Mobile Money được triển khai, thị trường dịch vụ thanh toán Việt Nam sẽ thay đổi ra sao?
Chính phủ quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money. Như vậy, chỉ cần 20-30% sử dụng dịch vụ trong tổng 130 triệu thuê bao di động hiện nay, với hạn mức tối đa thì lượng tiền qua kênh Mobile Money có thể lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
- 10-03-2021Dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên hơn 1.500 tỷ đồng đủ điều kiện báo cáo Thủ tướng phê duyệt
- 09-03-2021Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển 5 cụm công nghiệp mới
- 09-03-2021Dự án nhà máy điện sinh khối vốn trên 875 tỷ đồng tại Hậu Giang được chấp thuận đầu tư
- 09-03-2021WEF: Chỉ trong 1 năm, công suất phát điện mặt trời tại Việt Nam tăng tương đương 6 nhà máy nhiệt điện than
Công ty viễn thông chính thức bước vào thị trường dịch vụ thanh toán
Sau nhiều lần trì hoãn, dịch vụ tiền di động (Mobile Money) cuối cùng cũng được triển khai. Cụ thể, ngày 9/3, Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ Mobile Money.
Quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money có hiệu lực từ ngày ký và thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm.
Đây là cột mốc đánh dấu việc các công ty viễn thông sẽ chính thức bước vào thị trường dịch vụ thanh toán, với nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với ngân hàng và các ví điện tử trong thị trường thanh toán số của Việt Nam. Ước tính Mobile Money sẽ có khả năng mang lại cho các nhà mạng doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Chính phủ cũng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money, bao gồm tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán. Như vậy, trong tổng 130 triệu thuê bao di động hiện nay, chỉ cần 20-30% sử dụng dịch vụ với hạn mức tối đa thì lượng tiền luân chuyển qua kênh Mobile Money có thể lên đến hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Số liệu thống kê của McKinsey cho biết, điểm hòa vốn cho dịch vụ này cần giá trị giao dịch hàng năm đạt 2-3 tỷ USD, tương đương với doanh thu toàn hệ thống khoảng 20-30 triệu USD. Thời điểm hòa vốn có thể quanh 36 tháng kể từ ngày ra mắt dịch vụ. Chi phí đầu tư ban đầu của Mobile Money khá thấp nhưng chi phí vận hành như đại lý, marketing, lương nhân viên chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Liệu Mobile Money sẽ tạo ra cuộc cách mạng thanh toán điện tử?
Trước đó, các nhà mạng như Viettel, VinaPhone hay MobiFone đều mong chờ được cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money. VNPT và Viettel đều đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán. MobiFone cũng đã nộp hồ sơ mong muốn được triển khai thử nghiệm Mobile Money.
Việc Mobile Money được triển khai sẽ mang lại cơ hội thanh toán không dùng tiền mặt cho hơn 50% người dân chưa có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng việc Mobile Money được triển khai sẽ là một cú hích với thanh toán không tiền mặt, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, trao đổi với Trí Thức Trẻ về vấn đề này, theo ông Marcin Miller, Giám đốc Hợp danh McKinsey Việt Nam, Mobile Money chưa chắc sẽ tạo ra cuộc cách mạng về thanh toán điện tử tại Việt Nam. Lý giải về điều này, đại diện McKinsey Việt Nam đưa ra 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, thành công của Mobile Money chỉ diễn ra ở một số khu vực địa lý nhất định, chủ yếu ở châu Phi, ví dụ như Kenya, khi mà tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh còn rất thấp và người dân phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc tiếp cận hạ tầng ngân hàng.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở thành phố là 85%, các vùng nông thôn là 65%. "Vậy khi hầu hết mọi người đều có khả năng truy cập vào ví điện tử trên thiết bị di động, tại sao họ phải dùng Mobile Money?", ông đặt vấn đề.
Thứ hai, yếu tố khác giúp Mobile Money thành công tại châu Phi là do mạng lưới ngân hàng chưa phát triển. Song, ngay cả tại khu vực nông thôn của Việt Nam, phạm vi bao phủ các chi nhánh ngân hàng lại khá tốt, hoàn toàn khác so với Kenya. Người dân có thể tìm đến chi nhánh ngân hàng dễ dàng, không như người dân ở các vùng nông thông châu Phi, phải đi hàng chục km để đến một chi nhánh ngân hàng.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money bị cấm thực hiện hoạt động ngân hàng
Mặc dù ông Marcin Miller cho rằng Mobile Money sẽ không tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong bức tranh thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam, nhưng dịch vụ này vẫn sẽ tạo ra nhiều cơ hội cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính trong nhiều lĩnh vực trên thị trường.
Đặc biệt, liên quan đến tác động của Mobile Money tới vị thế của các ngân hàng, nhóm phân tích của Chứng khoán BSC từng nhấn mạnh rằng tác động của vị thế của các nhà mạng sẽ lớn hơn, nhưng không có nghĩa ngân hàng sẽ bé đi. Trên thực tế, một số hành vi bị cấm khi triển khai thí điểm cho thấy vị thế của các ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng lớn bởi Mobile Money.
Cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money bị cấm thực hiện hoạt động ngân hàng (cho vay, huy động vốn). Thêm vào đó, các doanh nghiệp bị cấm thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, trả lãi trên số dư tài khoản Mobile Money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile Money so với giá trị tiền khách đã nạp vào tài khoản Mobile Money.
Như vậy, mục đích cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money hiện nay đơn thuần nhằm phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tại Việt Nam.