MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Mỏ vàng’ mới nổi tại Đông Nam Á: là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tăng 18 lần, Trung Quốc cực 'nghiện' khiến nhiều quốc gia mời gọi đầu tư

14-08-2023 - 14:04 PM | Thị trường

‘Mỏ vàng’ mới nổi tại Đông Nam Á: là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tăng 18 lần, Trung Quốc cực 'nghiện' khiến nhiều quốc gia mời gọi đầu tư

Trung Quốc cũng đang ôm mộng nội địa hóa mặt hàng trên nhưng với kết quả ban đầu đầy thất vọng, Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam có lẽ không cần quá lo lắng trước đối thủ này.

Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 7, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 200 triệu USD, nâng kim ngạch mặt hàng này đến hết tháng 7 đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, tăng khoảng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kỷ lục này là tin vui với ngành rau quả.

Từ đầu năm 2021 đến hết năm 2022, diện tích sầu riêng cả nước đã tăng vượt khoảng 26.000 ha, nâng tổng diện tích lên khoảng 110.000 ha. Trong nửa đầu năm nay, diện tích trồng mới cây sầu riêng tiếp tục tăng mạnh.

‘Mỏ vàng’ mới nổi tại Đông Nam Á: là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tăng 18 lần, Trung Quốc cực 'nghiện' khiến nhiều quốc gia mời gọi đầu tư - Ảnh 1.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Năm ngoái, sầu riêng vẫn nằm ngoài 5 nhóm mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực. Thế nhưng chỉ sau đúng một năm khi có nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mặt hàng này đã vươn lên một cách ngoạn mục, trở thành sản phẩm rau quả chủ lực quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam.

Với diễn biến hiện nay, các chuyên gia dự báo, xuất khẩu sầu riêng trong năm có thể cán mốc 1,3-1,5 tỷ USD, trở thành yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có cơ hội đạt 5 tỷ USD trong năm nay, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu ban đầu.

Nhận thấy tiềm năng mà 'mỏ vàng' này mang lại, nhiều quốc gia trong khu vực cũng tích cực đẩy mạnh đầu tư.

Theo một bản tin trên tờ Jakarta Globe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã có cuộc gặp với người đồng cấp Indonesia Joko Widodo tại Thành Đô. Trong cuộc họp, Tổng thống Widodo đề xuất rằng Trung Quốc nên xem xét đầu tư vào các đồn điền sầu riêng ở Indonesia.

Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết chính phủ Indonesia hy vọng Trung Quốc sẽ đầu tư trồng 5.000 ha sầu riêng ở nước này. Như đã nêu trong đề xuất, 70% sản lượng sẽ được hướng tới thị trường Trung Quốc, trong khi Indonesia sẽ duy trì sở hữu 30% còn lại.

Ông Luhut nhấn mạnh thêm rằng nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đã tăng vượt quá 4 tỷ USD mỗi năm. Nếu Indonesia có thể chiếm được 25–40% thị phần này, giá trị có thể tăng vọt lên mức đáng kinh ngạc là 1,5 tỷ USD.

‘Mỏ vàng’ mới nổi tại Đông Nam Á: là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tăng 18 lần, Trung Quốc cực 'nghiện' khiến nhiều quốc gia mời gọi đầu tư - Ảnh 2.

Trong những năm gần đây, cả khối lượng và giá trị sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc đều tăng nhanh. Các nước Đông Nam Á trồng loại cây này đã thể hiện sự quan tâm đáng kể đến thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn sầu riêng của Trung Quốc hiện nay vẫn còn tương đối hạn chế do nước này hiện chỉ cho phép nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia .

Sản lượng sầu riêng của Indonesia ngang bằng với Thái Lan, với khối lượng 1,35 triệu tấn vào năm 2021, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng toàn cầu. Đáng ngạc nhiên, khối lượng xuất khẩu của nó vẫn tương đối khiêm tốn ở mức khoảng 500.000 tấn. Việc trồng sầu riêng ở Indonesia chủ yếu tập trung ở các tỉnh như Đông Java, Tây Sumatra, Trung Java, Bắc Sumatra và Tây Java, với 5 vùng này chiếm 60% tổng sản lượng sầu riêng của Indonesia.

Trung Quốc cũng đang cho thấy tham vọng nội địa hóa loại quả có giá trị cả tỷ USD này. Tuy nhiên, bước đầu đã không thành công khi vụ mùa đầu tiên gây thất vọng. Theo Shea Driscoll, cây bút của tờ The Post, đánh giá sầu riêng do Trung Quốc trồng có mùi vị nhạt, thịt cơm không ấn tượng, mùi vị thì chẳng khác nào chuối chưa chín. "Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam chắc chắn không cần quá lo lắng trước đối thủ này", ông Shea cho hay.

‘Mỏ vàng’ mới nổi tại Đông Nam Á: là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tăng 18 lần, Trung Quốc cực 'nghiện' khiến nhiều quốc gia mời gọi đầu tư - Ảnh 3.

Theo SCMP, người tiêu dùng có thể phải trả khoảng 349 NDT (50 USD) cho 7kg (15lbs) sầu riêng từ Việt Nam trên trang thương mại điện tử JD.com, tuy nhiên, phải đặt hàng trước. Sầu riêng từ Thái Lan và Malaysia hiện đang cháy hàng trên siêu thị Tmall - nền tảng mua sắm trực tuyến do Taobao điều hành.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên