Mở van vốn cho “big 4” ngân hàng?
Một số chỉ báo của nhóm “big 4” đã ở gần giới hạn trước định hướng tăng mạnh tín dụng...
- 12-08-2017Thủ tướng yêu cầu NHNN có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 - 22%
- 11-08-20176 tháng đầu năm, tín dụng 19 ngân hàng vượt huy động dân cư tới 24.400 tỷ đồng
- 08-08-2017Tín dụng cao, GDP thấp, tiền ngân hàng đi đâu?
Như VnEconomy đề cập ở bài viết trước , tình huống nâng mạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21-22%, như Thủ tướng Chính phủ gợi ý, để hỗ trợ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc lớn vào nhóm “big 4” ngân hàng.
Đây bao gồm bốn ngân hàng thương mại thuộc sở hữu Nhà nước, hoặc Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối (trên 50%): Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Nhóm “big 4” này hiện đang nắm trên dưới 50% thị phần tín dụng của toàn hệ thống. Theo đó, nếu tăng mạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, cấu phần năng lực của nhóm “big 4” trở nên đáng chú ý.
Bởi với thực trạng năng lực tài chính hiện tại, một số chỉ báo an toàn hoạt động của họ đang ở gần giới hạn, gắn với khả năng mở rộng tín dụng.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, cập nhật gần nhất đến tháng 6/2017, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đang có chỉ báo tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động ở mức cao, lên tới 95,31%.
Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) - một phần phản ánh sức rướn tín dụng trong mở rộng tài sản - của nhóm này tính đến tháng 5/2017 vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt, chỉ ở 9,76% so với mức quy định tối thiểu 9%.
Với thực tế trên, để mở rộng tín dụng, thông thường nhóm “big 4” sẽ hạn chế bớt cho vay ở các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao, dịch chuyển sang các khu vực có hệ số rủi ro thấp để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới hệ số CAR nói trên.
Tuy nhiên, giải pháp và định hướng lâu dài, cũng như chuẩn bị cho yêu cầu tăng tín dụng năm 2018, nhóm thành viên đang chiếm thị phần lớn này phải nâng cao được năng lực tài chính, qua tăng vốn điều lệ để nâng hệ số CAR.
Đã gần hai năm trôi qua, từ sau sự kiện cả BIDV và VietinBank phải trả cổ tức bằng tiền mặt nộp về Bộ Tài chính thay vì trả bằng cổ phiếu hoặc giữ lại để tăng vốn, nhóm “big 4” vẫn chưa gỡ được yêu cầu tăng vốn điều lệ để cải thiện các chỉ số tài chính, qua đó có thêm điều kiện để có thể tăng mạnh tín dụng. Khó khăn này gắn với nguồn ngân sách nhà nước hạn chế trong rót vốn đầu tư thêm ở khu vực có sở hữu là các ngân hàng thương mại.
Với chuyển động chính sách gần đây, khó khăn trên dự kiến sẽ sớm được tháo gỡ.
Cụ thể, tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, hướng “mở van” rót vốn từ ngân sách đã được nêu rõ.
Cụ thể, tại quyết định trên, Thủ tướng nêu trách nhiệm của Bộ Tài chính phải chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel 2 theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hướng “mở van” rót vốn có thể sớm được thực hiện, vì theo đề án trên, lộ trình giai đoạn 2017-2018 sẽ triển khai Basel 2 áp dụng phương pháp tiêu chuẩn đối với 10 ngân hàng thương mại, trong đó có những ứng viên thuộc nhóm “big 4”, mà để áp chuẩn thì cần tăng được vốn cải thiện hệ số CAR.
Bên cạnh yêu cầu Bộ Tài chính bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ, đề án cũng nêu thêm hướng đi song song là nhóm ngân hàng này tiếp tục đẩy mạnh phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư theo nguyên tắc bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trong đó Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% của tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đề án cũng yêu cầu các thành viên này (ngoại trừ Agribank chưa cổ phần hóa) lựa chọn cổ đông chiến lược, đảm bảo có ít nhất một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế.
Trước khi chờ đợi có những chuyển động định hướng trên, từ trong năm 2016, khi khó khăn về nguồn và kênh tăng vốn điều lệ, các thành viên trong nhóm “big 4” đã lần lượt phải dùng biện pháp phát hành trái phiếu dài hạn để tính vào vốn cấp 2, cải thiện CAR. Và đây là biện pháp có chi phí lãi suất cao.
Vneconomy