Mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương giúp Việt Nam đón được “khách sộp”
Kiến nghị mở rộng danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực đơn phương đang được coi là giải pháp ưu tiên trong cuộc đua thu hút du khách quốc tế. Và trước tiên, cần hướng đến các thị trường “khách sộp” chi cao, ở lâu, đến nhiều.
Chính thức trình Quốc hội đề xuất chính sách visa mới
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Chính phủ vừa chính thức có tờ trình gửi Quốc hội đề xuất một số chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam... gồm có việc gỡ vướng cho visa. Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng ký đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng để đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Các nội dung bao gồm: Thực hiện chủ trương cấp thị thực (visa) điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại; Đảm đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, visa điện tử sẽ được nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Tờ trình Chính phủ cho rằng việc cho phép người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa được tạm trú đến 45 ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước có thời gian thực hiện các chương trình du lịch nghỉ dưỡng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.
Đồng thời, việc thực hiện các nội dung này sẽ không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí và nguồn lực của Nhà nước. Các chính sách mới này còn giúp giảm chi phí cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục liên quan nhập xuất cảnh của người nước ngoài.
Được biết, trước đó Văn phòng Chính phủ cũng vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn visa đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đề xuất một số chính sách trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật.
Các bộ báo cáo Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5 ) đối với 3 nội dung: nâng thời hạn thị thực không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; đồng thời nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày.
Đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra, cùng với các chính sách kiểm soát dịch, số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã giảm sâu. Hiện nay, Việt Nam đã mở cửa trở lại, khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh. Song, do tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, nên lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam có tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chỉ bằng 32,6% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Thêm vào đó, dù Việt Nam mở lại hoàn toàn các hoạt động đón khách quốc tế, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam có tăng theo từng tháng nhưng không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 của ngành du lịch.
Tình hình trên đã hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển du lịch, kinh doanh, thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều cơ quan, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị nâng thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, thậm chí miễn thị thực đơn phương để hút khách du lịch.
Theo TS. Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm bộ môn, giảng viên cấp cao, Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) tuy du khách quốc tế chỉ chiếm một phần nhỏ trong số du khách tại Việt Nam, nhưng mức chi tiêu trung bình gấp 11 lần so với khách nội địa.
Về triển vọng của du lịch Việt Nam năm 2023, TS. Nuno F. Ribeiro nhận định, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch lân cận có thủ tục nhập cảnh và thị thực ít nghiêm ngặt hơn. Do đó, Chính phủ cần sớm mở rộng miễn visa đơn phương cho các thị trường có nhiều khách đến Việt Nam và các thị trường có sức chi trả cao, ở lâu, đến nhiều để tăng trưởng cả lượng và chất một cách bền vững.
Số liệu từ của Tổng cục Du lịch cho thấy, trước dịch Covid chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 là 1.074 USD/khách, đi du lịch Việt Nam trong 8,1 ngày, bình quân 132,6 USD/ngày. Thị trường xa có chi tiêu bình quân cho chuyến đi cao hơn do lưu trú dài ngày hơn, lần lượt là Nga (1.830 USD; 15,3 ngày), Anh (gần 1.716 USD; 14,5 ngày), Mỹ (1.571 USD; 12 ngày), Úc (1.542 USD; 12,25 ngày), Pháp (1.443 USD; 12,8 ngày).
Vậy nhưng, hiện nay Mỹ, Úc chưa có trong danh sách quốc gia được miễn thị thực. Canada nằm trong top 10 thị trường dẫn đầu về chi tiêu du lịch ra nước ngoài hiện cũng chưa có trong danh sách quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam. Hiện nay Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương, chỉ bằng 1/3 số quốc gia được miễn thị thực khi vào Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/6 của Indonesia và chưa bằng 1/7 của Singapore.
Cho rằng việc tăng số nước miễn visa sẽ tạo “bước nhảy” cho ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch mong muốn Chính phủ sớm miễn visa cho toàn bộ khách từ EU và có thể miễn thêm visa cho đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE), đánh golf dưới sự xác nhận của các đơn vị tổ chức...
Các chuyên gia và doanh nghiệp cũng cho rằng, miễn thị thực đơn phương, đặc biệt cho các nước có sức chi trả cao như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, Ấn Độ, New Zealand… là cần thiết để ngành kinh tế xanh đạt cả mục tiêu tăng trưởng về “lượng” và “chất”. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lux Group Phạm Hà nhấ mạnh Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… thì cần thực hiện chính sách visa thân thiện tương đương hoặc thông thoáng hơn họ.
"Việc nâng cấp thị thực sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong quá trình cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Thời gian lưu trú dài phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là thị trường xa như châu Âu, thường đi 3-4 tuần", ông Hà nhận định.
Nhìn nhận việc chủ động miễn visa đơn phương cho các quốc gia sẽ là chính sách vượt trội, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: "Hiện nay theo tôi được biết là miễn visa theo nguyên tắc đối đẳng, nếu họ miễn thì mình miễn lại, như vậy đó là chuyện bình thường... Hãy chủ động đơn phương miễn thị thực 30 ngày cho các nước không miễn cho mình trước, sau đó họ thấy tốt sẽ quay lại miễn cho công dân nước mình, có thể đây sẽ là chính sách vượt trội trong phạm vi kiểm soát".
Nhịp sống thị trường