Mớ rau, con cá, cuốc xe ôm đều tăng giá, chỉ có trứng là không
Việc giá dầu tăng liên tục trong 3 kỳ điều hành cộng với tác động giá điện điều chỉnh tăng 8,36% đã khiến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng hàng ngày tăng theo.
- 03-05-2019Vì sao khách hàng muốn rời mạng?
- 03-05-2019Phở “chọc trời” 920.000 đồng/bát, burger đỉnh cao 790.000 đồng/chiếc
- 03-05-2019Thị trường ngày 03/05: Dầu mất gần 3%, giá vàng thấp nhất trong 4 tháng
Khảo sát phóng viên tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá nhiều mặt hàng như thịt, rau củ, thủy sản...đã tăng ngay sau khi giá xăng tăng lần thứ 2 hồi trung tuần tháng 4. Sau lần điều chỉnh tăng thứ 3 hôm 2/5, giá xăng E5 RON92 đã ở mức tối đa 20.688 đồng/lít; RON95 là 22.191 đồng/lít.
Chị Phương, tiểu thương tại chợ Nam Đồng cho biết, đa số các mặt hàng rau củ đều có mức tăng trung bình từ 1.000-5.000 đồng/kg so với tháng 4. Cụ thể, giá rau cải ngọt 15.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), cải thảo có giá 14.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg), giá rau dền, rau mồng tơi tăng từ 4.000 đồng lên 6.000 đồng/mớ, giá su hào 5.000 đồng/củ (tăng 1.000 đồng), rau muống 15.000 – 17.000 đồng/mớ (tăng 1.000 – 2.000 đồng), dưa chuột 13.000 - 16.000 đồng/kg (tăng 2.000)...
Không chỉ rau củ, giá thịt lợn và thịt bò cũng tăng. Theo đó, giá thịt lợn thăn phổ biến ở mức 100.000 - 120.000 đồng/kg, sườn là 100.000 - 120.000 đồng/kg, thịt chân giò và nạc vai 100.000-110.000 đồng/kg. Thịt bò thăn loại ngon 270.000-300.000 đồng/kg trong khi mới tháng trước là 240.000-260.000 đồng/kg...
Giá hải sản cũng được đà "té nước theo mưa". Giá tôm sú khoảng 350.000 - 380.000 đồng/kg loại to, loại nhỏ cũng 220.000 - 270.000 đồng/kg, tăng 30.000 - 50.000 đồng so với trước; cá trắm 60.000-70.000 đồng/kg; cá chép ở mức 75.000 đồng/kg…
Lý giải về vấn đề tăng giá, các tiểu thương tại chợ cho biết, giá hàng hóa tăng là do các chủ kinh doanh tại chợ đầu mối lấy lý do điện, xăng tăng giá đã đẩy phí vận chuyển, bảo quản lên cao hơn.
Trái ngược với đà tăng giá của các mặt hàng rau củ, thịt...thì giá trứng vẫn tiếp đà giảm. Anh Thế Bắc (26 tuổi), chủ một trại gà tại Duy Tiên, Hà Nam chia sẻ, hiện nay, mỗi quả trứng gà nuôi công nghiệp chỉ còn 700-900 đồng/quả khi giao cho thương lái tại trang trại, giảm 300 đồng so với cách đây 3 tuần và là mức thấp kỷ lục. Giá trứng vịt loại vừa cũng chỉ được quanh 1.500 đồng/quả trong khi bình thường là trên 2.000 đồng.
"Một nghịch lý đang diễn ra đối với các hộ nuôi gà lấy trứng là gà đẻ càng khỏe thì lại càng lỗ. Chi phí để sản xuất ra một quả trứng sau khi trừ các khoản cám bã, thuốc men cho gà thì tốn kém hết khoảng 1.600 đồng, với giá hiện tại thì mỗi quả trứng anh lỗ mất khoảng gần 1.000 đồng".
Anh Bắc cho biết thêm, "bình thường mỗi quả trứng có giá 1.500 đồng, lúc cao thì có thể lên tới 1.900-2.000 đồng/quả. Nhưng đến nay giá trứng giảm sâu, với 6.000 con gà và thu hoạch được khoảng hơn 5.000 trứng/ngày thì mỗi ngày tôi chịu lỗ hơn 3-4 triệu đồng".
Xăng dầu tăng giá cũng khiến dịch vụ vận tải tăng giá theo, anh Linh, tài xế xe ôm truyền thống cho biết, trước đây với quãng đường 10 km khách hàng chỉ phải trả khoảng 50.000 đồng nhưng nay giá xăng điều chỉnh tăng liên tục nên giá vận chuyển cũng nhích lên 70.000 đồng để bù vào chi phí.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) là một tài xế chạy taxi công nghệ cao chia sẻ, nếu như trước đây anh chạy tích cực cả ngày thì có thể kiếm được khoảng 300.000-350.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, giá xăng tăng liên tục trong thời gian gần đây khiến số tiền chi cho xăng dầu của anh cũng tăng theo, ảnh hưởng đến thu nhập.
"Thông thường, mỗi lần đổ 500.000 đồng tiền xăng tôi có thể chạy được khoảng hơn 2 ngày, nhưng hiện tại, với số tiền trên tôi chỉ có thể chạy được trong 1 ngày. Sau khi trừ các khoản chiết khấu cho công ty, chi phí xăng,... phần còn lại tôi chỉ được khoảng 200.000 đồng. Nếu ngày nào xe gặp vấn đề kỹ thuật hay khách hàng bỏ bom là coi như cả ngày đi làm không công".