MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở ‘lò luyện thi’ công chức, 2 đại gia mất trắng 20 tỷ đô vì… quá nhiều người đến học

15-05-2023 - 23:59 PM | Tài chính quốc tế

Mở ‘lò luyện thi’ công chức, 2 đại gia mất trắng 20 tỷ đô vì… quá nhiều người đến học

Từng sở hữu gần 21 tỷ USD, tổng giá trị tài sản của 2 đại gia này hiện đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD vì 1 bước đi sai lầm từng giúp họ trở nên giàu có.

Trở thành cảnh sát, nhân sự ngành thuế hay nhân viên hải quan ở Trung Quốc là việc không hề dễ dàng. Thí sinh thi vào các vị trí như vậy cần có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và trải qua kỳ thi tổ chức ở quy mô toàn quốc 1 năm 1 lần, với tỷ lệ đỗ là dưới 1,5%.

Lu Zhongfang và con trai Li Yongxin đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ cung cấp dịch vụ ôn thi các những sinh viên có nhu cầu thi vào các cơ quan nhà nước. Song, sau đó, họ lại mất gần như toàn bộ số tiền đó chỉ vì 1 bước đi sai lầm.

Từng sở hữu gần 21 tỷ USD, tổng giá trị tài sản của Lu và Li hiện đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Cổ phiếu công ty dịch vụ giáo dục Offcn Education Technology Co., nơi cung cấp dịch vụ hướng dẫn và đào tạo cho các cuộc thi công chức, giảm 87% so với mức đỉnh vào tháng 11/2020.

Đối tượng khách hàng của Offcn là những người muốn trở thành công chức. Vì các học viên của Offcn đều đã ở độ tuổi trưởng thành, nên họ không bị ảnh hưởng bởi đợt thay đổi quy định với ngành giáo dục vốn chỉ tập trung vào học sinh mẫu giáo đến lớp 12. Trên thực tế, việc công ty rơi vào cảnh thất bại lại do chính họ.

Khoá học cao cấp của Offcn đảm bảo sẽ hoàn lại toàn bộ học phí nếu học sinh trượt các bài thi. Chính điều này là yếu tố giúp họ thu hút khách hàng. Song, mọi thứ đã xoay chuyển vào vài năm trước, khi Covid-19 khiến nền kinh tế Trung Quốc chao đảo và ngày càng nhiều người rời khỏi lĩnh vực tư nhân để tìm việc ổn định hơn. Theo đó, kỳ thi công chức trở nên cạnh tranh hơn.

Mở ‘lò luyện thi’ công chức, 2 đại gia mất trắng 20 tỷ đô vì… quá nhiều người đến học - Ảnh 1.

Alfred Wu, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, người nghiên cứu về hệ thống dịch vụ công của Trung Quốc, cho hay: “Việc Bắc Kinh siết chặt quy định với lĩnh vực tư nhân đã khiến nhiều người mất việc. Giới trẻ Trung Quốc giờ đây khá bảo thủ trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Khi số lượng thanh niên đăng ký tham dự kỳ thi công chức tăng nhanh hơn so với dịch vụ cung cấp, thì Offcn lại ‘không kịp trở tay’.”

Hồi tháng 12, 2,6 triệu người Trung Quốc đã đăng ký dự thi công chức trong khi số vị trí trống là 37.000. Trong khi đó, tháng 11/2019, con số này là chưa đến 1 triệu người cạnh tranh cho 24.000 vị trí.

Đối với Offcn, mức độ phổ biến của kỳ thi đã khiến tỷ lệ hoàn tiền của họ lên gần 70% vào 2 năm trước, tăng từ 44% vào năm 2019. Công ty này báo lỗ 2,4 tỷ NDT (346 triệu USD) vào năm 2021 và 1,1 tỷ NDT vào năm ngoái. Trong khi đó, khoảng 60% doanh thu đến từ các khoá học đào tạo thi vào các cơ quan chính phủ và tổ chức công. Ở 1 số thành phố, Offcn còn không có đủ tiền để hoàn trả toàn bộ số tiền như cam kết và phải hứa hẹn trả góp.

Ở thời kỳ đỉnh cao, Lu và Li nắm giữ tới 61% cổ phần Offcn. Tuy nhiên, gần đây, họ đã phải bán bớt cổ phiếu để huy động tiền mặt, nhằm “cứu” công ty.

Lu đã bán bớt 4,4% cổ phần và nắm giữ 42% vào tháng 11, theo đó bà thu về khoảng 10 tỷ NDT, theo tính toán của Bloomberg. Khoảng 43% trong số đó được chi trả cho hoạt động của Offcn, bao gồm khoản vay không lãi suất 2 tỷ NDT vào cuối năm ngoái và 45% để trả nợ. Tài sản của bà giảm xuống còn khoảng 600 triệu USD.

Con trai của bà là ông Li - chủ tịch 47 tuổi của công ty, đã bán khoảng 1/6 số lượng cổ phần của mình trong 6 tháng qua để chi trả các khoản cầm cố cổ phiếu. Tài sản của ông hiện ở khoảng 250 triệu USD. Hiện tại, ông và bà Lu vẫn sở hữu 1/5 cổ phần của Offcn và là cổ đông kiểm soát.

Ông Li sinh năm 1976, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh với bằng cử nhân Luật năm 1999. Ông thành lập công ty là tiền thân của Offcn vào cùng năm đó, sử dụng khoản tiền tiết kiệm của mẹ để làm khoản “vốn hạt giống”.

Mở ‘lò luyện thi’ công chức, 2 đại gia mất trắng 20 tỷ đô vì… quá nhiều người đến học - Ảnh 2.

Năm 2010, bà Lu đầu tư 6 triệu NDT vào công ty và mua thêm cổ phần với tư cách là người được ông Li uỷ nhiệm và trở thành cổ đông chính. Khi đó, nhu cầu đào tạo thi công chức là rất cao và Li đã cho ra mắt các khoá học cao cấp, học phí cao nhưng có chính sách hoàn tiền.

Bước đi này đã giúp Offcn “ăn nên làm ra”. Doanh thu của công ty đạt đỉnh 11,2 tỷ NDT vào năm 2020, gần gấp 3 lần so với năm 2017. Cổ phiếu Offcn cũng tăng hơn gấp 4 lần, song hiện đang giao dịch với giá thấp hơn khi mới lên sàn.

Kể từ đó, Offcn đã thay đổi cấu trúc khoá học, tổ chức ít lớp hơn và vẫn cam kết hoàn tiền. Nhờ đó, họ ghi nhận lợi nhuận 24 triệu NDT trong quý I năm nay. Công ty cũng cam kết cắt giảm nhân sự và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để tổ chức cả các lớp online.

Nhà phân tích Wu Jincao của Soochow Securities, viết trong báo cáo ngày 4/5: “Offcn báo lãi trong quý I/2023 và họ có kế hoạch dài hạn trong việc phát triển công nghệ. Là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này, Offcn có lợi thế khi phát triển hướng kinh doanh mới, với quy mô, kinh nghiệm và phương tiện hiện có.”

Tuy nhiên, Offcn vẫn đối mặt với thách thức lớn. Trung Quốc đặt triển vọng tăng trưởng kinh tế ở mức không quá cao sau khi mở cửa. Con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp các trường đại học cao đẳng vào mùa hè này sẽ gây áp lực cho thị trường việc làm. Nhiều trong số đó có thể sẽ “thử vận may” trong kỳ thi công chức.

Alfred Wu nhận định: “Kinh tế Trung Quốc không còn như trước đây và mọi người đang dần chấp nhận điều đó. Xu hướng ngày càng nhiều người thi vào công chức sẽ còn tiếp tục trong vài năm tới.”

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên