MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã lỗi thời?

22-07-2023 - 07:19 AM | Tài chính quốc tế

Mô hình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã lỗi thời?

Mohamed El-Erian chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thể tăng tốc.

Bài viết là quan điểm của Mohamed El-Erian, cựu CEO của quỹ đầu tư trái phiếu PIMCO và cũng từng là Chủ tịch Hội đồng Phát triển toàn cầu của cựu Tổng thống Barack Obama. Hiện ông là cố vấn kinh tế trưởng của quỹ đầu tư Allianz, đồng thời có nhiều cuốn sách bán chạy về kinh tế.

Trong suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã trở thành ví dụ tiêu biểu nhất để minh họa cho câu chuyện làm thế nào 1 quốc gia có thể tận dụng toàn cầu hóa để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại đứng trước nguy cơ trở thành ví dụ cho thấy nếu không thích nghi kịp thì toàn cầu hóa có thể biến thành 1 làn gió ngược mạnh như thế nào.

Mặc dù tình trạng của kinh tế Trung Quốc hiện nay xuất phát từ một số nguyên nhân đặc thù, nhiều quốc gia (cả phát triển và đang phát triển) cũng đang gặp phải những thách thức tương tự. Câu chuyện của Trung Quốc cũng cho thấy, mặc dù tăng trưởng kinh tế không phải là tất cả, các quốc gia sẽ không thể giải quyết các vấn đề khác nếu như kinh tế không tăng trưởng.

Bước vào năm 2023, cả thế giới kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, gần đây rất nhiều chuyên gia phân tích đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong cả ngắn và dài hạn. Có 3 nguyên nhân chính khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thể tăng tốc.

Thứ nhất, các số liệu mới nhất về hoạt động thương mại quốc tế cho thấy hiện kinh tế toàn cầu không còn hỗ trợ cho các động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm 12,4% (tính bằng USD) và nhập khẩu giảm 6,8%, tệ hơn dự báo. Nguyên nhân là do lực cầu yếu ớt tại các thị trường chủ chốt như châu Âu, cùng với những lệnh hạn chế mà phương Tây (đặc biệt là Mỹ) áp đặt lên Trung Quốc.

Thứ hai, dường như các nhà hoạch định chính sách đang bị giằng xé giữa hai cách tiếp cận để kích thích nền kinh tế. Điều này dẫn đến các chính sách phản ứng trở nên thiếu quyết đoán. Trung Quốc không muốn tung ra những gói kích thích khổng lồ, đổ từ trên xuống (top-down) như trong quá khứ vì lo ngại về tính hiệu quả và nguy cơ thổi phồng bong bóng nợ.

Tuy nhiên, cách thức thay thế là thiết kế những gói kích thích phù hợp với đặc tính của từng địa phương (bottom-up) lại bị hạn chế bởi các yếu tố chính trị. Cuối cùng, kinh tế Trung Quốc như đang bị mắc kẹt. Bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố bất lợi mang tính cấu trúc như dân số già, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao và nhiều lĩnh vực vẫn có tỷ lệ đòn bẩy cao.

Thứ ba, động thái dỡ bỏ chính sách Zero-Covid đã không thể giúp lực cầu bùng nổ. Lực cầu có tăng nhưng yếu hơn so với dự đoán và không đồng đều giữa các bộ phận của nền kinh tế. Mặc dù GDP tăng trưởng 6,3% trong quý II là mức cao hơn so với quý I nhưng vẫn thấp hơn dự báo.

Trong bối cảnh tăng trưởng của châu Âu và Mỹ được dự báo vẫn sẽ ì ạch trong tương lai gần, và với kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ làn sóng tăng lãi suất, Trung Quốc không thể dự vào toàn cầu hóa để giải cứu kinh tế nội địa.

Các công ty trên toàn thế giới đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng thay vì chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc, dẫn đến dòng vốn FDI suy yếu. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị chắc chắn sẽ tăng lên.

Thay vì trông đợi vào lực cầu bên ngoài, Trung Quốc cần phải tập trung vào các nguồn lực nội địa để tạo ra đà tăng trưởng khỏe mạnh và bền vững. Để có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp ám ảnh nhiều nền kinh tế mới nổi, điều quan trọng nhất là thoát khỏi tình trạng chính sách không nhất quán như hiện nay.

Tham khảo Project Syndicate

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên