án ma không thể thu hút cư dân đến sinh sống. Nợ của Trung Quốc đã tăng từ mức 150% GDP năm 2008 lên hơn 250% GDP ở thời điểm hiện tại.
Ở nơi khác, sự phát triển không bền vững như vậy sẽ gây ra hệ lụy, ví dụ như khủng hoảng ngân hàng càn quét phương Tây cách đây 1 thập kỷ hay giảm phát đeo đuổi Nhật Bản trong suốt những năm 1990. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là đến nay cả 3 nhân tố nói trên vẫn đem lại những lợi ích nhất định.
Kiểm soát đất đai giúp Chính phủ có đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư. Để tăng giá đất, các địa phương bắt buộc phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ đường cao tốc đến mạng lưới điện. Xét theo góc độ nào đó thì nợ tăng cũng là dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính đang hoạt động hiệu quả, dẫn dắt dòng tiền tiết kiệm sang các kênh đầu tư. Nhiều nước phát triển vẫn có mức nợ tương đương Trung Quốc.
Tuy nhiên, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt ở thời điểm hiện tại là phải chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng khác bởi cả 3 trụ cột kể trên đều đã tới hạn. Đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn, và nguồn cung nhà ở đã lớn hơn nhu cầu của người dân. Tham nhũng đã trở thành vấn nạn và ngày càng có nhiều vụ vỡ nợ xuất hiện.
Tất nhiên công cuộc chuyển đổi chẳng bao giờ dễ dàng. Các địa phương khó có thể tìm được nguồn thu dễ dàng và béo bở như đất đai. Chiến dịch chống tham nhũng đã triệt tiêu động lực của các quan chức địa phương. Nỗ lực giảm nợ khiến tăng trưởng chậm lại.
Động lực từ tiêu dùng
New Century Global Centre lại chính là nơi mà Trung Quốc có thể tìm thấy manh mối câu trả lời. Tại đây, tương lai của ngành bán lẻ là rất tươi sáng. Từ lối vào chính, đập vào mắt khách tham quan là sàn nhà lát đá hoa cương bóng lộn và những cầu thang mạ vàng. Đi thẳng sẽ tới công viên nước rộng lớn, nơi đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày với điện thoại di động được để trong túi nhựa treo lủng lẳng trên cổ.
Zhang Meng, nhân viên sale của 1 công ty truyền thông, thường dẫn cậu con trai 4 tuổi tới đây chơi vào cuối tuần. Anh được coi là dư dả nhưng còn xa mới được gọi là giàu có. Khi công viên nước bắt đầu bán vé năm ở mức 104 USD/người lớn, anh ngay lập tức mua vé để đưa vợ con tới đây mỗi tháng 2 lần. Họ đi dạo quanh trung tâm thương mại, đi bơi và sau đó ăn tối ngay tại đây. Người giàu trí tưởng tượng có thể so sánh không khí trong New Global Centre giống như Coney Island những năm 1950, cộng thêm những thiết bị điện tử hiện đại và mái vòm bằng kính khổng lồ ở trên đầu.
Khung cảnh này phản ánh chính xác sự nổi lên của tiêu dùng. Kinh tế Trung Quốc vẫn thường bị miêu tả là thiếu cân bằng, với đầu tư chiếm gần một nửa GDP, cao hơn gấp đôi tỷ lệ ở các nước phát triển. Trong khi đó tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 1/3, bằng một nửa ở nước phát triển. Tuy nhiên, theo Arthur Kroeber, nhà sáng lập của hãng nghiên cứu Dragonomics, những con số này không phản ánh được 1 điều quan trọng: tiêu dùng chiếm tỷ trọng nhỏ bé trong GDP không phải vì người dân Trung Quốc không đi mua sắm mà bởi vì đầu tư của nước này quá lớn.
Không thể phủ nhận tiêu dùng đang bùng nổ ở Trung Quốc. Từ năm 1990 đến 2017, mức chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người đã tăng gần 8 lần (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát), cao gấp đôi so với mức tăng của Ấn Độ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nhiều mặt hàng, từ xe hơi, smartphone, hàng xa xỉ đến bia.
Vấn đề của Trung Quốc không phải là hướng về tiêu dùng mà là liệu làn sóng bùng nổ này có thể duy trì được lâu hay không. Trong những tháng gần đây, đã có nhiều giấy mực tiêu tốn cho ý tưởng Trung Quốc đang cắt giảm tiêu dùng. Số xe hơi bán ra đã giảm mạnh trong năm 2018, nhưng một phần là bởi ưu đãi thuế bị xóa bỏ. Rõ ràng là người tiêu dùng Trung Quốc không thể chống lại quy luật tự nhiên: nếu nền kinh tế đứng bên bờ suy thoái, chi tiêu của hộ gia đình không thể không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên nhìn rộng hơn thì doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt và môi trường kinh tế vĩ mô có nhiều thuận lợi. Lực lượng lao động bắt đầu thu hẹp, đẩy tiền lương tăng lên. Chi tiêu hộ gia đình chạm đáy 36% GDP vào năm 2010. Năm nay chỉ tiêu này được dự báo sẽ đạt 40%.
Thu nhập bình quân đầu người đã chạm 5.000 USD tại các thành phố lớn – mức mà tại các nước khác sẽ giúp chi tiêu cất cánh. Sự thực là New Century Global Centre được xây dựng ở Thành Đô cũng thể hiện xu hướng này. Nằm sâu trong đất liền, Thành Đô nghèo hơn các thành phố duyên hải nhưng trong thập kỷ vừa qua nền kinh tế Thành Đô đã tăng trưởng gấp 4 lần.
Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc được ước tính nằm trong khoảng từ 100 đến 600 triệu người tùy theo cách định nghĩa. Dù con số chính xác là bao nhiêu thì điều quan trọng là nó sẽ tăng lên trong tương lai. Kể cả trong thời đại thương mại điện tử, mọi người vẫn thích đến với các trung tâm thương mại như New Global Centre. Bên cạnh những thứ thường thấy như cửa hàng quần áo hay trang sức, ở đó còn có khu vui chơi cho trẻ em, các trò chơi thực tế ảo, quán cafe cosplay và nhà hàng ngoài trời trên tầng thượng.
Những con người bị bỏ lại phía sau
Nhưng xã hội Trung Quốc cũng có mặt tối: chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng. Hầu hết các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh đều sẽ chứng kiến điều này. Tuy nhiên, ở Trung Quốc điều này càng thêm trầm trọng bởi sự can thiệp của Chính phủ. Cuối những năm 1990, dân thành thị được cấp nhà ở - điều mà người dân ở nông thôn không được nhận. Thêm vào đó, hệ thống hộ khẩu khiến người dân nông thôn khó có thể ổn định ở thành phố. Họ thậm chí không được chấp nhận khi đi xin việc ở một số công việc, còn con cái họ thì phải đứng ngoài hệ thống trường công.
Trước đây người Trung Quốc nghèo nhưng xã hội bình đẳng hơn. Bắt đầu từ những năm 1990, khoảng cách thu nhập tăng lên nhanh chóng và hiện Trung Quốc là một trong những nước có chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới. Trung Quốc có nhiều tỷ phú hơn Mỹ, mặc dù thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/5.
Yang Fanji và gia đình có một nhà hàng nằm trên con phố bụi bặm gần New Global Centre. Mỗi ngày họ ship đi khoảng 80 suất ăn cho các nhân viên văn phòng. Yang từng làm công nhân tại 1 nhà máy lắp ráp đồ điện tử ở ven biển với mức thu nhập cao hơn hiện tại, nhưng cô chọn Thành Đô để được ở gần cậu con trai 4 tuổi. Nhưng mức lương thấp trong khi chi phí sinh hoạt quá cao khiến cô khó có thể tiết kiệm được nhiều tiền và phải gia nhập nhóm dân nghèo thành thị.
Trung Quốc có thể làm nhiều thứ cho những người như Yang nếu như nước này thực sự muốn giảm chênh lệch giàu nghèo, ví dụ như tăng cường hệ thống an sinh xã hội hay cải cách thuế để thu được nhiều tiền hơn từ người giàu. Tuy nhiên dường như giới chức nước này lo sợ việc khiến những thị dân nổi giận hơn là phớt lờ những người nông dân nghèo khó.
Số lượng người tới công viên nước và các nhà hàng của New Global Centre vẫn sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, nhóm những người như Yang cũng không hề thu hẹp.