"Mỏ vàng" thời đầu tư công
Đẩy mạnh đầu tư công sẽ là đòn bẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp khai thác đá xây dựng
Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, đầu tư công năm nay sẽ duy trì ở mức cao như năm ngoái, cộng với thị trường bất động sản hồi phục, sẽ là động lực cho ngành vật liệu xây dựng phát triển.
"Ngòi nổ" cho ngành đá xây dựng
Quốc hội hôm 28/7 đã "chốt" nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 5 năm tới cao hơn dự kiến trước đây. Theo đó, ngân sách trung ương và địa phương sẽ bố trí 2,87 triệu tỷ đồng cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025, tăng tới 40% so với thời kỳ 5 năm trước đó. Nguồn vốn này sẽ được ưu tiên cho những dự án hạ tầng giao thông mang tính chất "quả đấm thép" như xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, giải phóng mặt bằng sân bay quốc tế Long Thành…
Việc bố trí vốn đầu tư công vào những lĩnh vực, dự án cấp quốc gia sẽ có tác động lan toả đến nhiều ngành nghề, trong đó, khai thác đá xây dựng sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn. Thậm chí, một số mỏ đá xây dựng được ví như "mỏ vàng" thời đầu tư công bùng nổ.
Thực tế, ngày từ năm ngoái, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đầu tư công đã được coi là một trong những đầu kéo cho tăng trưởng kinh tế. Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, đầu tư công năm nay sẽ duy trì ở mức cao như năm ngoái, cộng với thị trường bất động sản hồi phục, sẽ là động lực cho ngành vật liệu xây dựng phát triển.
Theo đó, "miếng bánh chung sẽ lớn hơn trong năm 2021 và tất cả sẽ có phần", như một báo cáo ngành vật liệu xây dựng do công ty này phát hành tháng 4 vừa qua. Phú Hưng nhận định các công ty đầu ngành sẽ tăng trưởng vượt bậc và nhóm còn lại cũng sẽ tăng. Đặc biệt, hạ tầng khu vực phía Nam sẽ được tập trung phát triển trong nhiều năm tới mà tiêu biểu là sân bay Long Thành, kết hợp với nhu cầu từ bất động sản, sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các công ty trong ngành.
Thực tế, các công ty đá xây dựng đều kỳ vọng hưởng lợi từ những dự án hạ tầng giao thông lớn đang và sẽ được triển khai ở khu vực phía Nam. Như tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Nguyễn Hùng Thắng, quyền Giám đốc Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hoà (VLB), nhận định, trong năm 2021, khi một số công trình giao thông trọng điểm ở khu vực Đông và Tây Nam bộ được triển khai và đẩy mạnh thi công như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Liên Khương, Dầu Giây – Phan Thiết… cộng với một số hạng mục của sân bay Long Thành khởi công thì nhu cầu đá xây dựng để cung cấp cho những dự án này là "rất lớn" và đây sẽ là cơ hội để công ty đẩy mạnh sản xuất, tăng doanh thu.
Trong khi đó, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và khoáng sản Bình Dương (KSB) nhìn nhận, đầu tư công sẽ có "tác động kép" lên ngành đá xây dựng. Thứ nhất, chính những dự án hạ tầng giao thông lớn nhu đường cao tốc, sân bay, cầu cống, bệnh viện… có nhu cầu rất lớn về đá xây dựng. Thứ hai, những dự án hạ tầng giao thông lớn sẽ tác động lan toả, kích thích sự phát triển các ngành khác như khu công nghiệp, khu dân cư, bất động sản nghỉ dưỡng và những ngành này cũng là khách hàng lớn của các doanh nghiệp đá xây dựng.
Ông Đạt lấy dẫn chứng những khu vực có các dự án đầu tư công lớn được triển khai trong thời gian tới ở Đông Nam Bộ như huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã bổ sung 3 khu công nghiệp mới có quy mô rất lớn là Long Đức 3 (253ha), Bàu Cạn – Tân Hiệp (2.626ha) và Xuân Quế - Sông Nhạn (3.595ha). Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản lớn ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước như Aqua City (1.000ha), NovaWorld Phan Thiết (1.000ha) cũng có nhu cầu rất lớn về đá xây dựng. "Việc TP. HCM tích cực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, cũng như sự bùng nổ của các dự án bất động sản công nghiệp và khu đô thị ở Bình Dương, Đồng Nai, cũng như bất động sản nghỉ dưỡng ở Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp đá xây dựng duy trì doanh thu và lợi nhuận cao trong trung và dài hạn", ông Đạt nhận định.
Ngành đá xây dựng đang được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn đầu tư công
Ai hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn đầu tư công?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, các doanh nghiệp ngành đá xây dựng sẽ là một trong những bên hưởng lợi lớn từ gói đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỷ đồng cho giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, những doanh nghiệp sở hữu mỏ đá ở khu vực Đông Nam Bộ như KSB, VLB, C32, NNC, CTI và DHA – nơi có nhiều dự án đầu tư công trọng điểm – sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Tuy nhiên, ông Khánh chỉ ra rằng, cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả các doanh nghiệp. Nguyên nhân là do đặc thù kinh doanh của ngành đá xây dựng, nếu mỏ càng gần công trường thì càng có lợi thế vì giảm được chi phí vận tải. Bên cạnh đó, theo ông Khánh, thời hạn khai thác các mỏ đá cũng như việc có được giấy phép khai thác mỏ mới sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp đá xây dựng.
Ông Khánh đơn cử như năm nay mỏ Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ ở Bình Dương sẽ hết hạn khai thác trong năm nay, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp đang khai thác những mỏ này. Như do mỏ Núi Nhỏ đóng cửa nên năm nay, Công ty CP Đá Núi Nhỏ đặt kế hoạch doanh thu năm nay giảm 50% và lợi nhuận giảm 75% so với năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đạt 119 tỷ đồng doanh thu thuần và 27,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức giảm 43% và 53% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng gặp thách thức do mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa nhưng KSB vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận ổn định ở mức cao nhờ vào nguồn thu từ kinh doanh khu công nghiệp, tăng sản lượng ở mỏ hiện có. Riêng với ngành cốt lõi là khai thác đá, ông Đạt cho biết, năm nay, công ty thực hiện "3 mũi giáp công" là tìm kiếm mỏ mới, khai thác xuống sâu với mỏ hiện có và đầu tư vào những công ty sản xuất vật liệu xây dựng có tiềm năng lớn. Theo đó, KSB đang đẩy nhanh tiến độ xin cấp phép mỏ Tam Lập giai đoạn I và xin chủ trương đầu tư mỏ mới ở Đồng Nai và Bình Phước. Bên cạnh đó, KSB công ty đang hoàn thành thủ tục khai thác mỏ Tân Mỹ xuống độ sâu 150m, mở rộng hiện trường khai thác mỏ Thiện Tân 7 và hoàn thành cấp phép mỏ sét Bố Lá 33,4ha.
Mặc dù trong nửa đầu năm 2021 phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhất là làn sóng dịch thứ 4 khiến nhiều công trình xây dựng bị chậm lại, nhưng tình hình kinh doanh của KSB vẫn ổn định ở mức cao. Công ty đạt doanh thu thuần 568 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 161 tỷ đồng – tương đương 47% kế hoạch năm. Trong nửa cuối năm, ngoài nguồn thu từ kinh doanh vật liệu xây dựng và khu công nghiệp, KSB còn có thêm lợi nhuận từ khoản uỷ thác đầu tư với tỷ lệ lớn vào VLB, trong đó, chuẩn bị được nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn 36%. Với nguồn thu này, lãnh đạo KSB tự tin sẽ đạt, thậm chí vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của cả năm đã đặt ra là 1.200 tỷ đồng và 280 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh này, KSB tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong ngành đá xây dựng.
Một doanh nghiệp cũng hưởng lợi lớn từ kế hoạch đầu tư công trong những năm tới là VLB. Với 3 mỏ đá có trữ lượng lớn, lên tới 250 triệu tấn, và thời gian khai thác còn dài, lại nằm ở khu vực có những dự án đầu tư công lớn như sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, nên triển vọng kinh doanh của VLB rất sáng sủa.
Bên cạnh đó, cả KSB và VLB đều hưởng lợi từ những dự án đầu tư công và bất động sản ở Tây Nam Bộ do có những mỏ có thể khai thác đá và vận chuyển bằng đường sông. Mặc dù chưa cung cấp đá cho dự án sân bay Long Thành, nhưng nhờ vào những dự án tái định cư đang triển khai, VLB đã có cơ hội tăng doanh thu. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, VLB đạt doanh thu 536 tỷ đồng, và lợi nhuận công ty mẹ đạt 89 tỷ đồng.
Theo ông Đạt, bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19, giá bán đá xây dựng khá ổn định trong thời gian qua, từ đó, lợi nhuận của các công ty đá xây dựng duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, các dự án đầu tư công lớn và các dự án bất động sản được triển khai mạnh trở lại, giá bán đá xây dựng có thể tăng trở lại, từ đó sẽ đẩy doanh thu và lợi nhuận lên tầm cao mới.