MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở ra động lực phát triển kinh tế mới từ 3.000 km cao tốc từ năm 2025

22-05-2024 - 16:43 PM | Bất động sản

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của năm 2023 là công tác giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Phấn đấu đến năm 2025, cả nước khai thác 3.000 km cao tốc

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tình hình kinh tế xã hội đất nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong 3 năm qua; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,93% so cùng kỳ; FDI đạt 6,28 tỷ USD, tăng cao nhất trong 5 năm.

Mở ra động lực phát triển kinh tế mới từ 3.000 km cao tốc từ năm 2025- Ảnh 1.

Một khu vực thuộc huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), nơi dự kiến đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đi qua. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Trong báo cáo của Chính phủ, xây dựng hạ tầng và giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng của nền kinh tế. Trong báo cáo kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng chia sẻ, cử tri và Nhân dân bày tỏ phấn khởi khi các công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang được đẩy nhanh tiến độ.

Thực tế thời gian qua, về tình hình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Chính phủ đã làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia theo tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất.

Nhờ vậy, nhiều công trình hạ tầng giao thông đã được triển khai như: Khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 Sân bay Nội Bài, đưa vào khai thác các cao tốc thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo... nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác cả nước lên hơn 2.000 km...

Với những kết quả này, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km cao tốc, mở ra không gian, động lực phát triển mới, làm tăng giá trị gia tăng quỹ đất, giảm chi phí logistics... cho các địa phương; đồng thời, sẽ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024; xem xét, quyết định, cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)...

Theo báo cáo của Chính phủ, việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Tại các Nghị quyết số 23-NQ/TW, số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị đã định hướng đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trước năm 2030 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua.

Tạo cơ chế xây dựng cao tốc phía Tây Gia Nghĩa - Chơn Thành

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 22/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, theo quy hoạch, mạng lưới đường cao tốc gồm 41 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 2.000 km đường cao tốc, đang xây dựng 1.681 km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805 km; trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025. Trong số này, dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai...

Bên cạnh đó, cao tốc này sẽ giúp các địa phương khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản... từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh các địa phương và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị đã thông qua.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài khoảng 128,8 km, đi qua tỉnh Đắk Nông dài 27,8 km, qua tỉnh Bình Phước 101 km, bao gồm 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Để đảm bảo kết nối, phát huy hiệu quả khai thác, trong phạm vi dự án dự kiến đầu tư 11 nút giao liên thông, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết nối dân sinh như đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang... nhằm hạn chế tối đa chia cắt cộng đồng, đảm bảo điều kiện đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Dự kiến, về hình thức đầu tư, Bộ GTVT sẽ phân chia thành 5 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT); các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng. Chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024, giải phóng mặt bằng năm 2024 - 2025, thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Theo báo cáo Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án đáp ứng các tiêu chí thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án. Mặt khác, số hộ dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng lớn, vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, nhất là đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.

Thực tế triển khai các dự án vừa qua cho thấy, các dự án cao tốc được phân chia thành các dự án thành phần do các địa phương làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập gặp khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế giao cho các cơ quan đầu mối của các dự án rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tăng hoặc giảm tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần của dự án đó, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được Quốc hội quyết định.

Theo Nhóm PV

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên