Mối đe doạ lớn đối với hệ thống tài chính toàn cầu: Ngân hàng bóng tối đã trở thành một ngành có giá trị 52 nghìn tỷ USD
Cho vay phi ngân hàng - nguyên nhân trọng tâm của cuộc khủng hoảng tài chính, đã phát triển nhanh chóng và vẫn đang gây ra những rủi ro khó lường nếu điều kiện tín dụng xấu đi.
- 08-04-2019Cuộc khủng hoảng nợ tiếp theo có thể bùng lên bất cứ lúc nào
- 06-04-2019Đầu tư chứng khoán sẽ mang về nhiều tiền hơn, nhưng người đàn ông 37 tuổi này quyết tâm đặt cược với "canh bạc" thị trường nợ 13 nghìn tỷ USD của Trung Quốc
- 26-03-2019Chìm trong ‘núi’ nợ vì tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, Maldives loay hoay tìm cách thoát khỏi bi kịch bị Trung Quốc ‘bòn rút'
- 23-03-2019Các doanh nghiệp Trung Quốc chứng kiến 'làn sóng' vỡ nợ cao chưa từng thấy
Thường được gọi là ngân hàng "ngầm" hay tín dụng đen, đây là một thuật ngữ mà ngành ngân hàng không mấy ưa chuộng. Các tổ chức này là yếu tố thúc đẩy cuộc khủng hoảng nợ, bởi cung cấp dịch vụ cho vay tới những người không đủ tiêu chuẩn đi vay. Hơn nữa, họ còn hỗ trợ cho một số công cụ đầu tư ngoại lai vốn đã sụp đổ khi các khoản thế chấp dưới chuẩn bị loại bỏ. Các công ty này không phải đối mặt với nhiều quy định chặt chẽ như những ngân hàng truyền thống. Vậy nên, rủi ro đến từ đó cũng có mức độ cao hơn.
Trong những năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc, các ngân hàng "ngầm" đã chứng kiến khối tài sản tăng lên tới 52 nghìn tỷ USD, tức là tăng 75% so với năm 2010 - 1 năm sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Mức tài sản được tính đến năm 2017, theo cơ quan xếp hạng trái phiếu DBRS, trích dẫn số liệu từ Uỷ ban Ổn định Tài chính.
Trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia chiếm phần lớn nhất của ngành với 29%, tương đương 15 nghìn tỷ USD tài sản dù tỷ trọng trên toàn cầu đang dần suy giảm. Trung Quốc lại chứng kiến sức tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ, chiếm 16% với mức tài sản là 8 nghìn tỷ USD.
Trong ngành ngân hàng ngầm, lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất là "phương tiện đầu tư theo tập thể". Đây là một thuật ngữ bao gồm nhiều quỹ trái phiếu, quỹ phòng hộ, quỹ thị trường tiền tệ và quỹ hỗn hợp. Nhóm này đã chứng kiến số tài sản "bùng nổ" lên tới 130%, với 36,7 nghìn tỷ USD giá trị tài sản. Hơn nữa, nó cũng gây ra mối nguy hiểm đặc biệt bởi tính biến động mạnh cùng nguy cơ thoái vốn cao, và đó cũng chính là "những rủi ro đáng kể" mà DBRS nhận thấy ở ngành này.
Trong bức thư hàng năm gửi đến các nhà đầu tư của CEO JPMorgan, Jamie Dimon, đã cảnh báo về những rủi ro của tín dụng đen, mặc dù ông cho biết vẫn chưa nhận thấy mối nguy mang tính hệ thống nào. Ông viết trong bức thư: "Hoạt động cho vay thế chấp phi ngân hàng, cho vay sinh viên, cho vay có đòn bẩy và một số cho vay tiêu dùng đang tăng lên và cần được theo dõi sát sao."
DBRS chỉ ra những rủi ro đặc thù từ hoạt động đi vay ngắn hạn nhưng cho vay dài hạn, hay còn được gọi là "trung gian đáo hạn" (maturity intermediation), đã đẩy Lehman Brothers đến "vực thẳm" và gây "lũng loạn" cho cả Phố Wall. Hơn nữa, cơ quan này còn xác định những vấn đề về thanh khoản, nợ và chuyển đổi tín dụng hoặc đầu tư vào các phương tiện có lợi nhuận cao đi kèm rủi ro cao, có thể bao gồm các khoản vay có đòn bẩy.
Cơ quan này nhận định: "Hệ thống tài chính toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro ngày càng lớn từ tín dụng đen. Sự suy yếu của lĩnh vực này bắt nguồn từ việc các hoạt động kể trên có thể gây ra những đợt rút vốn ồ ạt hoặc khiến những căng thẳng trên thị trường tài chính còn trầm trọng hơn."
Dẫu vậy, những ý kiến ủng hộ ngành công nghiệp này nhấn mạnh rằng các tổ chức của họ vẫn phải chịu những quy định khắt khe và đã được tăng cường tính an toàn sau cuộc khủng hoảng tài chính. Họ cũng chỉ ra tầm quan trọng của các ngân hàng "ngầm" trong việc hỗ trợ tài chính cho những người đi vay không có điều kiện tiếp cận ngân hàng truyền thống.
Trong bài phân tích, DBRS cũng lưu ý rằng các phương tiện đầu tư có tổ chức sẽ giúp xoa dịu những căng thẳng của thị trường miễn là tình trạng thoái vốn không xảy ra. Hơn nữa, môi trường lãi suất thấp, hiện đang tràn ngập khắp thế giới khi các ngân hàng trung ương tìm cách duy trì các điều kiện tài chính, cũng góp phần làm giảm bớt những rủi ro sụt giá.
Tuy nhiên, quy mô lớn của ngành ngân hàng "ngầm" và các công ty trong ngành tài chính phi ngân hàng vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong trường hợp các điều kiện lý tưởng thay đổi. Tài chính phi ngân hàng, bao gồm công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và những hình thức tương tự, đã chứng kiến tỷ trọng tăng 61% lên 185 nghìn tỷ USD. Tài sản ngân hàng truyền thống đã tăng 35% lên 148 nghìn tỷ USD trong cùng kỳ.
DBSR đã xác định 3 rủi ro cụ thể mà các ngân hàng "ngầm" gây ra trong thời điểm thị trường đang trải qua sự căng thẳng. Đó là, cấu trúc của họ không thể đối mặt với những thời điểm thanh khoản thấp và tình trạng rút vốn ồ ạt. Ngoài ra còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các giai đoạn điều kiện tín dụng đi xuống và thiếu đa dạng nguồn thu có thể sẽ gây tổn hại khi các thành phần của thị trường có diễn biến tiêu cực.
Trái phiếu cũng đối mặt rủi ro cao trong môi trường phương tiện đầu tư tập thể, với tài sản trị giá 10,6 nghìn tỷ USD. DBRS cho biết: "Trường hợp lãi suất tăng mạnh sẽ gây ra những khoản thua lỗ lớn trên thị trường và kéo tụt tỷ suất sinh lời của quỹ. Trong một số trường hợp, sự suy giảm như thế này có thể khiến các nhà đầu tư lớn sẽ rút vốn ồ ạt và bán tài sản bắt buộc. Những đợt thoái vốn mạnh có thể gây ảnh hưởng tới các quỹ khác và cả thị trường nói chung."