Mở rộng QL1: Ảnh hưởng đến dân, không giải quyết được thì ra tòa
Sáng 14/12, Bộ GTVT đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải quyết bồi thường cho nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Thanh Hoá – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
- 23-10-2017Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Bình Định tăng tổng mức đầu tư vì sao?
- 07-02-2017Hà Nội xem xét mở rộng quốc lộ 21b qua huyện Ứng Hòa
- 07-09-2016Mở rộng quốc lộ 32, “ước mơ” 4 làn xe sắp thành sự thật?
Hơn 35 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ước tính có khoảng 35.814 hộ dân bị ảnh hưởng với dự kiến kinh phí đền bù nằm ngoài trách nhiệm bảo hiểm do chủ đầu tư mua khoảng 166,793 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc bồi thường cho các hộ dân có nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi GPMB bị ảnh hưởng nêu trên tại một số dự án chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, làm hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Theo ông Thể, việc thi công xây dựng các hạng mục công trình giao thông có tính chất đặc thù, công trình trải dài theo tuyến và thường phải sử dụng các máy móc, thiết bị thi công có tải trọng lớn, tạo rung chấn, chấn động hoặc sức ép lên nền đất.
Do đó, không thể tránh khỏi việc làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng hiện có ở gần khu vực thi công xây dựng công trình, nằm ngoài phạm vi GPMB của dự án, đặc biệt đối với nhà ở, công trình của người dân hai bên tuyến đường tại khu vực đô thị hoặc khu vực đông dân cư.
Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết, về cơ bản, các bộ đều thống nhất sự cần thiết việc bồi thường thiệt hại nêu trên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án và để đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi của người dân.
Nhưng do các quy định pháp luật trước đây và hiện nay chưa hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan để thực hiện bồi thường thiệt hại cho nhà ở, công trình của người dân nằm ngoài phạm vi GPMB dự án bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng nêu trên nên chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Đặc biệt, việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ nguồn kinh phí GPMB của dự án để chi trả bồi thường thiệt hại chưa được quy định trong các văn bản Luật, Nghị định của Chính phủ.
Do vậy, để có đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng, tránh việc khiếu kiện đông người kéo dài và thực hiện quyết toán công trình, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, cho phép Bộ GTVT được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chi trả bồi thường thiệt hại (ngoài phần thuộc trách nhiệm do bảo hiểm chi trả) cho nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi GPMB bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án này.
Phần vốn này được lấy từ kinh phí GPMB trong tổng mức đầu tư của các dự án và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hội đồng GPMB địa phương xem xét, xác định đối tượng, mức độ ảnh hưởng, quyết định giá trị thiệt hại và thực hiện chi trả bồi thường trên cơ sở kết quả giám định tổn thất của đơn vị tư vấn giám định độc lập.
Không giải quyết được thì ra tòa
Cho ý kiến về việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, về quan điểm, khi thi công mà ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà dân phải có bồi thường cho dân. Tuy nhiên, theo ông Bình, vấn đề cần làm rõ là trách nhiệm và đồng tiền ở đâu? Thuộc Chính phủ, về Bộ Xây dựng hay trách nhiệm thuộc nhà thầu?
Thậm chí theo ông Bình, cũng phải tính đến phương án đưa vấn đề này ra toà xử lý trách nhiệm hành chính, dân sự. “Trách nhiệm thuộc về ai người đó trả chứ nhà nước không trả cái này. Việc này sẽ tạo ra tiền lệ từ nay về sau với những vi phạm trong xây dựng, kể cả công trình nhà nước vi phạm thì đưa ra toà chứ không thể lấy tiền của nhà nước”, ông Bình nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, vấn đề này thuộc về dân sự, luật quy định rõ ràng. Có 2 loại bồi thường là bồi thường thiệnt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu có hành vi dẫn đến hậu quả là hành vi thi công công trình, hậu quả làm ảnh hưởng nhà dân, làm nứt, sụt lún nhà dân, như vậy giữa hành vi và hậu quả có quan hệ với nhau.
“Lỗi ở đây là do thi công thì nhà thầu phải bồi thường. Nếu Chính phủ cam kết cứ để cho nhà thầu làm, ảnh hưởng đến nhà dân thì Chính phủ chịu trách nhiệm. Nếu không có thoả thuận ấy thì nhà thầu phải chịu, không thoả thuận được thì ra toà”, bà Nga nói.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho rằng, bộ này đã có nhiều vă bản gửi Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ và đồng tình với các ý kiến trên. Đầu tiên đây là trách nhiệm dân sự và sự liên quan trực tiếp chủ thể thực hiện ở đây là giữa nhà thầu và người dân trực tiếp bị ảnh hưởng.
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, trong việc thi công và đưa ra các giải pháp thi công, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời các đề nghị, về trách nhiệm của nhà thầu trong thi công cũng như giải pháp thiết kế kỹ thuật thì đã được quy định trong Luật Xây dựng, trách nhiệm thuộc về nhà thầu và tư vấn thiết kế.
Tiền phong