Môi giới bất động sản cay đắng khi mất khách vào phút chót
Để bán được một sản phẩm phải chạy vạy ngược xuôi, từ khâu kết nối, tư vấn, đặt cọc rồi mới đến được khâu chốt cuối cùng… Thế nhưng, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cả khách hàng và môi giới đều phải ngậm ngùi hẹn nhau chờ dịch đi qua.
Thị trường bất động sản đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn khi mà ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn toàn thành phố áp dụng chỉ thị 16 tăng cường, mọi phân khúc của bất động sản gần như đứng im. Đặc biệt là các phòng công chứng, quán café cũng đều đóng cửa. Trong hình hình này, việc môi giới và khách hàng "hẹn hò" để trao đổi về dự án, bàn về việc chốt cọc, xem xét giấy tờ pháp lý và đi đến quyết định cuối cùng cũng rất gian nan.
Khi các giao dịch cũng không thể thực hiện, môi giới gặp phải tình huống khó khăn trăm bề khi phải tìm mọi cách để giữ chân khách hàng. Anh M.V.P., một môi giới chuyên hoạt động tại khu vực Tp.HCM cho biết, nhiều tháng qua anh đang cùng các đồng nghiệp bán 2 dự án chung cư nhưng lượng đơn chốt thành công là rất ít. Kể từ sau Tết Nguyên đán, nhiều đợt dịch cứ êm xuôi rồi lại bùng phát trở lại, sàn giao dịch liên tục bị đóng cửa, các quán café (vốn là nơi gặp gỡ giữa môi giới - khách hàng) cũng chỉ mở cửa được thời gian ngắn rồi lại đóng khiến cho việc kết nối giữa khách hàng và nhân viên sales càng khó khăn hơn nhiều.
Anh P. chia sẻ, chưa bao giờ việc bán hàng lại vất vả như thời điểm hiện tại. Để chốt được một sản phẩm, môi giới thường phải gọi điện, nhắn tin, tư vấn cho khách hàng rất nhiều từ những chi tiết nhỏ nhất về pháp lý, thị trường, tiềm năng của một sản phẩm, khả năng sinh lời, thậm chí còn phải giải thích cho khách hàng nếu dự án chẳng may gặp phải lùm xùm về truyền thông. Để khách hàng đồng ý gặp gỡ tìm hiểu thêm về sản phẩm, môi giới đôi khi phải giữ liên hệ hàng tháng trời, tốn không biết bao nhiều thời gian và công sức. Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát, nhiều cuộc hẹn với khách hàng đành phải hoãn lại chờ dịch qua.
Anh P. cũng chia sẻ thêm rằng, thời gian qua bản thân anh cũng đã phải ngậm ngùi mất đi nhiều giao dịch, dù cho khách hàng đã chuyển tiền cọc cho chủ đầu tư. Để giữ được kết nối với khách hàng trong giai đoạn hiện nay, mỗi ngày anh P. đều cố gắng nhắn tin hỏi han về sức khỏe, liên tục giới thiệu các sản phẩm mới để khách hàng vẫn luôn nhớ đến mình.
"Thời gian chờ đợi quá lâu sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề, khách hàng càng tìm hiểu sâu hơn về dự án thì họ càng có sự dè chừng kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra quyết định. Nhiều khách hàng thậm chí đã chuyển tiền cọc, nhưng lại xin lại cọc do lo lắng mua sản phẩm trong mùa dịch sẽ khó chốt lời. Nhiều giao dịch mà tôi mất 2-3 tháng để tư vấn, hỗ trợ nhưng cuối cùng lại mất vào phút chót. Cảm giác đó giống như việc bị vuột mất một con cá khi sắp đến tay nó buồn bã vô cùng. Biết tình hình thị trường khó khăn, nhưng bây giờ chuyển nghề thì cũng chẳng biết làm gì nên vẫn cố gắng tiếp", anh P. tâm sự.
Tương tự anh T., một môi giới khác chuyên bán sản phẩm đất nền tại khu vực Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cũng biết, thời gian qua tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chốt giao dịch giữa môi giới và khách hàng. Đặc biệt là khi các phòng công chứng đóng cửa, dù cho khách hàng có sẵn nguồn tiền muốn mua sản phẩm, nhưng lại không thể di chuyển đến tận nơi để xem trực tiếp. Môi giới và khách hàng chỉ có thể trao đổi qua điện thoại, không thể gặp gỡ, môi giới cũng không thể dẫn khách hàng đi xem nhà/đất vì sợ lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, việc tư vấn và chốt được giao dịch là rất gian nan. Trong khi đó, nhiều giao dịch dù đã chốt được thành công thì vẫn phải tiếp tục chờ đợi sau dịch đi qua rồi mới có thể hẹn nhau đến phòng công chứng để thực hiện các thủ tục mua bán.
"Trong khoảng thời gian chờ đợi quá lâu sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề. Trong đó, điều môi giới lo lắng nhất là việc khách hàng dễ đổi ý không mua nữa. Nhiều khách hàng quen nói với tôi rằng họ đang sẵn tài chính, tha thiết tìm mua sản phẩm. Bản thân tôi thời gian qua cũng tìm tòi được rất nhiều sản phẩm tốt muốn dẫn khách đi xem để chốt cọc, nhưng tất cả cuộc hẹn đều phải hoãn lại do dịch Covid-19. Tình thế này nếu tiếp tục kéo dài, thì đại bộ phận làm nghề môi giới sẽ rất khó khăn để có thể trụ lại", anh T. nói thêm.
Trong khi đó, nhiều khách hàng cũng ở thế "có tiền nhưng không thể mua". Việc gửi ngân hàng giờ đây chỉ là lựa chọn cuối cùng, bởi thực tế lãi suất tại các ngân hàng rất thấp. Tuy nhiên, để mua bất động sản thì phải tìm hiểu kỹ lưỡng, việc chốt giao dịch cũng vô cùng khó khăn ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư cho biết họ thà đợi chờ đợi dịch qua, chứ không quá vội vàng xuống tiền khi chưa hiểu hết về một sản phẩm.